ĐBQH phản ánh bất cập trong dự thảo Luật Điện lực

(PLM) - Hiện nay, đang thiếu điện nhưng EVN vẫn thường xuyên cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Chiều ngày 7/11, thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Điện lực còn nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp, chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà Nước cần tiếp tục nghiên cứu.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 7/11.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 7/11.

Đề cập đến vấn đề độc quyền của ngành điện lực, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho biết, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do Nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa được theo khoản 5, Điều 5 của dự thảo luật. Do đó, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c, khoản 2, Điều 5 như sau: "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp".

Hiện nay, đang thiếu điện nhưng EVN vẫn thường xuyên cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư. Hợp đồng 20 năm, không có điều khoản cắt giảm, trong khi EVN tăng giá bán điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời như Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng chính phủ, Đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh cũng đánh giá dự thảo luật còn nhiều quy định thể hiện thể hiện "sự độc quyền" của ngành điện lực, ví dụ quy định tổ chức cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư hoặc bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm. Theo đại biểu, giữa doanh nghiệp và điện lực là phải hợp tác bình đẳng, đề nghị bỏ các cụm từ: “có trách nhiệm” và “chịu trách nhiệm’’ trong dự thảo.

ĐB lo ngại nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo luật thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại Điều 47 sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng".

Cũng về vấn đề độc quyền của ngành điện lực, theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, các chính sách thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người dân vẫn tồn tại tâm lý “điện là mặt hàng độc quyền”. Vì vậy, trong lần sửa đổi lần này, ĐB đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Về giá điện và giá dịch vụ về điện, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần, có lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện sản xuất.

“Tôi đồng tình việc thực hiện giá điện 2 thành phần là công suất và sản lượng để cho rõ ràng minh bạch, chấm dứt việc bù chéo giữa các khách hàng với nhau, không thể để khách hàng này thu giá cao bù cho khách hàng khác thu giá thấp, như vậy sẽ không khuyến khích tiết kiệm sử dụng, không bình đẳng; cần phải áp dụng theo giá thị trường, còn các chính sách ưu đãi thì nhà nước bù đắp. Không thể để ngành điện báo lỗ hàng năm do phải bù chênh lệch giá. Mua cao phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

Cùng chuyên mục