Đã luôn có những nỗi đau
TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%”. Dù đây chỉ là nghiên cứu trên các nhóm nhỏ, điểm nhỏ, con số này thực sự đáng báo động khi nguyên nhân chủ yếu được gây ra bởi căn bệnh trầm cảm. Thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng cho thấy có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Đặc biệt là gần đây, bệnh trầm cảm đang dần được trẻ hoá, rất nhiều người bệnh chỉ 15 -18 tuổi đã có dấu hiệu trầm cảm nặng, muốn tự tử.
Trong khi Hà Nội đang xôn xao với vụ tử tự của em nam sinh cấp 3 này, tại Bắc Ninh trước đó cũng đã xảy ra một trường hợp thương tâm khác. Sáng 31/3, một nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Đại Phúc, TP Bắc Ninh được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Trước khi treo cổ, em cũng đã để lại di thư và những trang nhật kí nói rằng em sắp đi xa.
Đầu tháng 2 năm 2022, tại TP.HCM, một nữ sinh lớp 10 cũng đã nhảy từ tầng 3 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ sau khi nói với các bạn “nhảy lầu đây”. Qua thông tin từ bạn bè, học sinh này có dấu hiệu trầm cảm từ trước và từng chia sẻ với các bạn nhiều điều lạ lùng, trong đó có ý định tự tử. Tuy chỉ bị chấn thương phần mềm, đây có lẽ vẫn là kí ức ám ảnh nữ sinh đó, các bạn học và cả nhà trường.
Người trẻ phải đương đầu với nhiều áp lực. (Ảnh minh hoạ)
Trở lại năm 2021, từng có một nam sinh 12 tuổi, sống tại tầng 22, tòa nhà S4, chung cư Goldmark City, Bắc Từ Liêm, Hà Nội rơi từ trên cao xuống và tử vong. Nguyên nhân cái chết của em được ghi lại trong biên bản tử vong ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 là do áp lực việc học hành.
Từ trước tới nay, vẫn luôn có những cái chết đau lòng và gây ám ảnh như thế nhưng liệu rằng cái chết của nam sinh cấp 3 mới đây có phải là vụ việc cuối cùng hay không? Đã có ai trong số chúng ta thực sự thức tỉnh hay chưa?
Nên đổ lỗi cho ai?
Trong bức thư tuyệt mệnh mà nam sinh tại Hà Nội để lại, em có viết rằng: “Không hẳn là cuộc sống của con khổ sở, mà có thể chỉ là con tiêu cực quá nhưng có ra sao thì kết quả vẫn như vậy. Chuyện này có lẽ chả phải lỗi của ai ngoài con cả”. Em không đổ lỗi cho ai, mà cho rằng đó là bởi chính mình.
Trong những trang nhật ký của nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng có dòng chữ với nội dung tương tự: “việc con thành ra như vậy không phải do ai cả, thế nên xin mọi người đừng dằn vặt hay nhận hết lỗi về mình”.
Vậy nhưng trên mạng xã hội, chúng ta vẫn cố gắng kiếm tìm ai đó để đổ lỗi vì không có ai tự nhiên mà chết được.
Nên đổ lỗi cho ai trong câu chuyện này? (Ảnh minh hoạ)
Những fanpage lớn đã liên tục đăng tải cảnh camera an ninh ghi hình lại cái chết của nam sinh đó, họ “giành giật” bức thư tuyệt mệnh của em để chia sẻ. Cộng đồng mạng lan truyền thông tin rằng người cha ngồi đến 3 giờ sáng “kèm” em học và thêu dệt những câu chuyện người bố áp lực và bắt ép em, chỉ trích người cha là nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy. Có thể đó là sự thật, cũng có thể không vì không một ai trong số chúng ta là người trong cuộc cả. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, người đau đớn nhất là bậc làm cha làm mẹ chứ không phải cư dân mạng. Họ có thể xót thương cho một người xa lạ trong vài ngày, hoặc một tuần, còn cha mẹ - những người sinh ra em sẽ sống trong những ám ảnh, đau đớn đó cả cuộc đời.
Cha mẹ có lỗi hay không?
Vào tháng 6 năm ngoái, bộ phim truyền hình mang tên “Hãy nói lời yêu” phát sóng trên VTV3, cái chết của nhân vật Minh (do Quang Anh thủ vai) đã gây bàng hoàng cho khán giả khi cậu tự tử vì những áp lực, sự đay nghiến của mẹ. Bộ phim đã nhận được những chỉ trích bởi cay nghiệt với số phận của nhân vật quá nhưng đồng thời đã phản ánh được một hiện thực xã hội rất chân thực. Người mẹ trong bộ phim chịu đủ những bất hạnh chồng ngoại tình, con gái bị lừa thành tiểu tam khiến tâm lý bà bất ổn và đặt mọi kỳ vọng vào cậu con trai một cách nghiệt ngã. Khi mọi kỳ vọng biến thành sự thất bại trong một kì thi học sinh giỏi, người mẹ oán trách và đổ mọi lỗi lầm lên cậu con trai khiến cậu tìm đến cái chết. Hỏi rằng bà mẹ có yêu thương con không mà lại đè nặng ngần ấy những áp lực lên con? Câu trả lời là có nhưng bà đã yêu thương con sai cách để đến cuối cùng, người đau khổ, điên loạn nhất lại chính là bà.
Cha mẹ có đang yêu thương con đúng cách? (Ảnh: HuffPost)
Quay trở lại câu chuyện của nam sinh trường chuyên tại Hà Nội, người cha liệu có “đáng” nhận những chỉ trích từ cộng đồng mạng như thế không? Người cha có phải là nhân tố thúc đẩy đến cái chết của cậu bé không? Nhìn rộng ra, cha mẹ có đang quá nghiêm khắc và đặt sai áp lực lên con không? Ở đâu đó trả lời cho câu hỏi này là có. Bất kì ông bố bà mẹ nào cũng đặt một sự kì vọng lên những đứa trẻ của họ trở thành những nhân tố xuất chúng trong xã hội, khoác lên mình những tấm huy chương, đáp ứng những mong mỏi trở thành tương lai của đất nước hay đơn giản hơn là có những thành tích có thể đem khoe. Nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm làm cha mẹ và thậm chí họ cũng không nhận ra rằng họ đang đặt áp lực lên những đứa trẻ. Nhiều cha mẹ Việt Nam đều sa vào những vấn đề như lấy điểm số để đánh giá kết quả học tập, lấy kiến thức đánh giá giỏi dốt, lấy thi cử để đánh giá kiến thức, cho rằng việc thúc đẩy con vào trường chuyên lớp chọn là cách tốt nhất cho con. Không thể nói rằng cha mẹ không yêu thương con cái của họ nhưng dường như họ đã yêu thương sai cách, những thứ họ nghĩ là tốt cho con cái thực chất lại không tốt như họ tưởng, những thành tích cũng không phải thứ đảm bảo cho một tương lai hạnh phúc của những đứa trẻ.
Người trẻ đang trở nên yếu đuối hơn
Những học sinh trong các vụ việc phía trên đều lựa chọn một hành động tiêu cực là hệ luỵ của những căn bệnh tâm thần gây ra từ áp lực học tập. Nhiều người lớn nhận định đó là hành động dại dột, bồng bột của trẻ con. Nhiều người lại đặt ra câu hỏi liệu người trẻ hiện nay có yếu đuối hơn thế hệ trước hay không? Trong khi những ông bố bà mẹ từng trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước còn chưa độc lập, thống nhất, cuộc sống mưa sinh vất vả và khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng họ ít dẫn đến những hành động tiêu cực như vậy. Phải chăng thiếu thốn vật chất sinh ra mạnh mẽ về tinh thần còn đầy đủ vật chất hình thành nên một tinh thần dễ bị tổn thương? Hãy thử nhìn lại bối cảnh xã hội hiện nay, giới trẻ có cơ hội tiếp cận với một thế giới ngập tràn thông tin trên internet, bối rối khi không được hướng dẫn phân biệt hay chọn lọc thông tin. Đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh trong hai năm qua, thế giới của con trẻ bị thu gọn lại trong học hành và quanh quẩn trong ngôi nhà của mình, không được giao tiếp nhiều với thế giới xung quanh, phải chịu áp lực học hành dẫn đến trở nên cộc cằn, không kiềm chế được và không biết chia sẻ cảm xúc… Theo kết quả đánh giá nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 rất đáng quan ngại, trong đó có 65% có biểu hiện stress và 23% nghĩ đến việc tự tử. Và sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đồng thời tước đi của người lớn năng lực áp đặt các chuẩn mực giá trị đối với con cái mình. Và trên các phương tiện truyền thông, những hình mẫu “con nhà người ta” được ngợi ca khiến những đứa trẻ càng bị kỳ vọng nhiều hơn. Không chỉ những áp lực từ phía cha mẹ, chính con trẻ cũng nảy sinh ra áp lực đồng trang lứa.
Người trẻ có đang trở nên yếu đuối hơn? (Ảnh minh hoạ)
Người lớn đều từng là trẻ con nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng đặt mình trong suy nghĩ của những đứa trẻ. Chúng không chịu những áp lực mưu sinh, vật chất, tiền bạc nhưng vẫn có vô số những áp lực vô hình đè nặng trên đôi vai.
Cảm thông và chia sẻ
Những áp lực chắc chắn sẽ không thể nào bị xoá bỏ hoàn toàn nhưng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái chắc chắn có thể được thu hẹp lại khi cha mẹ dành sự cảm thông, chia sẻ cùng con. Cha mẹ trước hết cần tự giải toả áp lực của mình trước khi đối diện với con cái, tránh để “áp lực chồng áp lực”, “giận cá chém thớt” mỗi khi trở về nhà. Thay vì những áp đặt thành tích, điểm số và cứng nhắc với suy nghĩ đang dành những gì tốt nhất cho con, cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu với con nhiều nhất có thể vì họ không thể vẽ lên thế giới của con trẻ mà chỉ là người hỗ trợ giúp các em tự làm điều đó. Và trách nhiệm của người lớn là để các em được sống với đúng suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn ở lứa tuổi của mình chứ không phải đè nặng trên vai ước mơ và kỳ vọng của người lớn.
Giữa trẻ và gia đình cần có sự thấu hiểu, sẻ chia (Ảnh: UNICEF Việt Nam)
Tuy nhiên, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng các bậc làm cha mẹ mà còn song hành với trách nhiệm của nhà trường, của nền giáo dục. Xuất phát điểm của người Việt nói riêng, dân Đông Á nói chung là học hành để làm quan, đỗ đạt… (ảnh hưởng rất nặng bởi Nho Giáo), sự cạnh tranh và đặt nặng thành tích trong trường học đã dẫn đến những quan điểm sai lệch về giáo dục trong khi mục đích của giáo dục phải tạo ra được những con người biết sống hạnh phúc, biết tạo lập cho bản thân và gia đình mình cuộc sống hạnh phúc. Các chương trình giáo dục nên được giảm tải và cần tạo ra một môi trường bớt kích thích trẻ con tranh đua, giành thành tích.
Và cuối cùng là trách nhiệm của truyền thông, mạng xã hội với những hình mẫu “con nhà người ta trong truyền thuyết” được lý tưởng hoá tạo ra những áp lực cho chính những đứa trẻ và cả bậc làm cha mẹ. Khi những hình ảnh bảng điểm được đăng tải cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ, hình thành nên sự so sánh và suy nghĩ mình kém cỏi, vô dụng và tự ti. Thay vì những hình mẫu quá hoàn hảo và hào nhoáng được truyền thông ca ngợi, hãy dừng lại ở câu chuyện những tấm gương để học hỏi chứ không phải để cảm thấy thua kém.
Trước những nỗi đau mà chính các em và gia đình các em đang phải trải qua, hy vọng chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết và có sự bao dung, thấu cảm hơn với những chuyện đã xảy ra.