Hội thảo về Luật Dầu khí (sửa đổi): Kỳ vọng tạo làn sóng mới thu hút đầu tư

(PLM) - Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: “Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)”.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, góp ý lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Dự luật này đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10/2022. Dự luật Dầu khí (sửa đổi) dành một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá cao Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và kỳ vọng những vướng mắc còn tồn tại sẽ tiếp tục được chỉnh lý trong Dự thảo hoặc trong Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, cũng như mong muốn Luật Dầu khí sửa đổi với những điểm mới, tiến bộ sẽ sớm được thông qua và thực thi, đáp ứng kỳ vọng của của Đảng, nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Cùng tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đánh giá Luật Dầu khí (sửa đổi) mới đã đưa ra một số nội dung của nghị định 95, nâng cấp được chức năng nhiệm vụ của Tập đoàn PVN. Dự thảo luật mới có thể coi như là luật mới cần 2 nghị định để hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Vy, việc trao thêm quyền cho PVN ở khâu phê duyệt kế hoạch đại cương thông thường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ dự thảo mới và đề nghị quán triệt hai vấn đề tinh thần dự thảo: Tăng phân cấp cho PVN và tạo làn sóng mới thu hút đầu tư.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Vinh – Trưởng khoa Dầu khí, Đại học Mỏ - địa chất, Dự thảo luật mới có thêm một số điều về cơ bản là làm rõ ý, chặt chẽ hơn, quy trình hồ sơ tài liệu rõ ràng hơn. Đối với luật dầu khí này chủ yếu tập trung khâu thượng nguồn. Trong luật quy định cho rất nhiều tổ chức, cá nhân, tuy nhiên PVN là doanh nghiệp duy nhất. “Vai trò của PVN cũng thay mặt nhà nước kí các hợp đồng, chúng ta cũng phải xem như PVN cũng là một đơn vị quản lý nhà nước, nâng cao quyền hạn, vai trò của PVN”- ông Vinh nhấn mạnh.

Về phía đại diện Quốc hội, bà Nguyễn Phương Thảo – Chuyên viên chính Viện nghiên cứu Lập pháp – Quốc hội cũng nhất trí với nội dung Dự thảo sửa đổi Luật Dầu khí mới.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy nhiên, dự thảo có nhiều quy định, nguyên tắc vẫn còn cần phải bổ sung, làm rõ. Do vậy, đây là dịp tổng hợp các ý kiến, gửi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, chỉnh sửa, thảo luận để sớm hoàn thiện và thông qua luật trong thời gian tới.