Hà Nội: Không có bằng kỹ sư vẫn được bổ nhiệm Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Bắc Từ Liêm?

(PLM) -  Mặc dù, UBND TP. Hà Nội đã có quy định rõ về tiêu chuẩn, năng lực vị trí việc làm đối với chức danh quản lý tại các Ban quản lý dự án Đầu đư xây dựng (viết tắt: BQLDA) tuy nhiên, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn bổ nhiệm ông Nguyễn Minh An làm Phó Giám đốc BQLDA khi không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định.
Trụ sở Quận ủy, HĐND - UBND quận Bắc Từ Liêm
Trụ sở Quận ủy, HĐND - UBND quận Bắc Từ Liêm

Ngày 26/7/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4931/QĐ-UBND phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc quận, huyện, thị xã. Theo đó, vị trí việc làm của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Ban QLDA, thì chức danh nghề nghiệp tương ứng phải là kỹ sư hoặc tương đương.

Tuy nhiên, UBND quận Bắc Từ Liêm dường như đã không áp dụng quy định này đối với việc bổ nhiệm ông Nguyễn Minh An vào vị trí Phó Giám đốc BQLDA?

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Minh An, sinh năm 1974, có trình độ chuyên môn là thạc sỹ Quản lý Khoa học Công nghệ - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên, chuyên môn này không đáp ứng và thỏa mãn điều kiện: “bằng kỹ sư hoặc tương đương”. Hay nói cách khác, ngành học của ông Lê Minh An không phù hợp với chức danh, vị trí việc làm mà UBND TP Hà Nội đã quy định tại Quyết định số 4931/QĐ-UBND.

Quyết định số 4931/QĐ-UBND quy định vị trí việc làm của Phó Giám đốc Ban QLDA phải có trình độ là kỹ sư hoặc tương đương.

Quyết định số 4931/QĐ-UBND quy định vị trí việc làm của Phó Giám đốc Ban QLDA phải có trình độ là kỹ sư hoặc tương đương.

Theo các chuyên gia pháp lý, theo Quyết định số 4931 của UBND TP Hà Nội cho thấy, chức danh Giám đốc và Phó Giám đốc BQLDA là vị trí việc làm quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan sự nghiệp có nguồn thu. Việc này thể hiện rõ trong các tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm tham gia thực hiện các dự án.

Việc quy định chức danh Phó Giám đốc BQLDA phải có bằng kỹ sư hoặc tương đương nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên môn, chức danh nghề nghiệp. “Tương đương” trong Quyết định số 4931 được hiểu là sẽ bằng hoặc cao hơn bằng đại học. Nhưng sẽ có hai loại hình đào tạo, một là chuyên môn kỹ thuật sẽ tương đương bằng kỹ sư, dù đào tạo ở trường nào cũng được, nhưng phải đào tạo theo chuyên ngành kỹ thuật. Hai là chuyên môn khác sẽ tương đương bằng cử nhân. Ví dụ, thạc sỹ Quản lý Khoa học công nghệ, nếu được đào tạo về môn học chuyên ngành thông tin liên quan đến sửa chữa hoặc cài đặt các phần mềm thì sẽ tương đương bằng kỹ sư…

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định: Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù. Vì vậy, nếu muốn tương đương bằng kỹ sư thì phải đào tạo theo chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành.

Ở sự việc này, ông Nguyễn Minh An không có bằng kỹ sư mà chỉ có bằng thạc sỹ Quản lý Khoa học Công nghệ của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (một trường đào tạo chuyên sâu lĩnh vực khoa học xã hội). Có thể khẳng định rằng tấm bằng thạc sĩ này không được xem là bằng kỹ sư và cũng không thể hiện được trình độ tương đương với bằng kỹ sư chuyên ngành. Vì vậy, việc bổ nhiệm ông An là chưa đảm bảo.

Đầu năm 2021, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm – Lưu Ngọc Hà đã ra Kết luận thanh tra sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân chỉ ra các sai phạm trong việc điều chuyển cán bộ và phân công cán bộ có trình độ chuyên môn vào các vị trí chức danh không phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực. Theo đó, sau khi ban hành Kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo BQLDA kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc thống nhất chủ trương phân công nhiệm vụ cho viên chức và người lao động chưa đảm bảo quy định. Đồng thời, rà soát, sắp xếp viên chức, người lao động đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục