100 năm báo Le Paria (01/4/1922 – 01/4/2022): Dấu ấn đặc biệt

(PLM) - 100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Ma rốc… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Pari tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là “sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu” với sứ mạng “giải phóng con người”.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (01/4/1922 – 01/4/2022), hướng tới kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950-21.4.2022), chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp cùng Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (01/4/1922 – 01/4/2022)”.

100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ).

Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những tầng lớp bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

Theo GS Đỗ Quang Hưng, Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo đánh giá, Le Paria có một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ: “Vị trí của tờ Le Paria trong văn nghiệp của Nguyễn Ái Quốc về báo chí nên sắp xếp như thế nào? Nếu tôi được phép, tôi đưa ra cụ Hồ có 3 tờ báo quan trọng nhất: Le Paria, Thanh Niên và Việt Nam Độc Lập. Ba tờ mỗi tờ một kiểu. Riêng tờ Le Paria, có người “vặn” tôi rằng Bác Hồ viết nhiều như thế trên tờ L'Humanité, là một tờ báo vừa công khai, lại vừa là tờ lý thuyết của Đảng Cộng sản Pháp cớ sao không được liệt? Nhưng tôi đã chú giải theo ý kiến riêng của tôi, bởi vì Le Paria có một đối tượng đặc biệt. Còn nếu có ai đó cũng có nói với tôi sau này cụ Hồ còn có Sự Thật cũng viết, đặc biệt báo Nhân Dân viết rất khỏe, nhưng tôi vẫn xếp 3 tờ ấy là thời kỳ trước năm 1945.Về nghệ thuật báo chí, thì không phải nói, khi tôi đã có ý phân loại như thế thì chắc chắn, một người lão luyện như cụ Hồ học rất nhiều kiểu làm báo của thế giới, mỗi tờ báo mà cụ cộng tác cụ đều lựa chọn một phong cách rất đặc biệt và rất thành công”.

GS Đỗ Quang Hưng, Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo phát biểu tham luận

GS Đỗ Quang Hưng, Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo phát biểu tham luận

Sự kiện gồm hai phần Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề:

Phần Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia lịch sử, chuyên gia từ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, chuyên gia đến từ các bảo tàng, các trường đào tạo báo chí tham gia phát biểu tham luận.

Phần Trưng bày gồm trên 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tiêu biểu có Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10/2/1922; trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản, 26 số trong đó (có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp; Bản thảo viết tay sách “Bác Hồ ở Pháp” của nhà báo Hồng Hà; Trưng bày tranh sơn dầu: "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng…

Theo GS Đỗ Quang Hưng, riêng trong tờ Le Paria, cụ Hồ không chủ trương viết những bài tố cáo trực diện. Không chỉ trên Le Paria, Bác còn viết trên nhiều tờ quan trọng nhất như La Revue Communiste (Sổ tay Cộng sản), 'Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp),… “ở đây tôi có nhận xét là trên văn phẩm báo chí thì Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu tranh thủ, bởi đây là tiếng nói dễ gần với những người bị áp bức trên thế giới, Bác đã bắt đầu đưa vào những bài không phải hoàn toàn là giới thiệu, cảm nhận về chủ nghĩa cộng sản để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin trực tiếp, nhưng nó rất lý thuyết. Ví dụ như những bài nhận định về châu Á và Thái Bình Dương, những bài viết về con người,… Đặc biệt, có những bài viết về Việt Nam thì trình độ rất cao, đánh thẳng vào những chính sách thuộc địa rất lớn. Ví dụ một bài nổi tiếng mà GS.VS Phạm Huy Thông đã dùng chữ rất hay đó là: Những trò lố của Va - ren và Phan Bội Châu, rất tuyệt vời. Tức là cụ Hồ viết ở trên một trình độ cao, đánh vào chủ nghĩa thực dân, nhưng không phải là kể khổ, mà đi vào những vấn đề lý thuyết. Trong điều kiện lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài gửi từ Mát – xcơ-va về rồi, cho nên bắt đầu có những bài đầu tiên, truyền bá chính thức bằng tiếng Pháp tại thủ đô Paris, về những vấn đề dân tộc thuộc địa, một cách trực tiếp” – GS Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh.

Trưng bày báo Le Paria tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Trưng bày báo Le Paria tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tọa đàm "100 năm báo Le Paria (01/4/1922 – 01/4/2022)" đã tiếp tục làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí làm “công cụ sắc bén” phục vụ đấu tranh cách mạng của Người; các tham luận sẽ phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng; từ đó có thể góp phần lan tỏa ánh sáng tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh – di sản quý báu mà Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

Cùng chuyên mục