Đề xuất rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh

(PLM) - Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 thì chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày.
Đề xuất rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh

Theo đó Bộ Y tế vừa có dự thảo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không. Trong dự thảo, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề xuất chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả âm tính, từ ngày thứ 4 đến thứ 14, người nhập cảnh chỉ phải theo dõi sức khỏe thay vì phải cách ly tập trung 7 ngày sau đó như hiện nay. Thời gian thực hiện cách ly, những trường hợp này phải tự theo dõi sức khỏe và không được ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, cùng nơi lưu trú.

Đối với người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 vẫn phải cách ly 7 ngày.

Đối với người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 vẫn phải cách ly 7 ngày.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Những trường hợp này xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.

Trong khi đó, người nhập cảnh dưới 18 tuổi (trẻ em), người từ 65 tuổi trở lên (người cao tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) theo quy định sẽ được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc (người chăm sóc).

Tuy nhiên, người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngoài ra, những người này phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh…

Trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất 2 giai đoạn thí điểm. Giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).

Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.

Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).

Trong giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022).

Ngoài 9 thị trường trên, Bộ Giao thông Vận tải mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Công, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga). Các thị trường được mở rộng này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.