Điểm tựa của những bệnh nhân COVID-19: "Một người già bằng ba đứa trẻ"

(PLM) - Cụ bà nằm mệt nhọc trên giường bệnh, vừa rời khỏi chiếc mặt nạ thở oxy. Điều dưỡng bước đến với một hộp cháo nóng. Cụ bà cau mày, gắt gỏng, không ăn. Điều dưỡng đặt hộp cháo xuống bàn, gợi nhắc về người con gái của cụ đang ở nhà chờ cụ về, rồi dỗ dành như dỗ một đứa trẻ. Cụ bà dịu giọng, nuốt từng thìa cháo ngon lành… Đó chỉ là một mẩu chuyện nhỏ mà tôi được nghe các điều dưỡng tại khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM kể lại.
Điểm tựa của những bệnh nhân COVID-19: "Một người già bằng ba đứa trẻ"

Những bệnh nhân yếu thế

Buổi chiều, tại tầng 4 của khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19, BV TP Thủ Đức, ở phòng trực của nhân viên y tế có một vài hộp cơm và canh còn nguyên vẹn, nguội ngắt. Vẫn còn ai đó chưa được nếm vị bữa cơm trưa nay.

Tôi được dẫn vào phòng đệm để thay đồ bảo hộ trước khi vào bên trong. Một nhân viên y tế theo sát, nhắc nhở các bước mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn sao cho đúng quy định. Họ nói “dù biết rồi nhưng nhắc lại vẫn không thừa”.

Theo chân BS Nguyễn Bá Tùng đi vào bên trong. Chúng tôi đi hết một vòng tại đây, nhiều bệnh nhân đầy đủ mọi lứa tuổi. Những cụ già mệt mỏi nằm thở oxy liều cao…

Bà Thạnh (66 tuổi), mặt tái xanh đi vì mệt. Ngay lập tức, bà được các bác sĩ xúm vào hỗ trợ thở oxy, các thao tác nhanh chóng và tỉ mẩn. Bà nghỉ một chút, hơi thở đã dịu đi phần nào, liền vội lật tìm chiếc điện thoại “cục gạch” đưa về phía BS Tùng. Anh nhanh nhẹn đón lấy, bấm số điện thoại và gọi đi như một hành động quen thuộc.

Nhiều ngày nay, BS Tùng là người kết nối để bà cụ được nói chuyện với người con gái, chị này cũng mắc COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện khác. Nghe giọng của con gái, cụ bà yên lòng. BS Tùng tiếp tục trấn an “cụ yên tâm, con gái cụ khoẻ. Tụi con cũng sẽ cố gắng liên hệ để chuyển con gái của cụ đến đây. 2 mẹ con vừa điều trị vừa tiện chăm sóc nhau”. Cụ bà rưng rưng nước mắt…

Ở một phòng bệnh khác, ông Nguyễn Văn H. (53 tuổi, quê Bến Tre, ngụ Q.6) người gầy rạc, đang nằm vắt tay lên trán. Ông mưu sinh ở TP.HCM đã hơn 20 năm, bằng nhiều nhiều từ thợ đụng, thợ nề… 5 năm trước ông bị ngã từ giàn giáo xuống, gãy chân, thành người tàn tật mất khả năng lao động. Ông H. mang theo đôi nạng gỗ mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ngày 17/7, ông được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ông H. mang theo nạng gỗ vào bệnh viện điều trị.

Ông bần thần nói: “Tôi không vợ, không con, sống nhà trọ chung với mấy người bán vé số. Mấy người đó cũng đều mắc bệnh, mỗi người điều trị ở mỗi bệnh viện khác nhau. Khi vào viện, tôi buồn và lo lắm, điều may mắn là các bác sĩ đều tận tình, chu đáo, tôi cũng đỡ buồn tủi hơn…”

Điều dưỡng Lê Thị Thanh Loan đang tất bật chuẩn bị cho ca trực. Ảnh: Hoài Thương
Điều dưỡng Lê Thị Thanh Loan đang tất bật chuẩn bị cho ca trực. Ảnh: Hoài Thương

“Buồn một chút rồi thôi”

Ở một góc hành lang, trước phòng thiết bị y tế, điều dưỡng Lê Thị Thanh Loan (26 tuổi) trong bộ đồ bảo hộ kín mít đang tất bật sắp xếp các vật tư cần thiết cho ca trực. Loan vừa thay ca cho một điều dưỡng khác. Tại đây, các điều dưỡng chia thành 3 ca 4 kíp thế nhưng với lượng bệnh nhân quá tải, việc ra ca trễ hoặc người khác vào ca sớm hơn để hỗ trợ cho đồng nghiệp là chuyện bình thường. Ai có thể đều sẵn sàng choàng thêm phần việc của người khác.

Loan kể, áp lực hiện tại của chị và các đồng nghiệp là bệnh nhân quá nhiều, khối lượng công việc quá tải. Đặc biệt, tại đây đang điều trị cho nhiều cụ già, hầu hết đều mắc các bệnh nền, thể trạng yếu. Loan kể, bản thân và các đồng nghiệp bữa nào cũng ăn vội vàng để kịp vào với bệnh nhân, nhưng khi đút cháo cho các cụ ông, cụ bà cần nhất là sự điềm tĩnh, kiên trì. Nhiều cụ có hoàn cảnh đơn thân, lại thêm mắc COVID-19 nên không tránh khỏi những lúc “trái tính”, “trái nết”, Loan ân cần dỗ dành như dỗ dành những đứa trẻ.

Loan nhớ lại: “Mới vừa nãy, tôi xếp phòng cho một cụ già. Cụ gắt gỏng, nạt nộ... Tôi buồn nhưng chỉ im lặng, rồi cười xuề xoà. Lúc đó buồn lắm nhưng buồn một lúc rồi thôi, lại nhanh chóng trở lại với công việc, chăm sóc tận tình cho tất cả bệnh nhân”.

Loan và tất cả các bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều hiểu rõ “một người già bằng 3 đứa trẻ”. Họ đều là nhưng bệnh nhân yếu thế, ngoài việc hỗ trợ điều trị tốt nhất họ cần được quan tâm, cần những điểm tựa. Loan cười trong ánh mắt, nói: “Bởi vậy nên dù rất lo sợ nhiễm bệnh, tôi vẫn không ngần ngại đến đây. Lượng bệnh nhân nhiều, nhân viên y tế lại có hạn, nếu vì sợ mà không đi thì ai sẽ là người giúp người bệnh vực dậy”.

Điều dưỡng Phạm Thị Thuận cùng đồng nghiệp đến từng giường bệnh theo dõi sức khoẻ cho người bệnh. Ảnh: Hoài Thương
Điều dưỡng Phạm Thị Thuận cùng đồng nghiệp đến từng giường bệnh theo dõi sức khoẻ cho người bệnh.
Ảnh: Hoài Thương

Cũng giống Loan, điều dưỡng Phạm Thị Thuận (24 tuổi), cũng vượt qua nỗi sợ hãi để đến với người bệnh COVID-19 bằng trách nhiệm và tình yêu thương. Trước đó, Thuận từng tham gia chi viện tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngày đầu tiên đến chi viện tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19, Thuận đã không kịp nghỉ ngơi liền mặc đồ bảo hộ và lao vào công việc.

Thuận cười, kể, dù gia đình không ngăn cản thậm chí còn ủng hộ thế nhưng sợ gia đình lo lắng, bất an, nên để đến với bệnh nhân Thuận đã “trốn” mọi người... Trong bộ đồ bảo hộ, Thuận bảo “nóng lắm, bức bí nhưng đã quen rồi. Ít ra, mình còn khoẻ và may mắn hơn những bệnh nhân đang điều trị”. Thuận và các đồng nghiệp ngày ngày sẽ không ngừng nỗ lực chăm sóc cho bệnh nhân, chia may mắn của mình cho những người bệnh.

Cùng chuyên mục