Theo đó, tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Kỳ thi phải được thực hiện bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.
Ảnh minh họa. |
Theo nội dung kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo - thường trực Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị, trường học hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh; chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác thi nắm chắc nghiệp vụ thi và Quy chế thi; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi; Tổ chức chấm bài thi tự luận, chấm bài thi trắc nghiệm, chấm phúc khảo bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm cho thí sinh theo đúng quy chế thi và hướng dẫn của Bộ; Xét công nhận tốt nghiệp và cấp Bằng tốt nghiệp THPT; Thực hiện, đề nghị việc khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, thí sinh, những người tham gia làm công tác thi theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch tổ chức thi, các Điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Coi thi, các Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo bài thi để các đơn vị tham gia tổ chức thi xây dựng phương án phối hợp tổ chức kỳ thi. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn TP.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Trung ương và các Bộ, ngành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh, cán bộ và những người tham gia tổ chức kỳ thi; có phương án dự phòng trong công tác tổ chức thi, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Công an Thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn, thực hiện công tác phối hợp, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi do Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an ban hành; Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi; Chỉ đạo lực lượng CSGT có kế hoạch trực chốt và phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở GTVT đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
Thanh tra thành phố có nhiệm vụ cử người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra ở các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.
Kế hoạch cũng nêu nhiệm vụ của Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở TT&TT, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Tổng công ty Điện lực TP trong công tác phối hợp tổ chức kỳ thi.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo thi cũng giao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ các Điểm thi bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi; hỗ trợ thí sinh và người thân có khó khăn trong đi lại, ăn, ở tại các địa điểm tổ chức thi.
UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội có nhiệm vụ thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quận huyện, thị xã để tham gia, phối hợp, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn; Chỉ đạo phòng GD&ĐT kiểm tra, đôn đốc các Điểm thi trên địa bàn chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi; Lựa chọn cán bộ, giáo viên có đủ điều kiện theo Quy chế thi, có năng lực tốt, có trách nhiệm cao tham gia các công tác tổ chức kỳ thi; phê duyệt phương án bảo vệ của lực lượng công an; chỉ đạo lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an toàn cho các Điểm thi trên địa bàn.
Ngoài ra, trong kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội cũng có lịch làm việc và nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong Ban chỉ đạo của kỳ thi.