Mỗi năm thiên tai, ô nhiễm môi trường kéo GDP giảm 0,6%

Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.Ảnh: tuoitre.vn
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.Ảnh: tuoitre.vn
(PLO) - Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,86%/năm. Tuy nhiên,do thiên tai, ô nhiễm môi trường, GDP của Việt Nam mỗi năm sẽ bị giảm 0,6%…

“Rủi ro rất cao” về biến đổi khí hậu

Thông tin đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” do NCIF tổ chức mới đây cho thấy, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang có những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta.

Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là 1 trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng 0,5oC. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam. Lượng mưa hàng năm có xu hướng giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Đồng thời, những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2015 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu thì diễn biến thời tiết ở Việt Nam sẽ theo hướng ngày càng khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình tăng lên, có thể tăng lên khoảng 1,7oC vào giữa thế kỷ và 2,4oC vào cuối thế kỷ 21 so với trung bình thời kỳ 1986 - 2005. Mức tăng nhiệt độ dao động từ 1,3 đến 2,4oC ở các vùng khí hậu khác nhau. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Việc lượng mưa giảm trong mùa khô sẽ dẫn tới tình trạng hạn hán diễn ra với cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi. Đồng thời, lượng mưa giảm  kết hợp với nước biển dâng cũng làm cho tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới diễn ra ngày càng gay gắt hơn.

 “Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp-trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng..”- TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo (NCIF) nhận định.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Phân tích chung bối cảnh trong nước ta giai đoạn 2016 - 2020, nhóm chuyên gia của NCIF cho rằng, nền kinh tế tiếp tục chu kỳ phục hồi. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng ổn định và là khu vực dẫn dắt tăng trưởng toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ thì tăng trưởng tốt hơn với sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ tài chính, ngân hàng. Đối với khu vực nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào tác động của biến đổi khí hậu, hiệu quả tái cấu trúc và thay đổi mô hình sản xuất gắn với công nghệ hiện đại để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. 

Trên cơ sở phân tích tác động cuả biến đổi khí hậu, các chuyên gia của NCIF  đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Ở kịch bản thấp, với bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn. Kinh tế trong nước với tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước đang phát triển khác đối với những mặt hàng giá trị gia tăng thấp. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,2%.

Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 3%. Khi đó, tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam là 7%; hiệu quả đầu tư công được cải thiện; môi trường đầu tư được cải thiện một bước; mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế dựa vào vốn và lao động giá rẻ; hệ thống tài chính khá ổn định; điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt; các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả, giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn  trung bình sẽ đạt khoảng 6,55%.

Với kịch bản cao, dù ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn có cơ hội thành hiện thực nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tái cơ cấu kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải thiện cơ bản về cơ chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công. Năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN. Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển. Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, và sử dụng nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng. Rủi ro đối với nền kinh tế như nợ công hay nợ xấu được giải quyết triệt để. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,86%.

Theo TS. Đức Anh , trong 3 kịch bản nêu trên, kịch bản cơ sở có khả năng xảy ra là cao nhất. Chuyên gia NCIF cũng lưu ý, dù ở kịch bản nào, giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễn môi trường có thể kéo giảm GDP khoảng 0,6%/năm… “Điều đó đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn…”- TS Anh lưu ý.

Các chuyên gia của NCIF cũng lưu ý một loạt chính sách như: Tái cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp; Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; Tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp.

Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường, đặc biệt cần đầu tư cho công tác thu thập số liệu và xây dựng mô hình đánh giá, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế... 

Thiệt hại kinh tế hàng năm của Việt Nam do thiên tai chiếm gần 1%GDP

Tại Hội thảo về “Giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của WB tại Việt Nam - Ông Sebastian Eckardt cho rằng: “Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, dẫn tới những tổn thất nghiêm trọng về mặt kinh tế, trong đó người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Một cách tiếp cận mang tính chiến lược nhằm cải thiện khả năng chống chịu của đất nước trước những cú sốc như vậy sẽ giúp bảo đảm an toàn cho sinh kế của người dân và giúp duy trì bền vững tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ trong phát triển. Việc hỗ trợ xây dựng chiến lược này là một trong những ưu tiên của WB trong quá trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam.”

Số liệu thống kê trong thời gian 25 năm gần đây (1989-2013) cho thấy, rủi ro bão và lụt chiếm tỷ trọng cao nhất, bình quân diễn ra 5-6 sự kiện/năm.

Về thiệt hại do thiên tai, theo đánh giá của WB, Việt Nam là nước có tỷ lệ thiệt hại về người (đứng thứ 22) trên thế giới, bình quân hàng năm số người chết do thiên tai vào khoảng 750 người/năm; thiệt hại kinh tế bình quân vào khoảng gần 1% GDP/năm (40.000 tỷ đồng theo giá so sánh 2014).

Đọc thêm

Quý I/2024, ngành Hải quan đạt kết quả tích cực

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ kết luận Hội nghị. (Ảnh: T Bình)
(PLVN) - Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan nhằm tạo thuận lợi thương mại, thì trong quý 1/2024, ngành Hải quan đã thu ngân sách hơn 88 nghìn tỷ đồng, đạt 23,6% dự toán được giao; thực thu vào ngân sách hơn 71 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra.

Hai nhà máy điện của PVN gặp khó

Công trường hai Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. (Ảnh: PV POWER)
(PLVN) - Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER), đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình về đích.

Nhất định phải gỡ được 'thẻ vàng' IUU

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thanh).
(PLVN) - Đó là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững diễn ra hôm qua (15/4).

Cách nào phát triển thương mại công nghiệp vùng núi phía Bắc?

Ảnh minh họa: TTXVN.
(PLVN) - Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) có nhiều thuận lợi để phát triển thương mại biên giới nói riêng và xuất nhập khẩu (XNK) nói chung nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn, cần có sự liên kết vùng để phát huy thế mạnh từng địa bàn.

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh

Cảng biển Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được chú trọng đầu tư về hạ tầng để thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - Với mục tiêu xây dựng vùng biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan… nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024
(PLVN) - Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới”. (Ảnh: Thanh Thanh)
(PLVN) - Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam.

Sẵn sàng khởi công cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị sẽ nối thẳng với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. (Ảnh: Đèo Cả).
(PLVN) -  Sau quá trình dài chuẩn bị do những vướng mắc về thủ tục và vốn, theo dự kiến, cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) sẽ được khởi công vào ngày 21/4 tới đây. Đây là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải.