Đất ơi bao giờ hoàn chủ?

(PLM) - Theo điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định mới nhất về quyền sở hữu, trong đó quy định rõ bao gồm: Quyền chiếm hữu; Quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với người sở hữu. Pháp Luật quy định đã cụ thể như vậy, nhưng từ tháng 12/1979 đến nay, Anh Hoàng Phi Hùng, cùng toàn thể 11 anh chị em ruột là con của ông Hoàng Văn Lưu (đã mất) chủ sở hữu 8,5 ha đất thuộc tờ bản đồ số 13 tại tổ dân phố 19, xã lộc Phát, huyện Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng đang rơi vào cảnh không chốn nương thân, không có đất sản xuất, canh tác, không có công ăn việc làm ổn định, đời sống đang vô cùng khó khăn do Công ty chè Minh Rồng - thuộc Liên hiệp chè Lâm Đồng công nhiên chiếm 7ha đất trái với quy định của Pháp luật.
Đất ơi bao giờ hoàn chủ?

Người xưa vẫn thường nói, “an cư lạc nghiệp”, hiểu được điều này nên năm 1963, ông Hoàng Văn Lưu là bố đẻ anh Hoàng Phi Hùng đã cố gắng thu xếp để mua của ông Lê Minh Ngọc diện tích 8,5ha đất rừng, trong đó có 1ha trồng chè (có giấy xác nhận của chính quyền cũ). Từ đó gia đình anh Hoàng Phi Hùng sinh sống và canh tác ổn định trên thửa đất này.

Ngày 25/9/1976 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 188/CP về chính sách “ xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam, Việt Nam”, theo đó Nhà nước quốc hữu hóa đồn điền, ruộng đất. Thực hiện chủ trương đó, ngày 9/6/1978, tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 223-QĐ/UB về việc xử lý, cải tạo các hộ chiếm hữu nhiều ruộng đất, nhiều diện tích trồng Trà ở Huyện Bảo Lộc.

Sau một thời gian các cơ quan chức năng có thẩm quyền triển khai đi kiểm tra, xác minh, rà soát trên thực địa báo cáo kết quả về, ngày 17/12/1979, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xem xét rồi ban hành quyết định số 420/QĐ-UB về việc “Giao diện tích đất trà sau khi xử lý của các hộ chiếm hữu nhiều ruộng đất ở Bảo Lộc cho Xí nghiệp Liên hiệp chè Lâm Đồng quản lý và kinh doanh”, có danh sách tên, diện tích đất của các hộ trong diện phải bị thu hồi kèm theo.

Tuy nhiên, trong quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn 8,5ha đất của gia đình anh Hoàng Phi Hùng (trong đó có 7ha đất rừng và 1,5ha trồng chè) không thuộc diện phải thu hồi, nên không có tên trong quyết định thu hồi của UBND tỉnh và cũng không có tên trong danh sách các hộ phải bàn giao cho Liên hiệp chè Lâm đồng.

Công ty chè Minh Rồng (thuộc Liên hiệp Chè Lâm Đồng) là đơn vị được giao trực tiếp triển khai việc thu hồi đất theo quyết định 420/QĐ-UB của UBND tỉnh để quản lý đất và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì và có căn cứ từ đâu, trong quá trình triển khai thu hồi đất, Công ty chè Minh Rồng ngoài việc thu hồi đất của các hộ theo quyết định đã được công bố ra, Công ty chè Minh Rồng đã công nhiên chiếm dụng luôn 7ha diện tích đất rừng của gia đình Hoàng Phi Hùng mà không có một thông báo nào liên quan đến việc này. Kể từ đó, gia đình anh Hùng đã không còn đất để canh tác sản xuất. Nhiều lần anh Hùng làm đơn gửi đến Công ty chè Minh Rồng yêu cầu trả lại diện tích đất của gia đình, nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Từ năm 1979 tỉnh ban hành Quyết định 420 - QĐ/UB đến nay, chưa có thêm bất kỳ một quyết định nào của UBND tỉnh, hay cũng chưa có bất kỳ một cơ quan chức năng nào ban hành một văn bản mang tính pháp lý theo đúng quy định của pháp luật liên quan tới việc quyết định thu hồi 7ha đất rừng của gia đình anh Hoàng Phi Hùng mà Công ty chè Minh Rồng đang lạm chiếm.

Trong quá trình thực hiện thu hồi đất của các hộ theo quy định, nhiều diện tích đất của một số hộ là do họ tự khai phá mà có, hoàn toàn khác với 7ha đất của gia đình anh Hoàng Phi Hùng là mua bán, chuyển nhượng có nguồn gốc rõ ràng. Một số hộ này đã được Công ty chè Minh Rồng đã chủ động gặp gỡ thảo thuận, đền bù và bố trí tái định cư ngay trên chính thửa đất phải thu hồi theo quyết định 420-QĐ/UB của UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhưng điều đáng nói là sau khi thỏa thuận xong với các hộ này, Công ty chè Minh Rồng cũng lại để dây dưa kéo dài không triển khai thực hiện.

Trước thực trạng đó, ngày 21/02/1990 UBND xã Lộc Phát, huyện Bảo Lộc phải ra Tờ trình số 3/TT-UB gửi Ban Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp chè Lâm Đồng – Cơ quan chủ quản của công ty chè Minh Rồng để đề nghị triển khai thực hiện ngay những thỏa thuận đã được hai bên đã thống nhất trong phiên họp ngày 24/8/1989 tại Văn phòng UBND huyện Bảo Lộc.

Đến nay, các hộ gia đình này đã được đền bù diện tích đất bị thu hồi theo thỏa thuận đồng thời được trả lại một phần đất để sản xuất, canh tác và sinh sống. Riêng đối với gia đình anh Hoàng Phi Hùng thì vẫn chưa được Công Ty chè Minh Rồng gặp gỡ, thảo luận để tìm hướng giải quyết về diện tích đất đang bị thu giữ trái quy định.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi trong đó, một số diện tích đất nằm trên diện tích 7ha rừng bị Công ty chè Minh Rồng thu hồi một cách vô cớ của gia đình anh Hoàng Phi Hùng đã được bán cho các hộ khác để làm nhà ở và đất canh tác. Điều này là hoàn toàn vô lý bởi đất đang thuộc diện tranh chấp.

Từ đó đến nay, gia đình đã gửi đơn thư khiếu nại lên UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan có thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận đơn thư và xem xét nội dung sự việc khiếu nại của nhà anh Hoàng Phi Hùng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với UBND tỉnh.

Thự hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 17/05/2018 sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tại văn bản số 171/BC-STNMT. Ngày 22/5/2018 UBND tỉnh đã ra văn bản số 3046/UBND-TD về việc hướng giải quyết đó là: không thu hồi 7ha đất của nhà anh Hoàng Phi Hùng mà nhà máy chè Minh Rồng đang cưỡng chiếm.

Sự việc trên đã để kéo dài đằng đẵng hơn 40 năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình anh Hoàng Phi Hùng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân nơi đây. Công ty chè Minh rồng nên thực hiện nghiêm túc ngay Quyết định số 420-QĐ/UB ngày 17/12/1979 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể đó là Công ty chè Minh Rồng phải hoàn trả lại 7ha đất rừng mà đã lạm thu trái với quy định của Luật Sở hữu, Luật đất đai cho gia đình anh Hoàng Phi Hùng để họ bắt tay vào xây dựng cuộc sống, qua đó góp phần vào việc làm ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội của địa phương.

Mai Thiên Tuấn

Cùng chuyên mục