Chiều 5/8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm gia đình và thắp hương tưởng niệm Đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đồng chí (8/8/1921 – 8/8/2021). Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Đồng chí Lê Quang Đạo là Chủ tịch Quốc hội trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo chủ trương, đường lối mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra.
Ngày 17/6/1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng - Đại hội khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đòi hỏi Quốc hội - cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, Đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
|
Đồng chí Lê Quang Đạo đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và Nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó, Đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, mở đầu thời kỳ đổi mới còn nhiều khó khăn phức tạp. Đồng chí cũng rất chú trọng đổi mới phong cách làm việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết trong Quốc hội.
Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí Lê Quang Đạo đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là công trình lớn cuối cùng của Đồng chí cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Nhân dân ta trước lúc ra đi, đã góp phần thiết thực nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của Đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước trao tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (1938), hoạt động trong phong trào Thanh niên dân chủ. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941-1942, là Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Phúc Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1943-1945, là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, là Chính trị viên Chi đội giải phóng quân Bắc Giang, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Hải Phòng (9/1945 – 5/1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội - Khu XI (5/1946 – 12/1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy Liên khu III (1947-1948); Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương (1949).
Năm 1950, đồng chí được điều động vào Quân đội. Năm 1978, rời Quân đội, đồng chí được Trung ương phân công giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội (1978-1982); Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (1982-1986). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6/1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987-1992). Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ tư (8/1994), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giữ cương vị này cho đến khi qua đời (24/7/1999).
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VI (dự khuyết từ năm 1960, chính thức từ năm 1972 đến 1991); Bí thư Trung ương Đảng khóa IV và V (1976-1986); Đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX.