Đầu xuân thăm những “cây đại thụ làng văn” trăm tuổi

(PLM) - “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Nhưng trong giới văn hóa – nghệ thuật nước ta, có những “cây đại thụ” đã trải qua thăng trầm của hàng thế kỷ, như: Nhà văn hóa Hữu Ngọc, GS.NSND Trần Bảng. Đầu xuân năm mới, chúng tôi tìm đến thăm những “cây cao bóng cả làng văn”, không chỉ để xin các cụ lộc tuổi, lộc nghề,… mà còn khao khát được nghe các cụ kể chuyện làm văn hóa.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc tặng sách cho tác giả
Nhà văn hóa Hữu Ngọc tặng sách cho tác giả

Không thể còn có sự thù địch giữa các dân tộc

Chúng tôi đến thăm nhà cụ Hữu Ngọc vào một sáng đầu xuân Nhâm Dần. Gặp chúng tôi, cụ ông 105 tuổi vẫn còn rất minh mẫn, mời chúng tôi lên thư phòng, cụ tặng sách, báo lấy lộc đầu xuân. Thế rồi, cụ say sưa nói về những tác phẩm của mình, những công trình văn hóa đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Những cuốn sách đã làm nên tên tuổi Hữu Ngọc - nhà xuất nhập khẩu văn hoá.

“Sau kháng chiến chống Pháp, sau Điện Biên Phủ, đến khi Chính phủ Pháp xin đặt lại quan hệ với Việt Nam, tôi cho ra quyển phác thảo chân dung văn hóa Pháp. Đến lúc sau khi Mỹ và ta bình thường hóa quan hệ xin đặt lại ngoại giao, tôi cho ra quyển Hồ sơ Văn hóa Mỹ năm 1995.

Tại sao sau khi Pháp đánh ta rồi Pháp xin hòa bình với ta thì tôi cho ra quyển văn hóa Pháp, sau khi Mỹ đã đồng tình về ngoại giao với ta thì tôi cho ra quyển văn hóa Mỹ, tại sao thế?

Tại vì, tôi nghĩ rằng giữa các dân tộc (nhấn mạnh), không thể còn có sự thù địch giữa các dân tộc, trước đó do các chính phủ lợi dụng đánh ta. Sau khi đã hòa bình, thì nhất định các dân tộc phải hòa bình với nhau” – Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ.

Đây là một thông điệp rất có ý nghĩa, khi Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc xúc động khi chúng tôi đến thăm

Nhà văn hóa Hữu Ngọc xúc động khi chúng tôi đến thăm

Nhân đầu xuân năm mới, trong cuộc trò chuyện thân mật, cụ cũng “khoe” với chúng tôi có một nhà xuất bản tái bản lại cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ của cụ, và trả cụ nhuận bút hơn…100 triệu. Bộ sách “Cảo thơm lần giở” 2 tập ra mắt năm 2020, cụ cũng được trả nhuận bút đến 70 triệu. Hiện nay nhà xuất bản đã sắp in xong 1 bộ sách nữa tiếp nối “Cảo thơm lần giở” mang tên “Ngẫm chuyện xưa nay” sắp ra mắt bạn đọc. Thế mới thấy, sức làm việc của ông cụ trên trăm tuổi kinh khủng như thế nào!

Hồ sơ văn hóa Mỹ của nhà văn hóa Hữu Ngọc - cuốn sách vừa được tái bản lần 4

Hồ sơ văn hóa Mỹ của nhà văn hóa Hữu Ngọc - cuốn sách vừa được tái bản lần 4

Chia tay chúng tôi, nhà văn hóa Hữu Ngọc chúc chúng tôi một năm may mắn, vì may mắn cũng là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ngày 22-12-1918 quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhưng ông sinh ra ở phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 1936, Hữu Ngọc tốt nghiệp Diplom trường Bưởi, sau đó, ông học triết, rồi học luật. Ông được bầu là Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến Nam Định và làm thêm một nghề mới: Viết báo. Tờ báo đó được viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp có tên là “Tia lửa”. Đây cũng là một trong những tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Chàng trí thức trẻ Hữu Ngọc hồi ấy vừa là chủ nhiệm báo, vừa là phóng viên nhiệt huyết.

Gắn bó và có duyên với báo chí, tên tuổi ông cũng gắn liền với nhiều chuyên mục báo chí trong nửa cuối thế kỷ XX cho tới tận ngày nay. Không chỉ vậy, nhiều người còn nhớ tới nhà nghiên cứu Hữu Ngọc khi ông làm Tổng biên tập của nhiều tờ báo đối ngoại như tờ Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (Anh – Pháp – Esperanto) và Nghiên cứu Việt Nam (Anh – Pháp).

Sau chiến dịch Điện Biên phủ, Bộ Thông tin ra tờ báo đầu tiên: Việt Nam dân chủ (Triết gia Trần Đức Thảo làm Tổng biên tập, ông là Thư ký tòa soạn), nhưng tờ báo chỉ ra được 1 số rồi đóng cửa. Sau đó, ông về Bộ Văn hóa làm Tổng biên tập tờ Le Vietnam en marche (Việt Nam tiến bước bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, từ 1957 - 1963). Mục đích của tờ này là để vận động Pháp thi hành Hiệp nghị Giơnevơ. Khi ông Nguyễn Khắc Viện ở Pháp về phụ trách vấn đề đối ngoại, ông tập hợp các cơ quan làm đối ngoại lại, chia thành 2 mảng: tin tức và nghiên cứu. Ông Viện về hưu thì ông tiếp tục làm Tổng biên tập tờ Nghiên cứu Việt Nam.

65 tuổi mới bắt đầu làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn liên tục trong 10 năm. Trong hơn hai chục năm sau đó, khi làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu văn hóa, ông sản xuất sách nhiều nhất và đi quốc tế nhiều nhất. Nói chuyện cho hơn 2 vạn người nghe, trong đó có Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Thống đốc bang Hawai, Tổng thống Brazil, các công ty du lịch... Ông còn làm Chủ tịch Quĩ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển 16 năm, Chủ tịch Quĩ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch 5 năm và hiện là Chủ tịch Quĩ Từ thiện văn hóa.

Ông là tác giả của hàng chục đầu sách về văn hóa Việt Nam viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đồng thời dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt. Tinh thông tiếng Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, với những công trình của mình, ông được gọi là “cây cầu văn hóa Đông - Tây”.

Với những đóng góp bền bỉ, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng danh giá: 2 Huân chương Độc lập; Huân chương Chiến công; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp); Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển); Giải Mot dor (Pháp); Giải Vàng Sách Việt Nam 2006; Giải Đồng Sách Việt Nam 2015; Giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017; Giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam; Giải Nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại; Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017. Năm 2007, vượt qua nhiều tên tuổi khác, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được nhận Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”.

Năm 2008, tại lễ trao giải GADIF (Giải của các đại sứ thuộc tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp) cho ông Hữu Ngọc, Đại sứ Hy Lạp đã nhấn mạnh: “Ông là một trong những học giả được biết đến là người xây cầu nối văn hóa Việt Nam và thế giới”.

Nhìn kỹ văn hóa Lý – Trần sẽ ra tuồng, chèo

Chúng tôi đến thăm GS.NSND Trần Bảng như một lệ thường đầu xuân. Ai cũng háo hức vì biết rằng, đến thăm cụ Bảng là sẽ được nghe nhiều những chia sẻ tâm huyết về kinh nghiệm, bài học mà cụ đúc rút được trong quá trình làm văn hóa, nghệ thuật. Đối với chúng tôi là vô cùng quý báu.

Cũng như cụ Hữu Ngọc, ngay sau những câu chúc mừng năm mới đầu năm, GS.NSND Trần Bảng đã say sưa nói về chèo, và mối liên hệ giữa chèo và văn hóa Việt. Cụ nhấn mạnh “phải nghiên cứu kỹ văn hóa Lý – Trần, nhìn kỹ vào văn hóa Lý – Trần sẽ ra cái tuồng, chèo của mình. Và tuồng chèo độc đáo ở chỗ ấy. Mà tư tưởng chủ đạo của văn hóa Lý – Trần là thiền Trúc Lâm”. Theo GS.NSND Trần Bảng, trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng nho giáo chiếm vị thế quan trọng trong đời sống xã hội, là công cụ của tầng lớp cai trị, nhằm thiết lập và giữ ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, trước nho giáo, tư tưởng phật giáo đã đến trước, và đi sâu vào quần chúng nhân dân. Trong khi đó, chữ Hán chỉ ảnh hưởng nhiều đến giới trí thức nho giáo tầng lớp trên.

GS.NSND Trần Bảng chia sẻ về chèo

GS.NSND Trần Bảng chia sẻ về chèo

“Nếu các ông xem theo dõi tôi về cải biên vở nàng Thiệt Thê, sẽ thấy rõ ràng tư tưởng Phật giáo” – GS.NSND Trần Bảng dẫn chứng. Vở diễn “Nàng Thiệt Thê” được GS.NSND Trần Bảng chỉnh lý và đạo diễn từ tích cổ “Chu Mãi Thần”, thể hiện rất rõ tư tưởng ấy. Thay vì dựa vào điển tích đời Hán: Chu Mãi Thần có chí học để ra làm quan, nhưng nhà nghèo, không nuôi nổi vợ, đành kiếm củi độ nhật, khiến vợ là Thiệt Thê bỏ đi. Đến khi công thành danh toại, Chu Mãi Thần trên đường vinh quy gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin chồng cho trở lại song Chu Mãi Thần từ chối, cho đổ một bát nước xuống đất và nói rằng nếu vớt lại được bát nước thì mới cho trở lại làm vợ. Sau đó, Thiệt Thê bị Thiên Lôi đánh chết. Đạo diễn đã dụng công xây dựng lại nhân vật Chu Mãi Thần như là hiện thân của một nhân vật nho sinh đẹp nhất trong chèo cổ, quyết vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích của mình về sự học. Chu Mãi Thần còn là người rất trọng tình, bát thuốc ân tình mà chàng sắc cho vợ cũ nàng “Thiệt Thê” đã khiến nhiều khán giả cảm động, rơi nước mắt. Trong khi đó, nhân vật nàng Thiệt Thê lại được khắc họa một cách hồn nhiên, không biết nghĩ xa xôi gì về tương lai,... Sự thay đổi về tính cách và kết cục câu chuyện ấy đã thể hiện tính nhân văn trong cách nhìn nhận về thân phận con người của đạo diễn.

Tâm sự với chúng tôi, GS.NSND Trần Bảng chia sẻ: “Nếu được dựng lại vở Quan Âm Thị Kính, tôi vẫn sẽ làm, và làm rất khác…”

Niềm say nghề, và sức làm việc của các cụ Hữu Ngọc, Trần Bảng đã khiến lớp hậu sinh như chúng tôi vô cùng nể phục. Các cụ đã trăm tuổi mà còn đau đáu với văn hóa, nghệ thuật nước nhà đến vậy, còn chúng tôi, những người “sinh sau đẻ muộn” phải làm gì đây, dù là những điều nhỏ nhất? Đầu xuân năm mới, tự mỗi người đã có câu trả lời của riêng mình. Ngoài trời mưa bụi vẫn bay bay.

Giáo sư, NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo có đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Ông sinh năm 1926 (Canh Dần) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ông nội ông là tuần phủ Trần Mỹ. Cha là nhà văn Trần Tiêu, đậu Thành chung, mở trường dạy học và là cộng tác viên đắc lực của Tự lực văn đoàn. Đây là nhóm văn học Việt Nam do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập, hoạt động sôi nổi nhất trong khoảng những năm 1932 – 1939. Bác ông cũng chính là nhà văn Khái Hưng, một trong những thành viên chủ lực của nhóm văn bút này.

Sau gần 7 thập kỷ cần mẫn lao động sáng tạo trên chiếu chèo, ông đã có những thành tựu ở 3 vai trò soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Ông là đạo diễn thành công của sân khấu chèo với trên 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới như Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Lưu Bình Dương Lễ (chèo cổ), Tống Trân Cúc Hoa (dân gian), Tô Hiến Thành (lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật (hiện đại)… “Ông trùm chèo” là biệt danh do nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) đặt cho ông tại cuộc Hội thảo về chèo tại Hải Phòng năm 1972.