87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội dự kiến thu phí mức giá cao nhất 100.000 đồng/lượt.

(PLM) -  Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" của Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội đã dự kiến thu phí với mức giá khoảng 100.000 đồng nhằm điều chỉnh nghiêm ngặt hành vi người điều khiển phương tiện. Nguyên tắc mức thu phí được cho là đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố.
87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội dự kiến thu phí mức giá cao nhất 100.000 đồng/lượt.

Trước đó, Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội cùng đơn vị tư vấn (Trường đại học Giao Thông Vận Tải) đã xây dựng xong phương án đặt 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Căn cứ vào kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Ngày 29.10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) đã báo cáo thành phố “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường”. Theo đề xuất, mức phí vào nội đô ngày làm việc trong tuần đối với các xe ôtô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt ; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt. Thời gian thực hiện thu phí từ 5h00 - 21h00 có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30.

Tắc nghẽn giao thông tại một tuyến đường Hà Nội.

Tắc nghẽn giao thông tại một tuyến đường Hà Nội.

Sở Giao Thông Vận Tải cho rằng đây là một biện pháp kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông khi không cần thiết đi vào vùng thu phí và hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí.

Thu phí ôtô từ 50000 – 100000/ lượt.

Đối tượng thu phí là các xe ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên theo quy định). Theo đó, các phương tiện được miễn phí có điều kiện là xe hộ gia đình và xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí; Mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông.

Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư, chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe, Sở GTVT dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành sẽ có giá khoảng 50.000 đồng/ lượt. Còn mức thu đủ để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện sẽ khoảng 100.000 đồng/ lượt.Như vậy, đề án 87 trạm thu phí vào nội đô của Hà Nội dự kiến sẽ thu 300 tỷ đồng mỗi năm.

Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội.
Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội.

Về lộ trình thực hiện đề án.

Bàn về việc thực hiện đề án, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Để việc thu phí vào nội đô được thực thi, cần phải xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện như: Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí); kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và HĐND, UBND TP, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ".

Sở Giao thông Vận tải cũng đưa ra kế hoạch, dự kiến HĐND TP sẽ thông qua Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp vào cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.

Từ năm 2022-2023: Hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.

Giảm tải hay tạo thêm áp lực ?

Trên thực tế, đại đa số người dân không đồng tình với đề án của Sở GTVT, họ cho rằng việc cấm xe cơ giới đi vào trung tâm TP để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là rất tích cực nhưng có thể gây phiền hà, khó khăn khi vận tải công cộng chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Và điểm mấu chốt nên được đề cập là thành phố thu phí tthì ngược lại cơ sở hạ tầng phải đáp ứng sao cho tốt với số tiền mà người dân bỏ ra.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đề án này sẽ rất khó để thực hiện. Muốn cho người dân hiểu và đồng thuận với đề án này thì thành phố phải có kết quả ước tính một cách định lượng về hiệu quả khi sử dụng đề án. Ví dụ mỗi lần thu phí có giá 100.000 đồng thì lượng phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực ùn tắc này giảm được bao nhiêu và số tiền đó được sử dụng với mục đích gì. Nếu nói rõ được vấn đề này khả năng cao người dân sẽ đồng thuận với đề án.

Trao đổi với báo chí, TS giao thông đô thị Đăng Minh Tân phân tích: "lo ngại của người dân là có cơ sở. Những khu vực được đề xuất thu phí xe đều ở các khu vực đông dân cư, nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện… nếu không có biện pháp xử lý khoa học rất có thể sẽ gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm."

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thuỷ - Chuyên gia nghiên cứu về giao thông cũng nêu rõ quan điểm: "Hạ tầng chưa tốt mà đòi thu tiền, hạn chế phương tiện cá nhân là chưa nên làm".

Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông"đã được Sở Giao Thông Vận Tải ấp ủ một thời gian khá dài và dường như cũng đặt rất nhiều kì vọng.

Dư luận đặt nhiều câu hỏi, liệu đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" có thực sự khả thi? và rằng kế hoạch sẽ thành công trong việc giảm tải hay chỉ tạo thêm những áp lực cho người dân?