Cuộc so tài của 'Quái vật ném bom' B-1 và 'Thiên nga trắng' Tu-160

Máy bay Tu-160 của Nga
Máy bay Tu-160 của Nga
(PLVN) - Truyền thông Nga mới đây có bài phân tích sâu về những đặc điểm kỹ, chiến thuật của máy bay Tu-160 của nước này và máy bay B-1 của Mỹ, trong đó nghiêng về phương án cho rằng máy bay của Nga vẫn có nhiều ưu điểm hơn.

Tương đồng và khác biệt

Theo hãng tin Sputnik của Nga, sau 25 năm phát triển, nhiều lần hiện đại hóa và các nỗ lực kéo dài thời hạn hoạt động, Quân đội Mỹ đã quyết định trang bị vũ khí siêu âm, tức những loại vũ khí có tốc độ lớn hơn vận tốc âm thanh, cho máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, điều này sẽ cho phép máy bay ném bom trên tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ thêm vài năm nữa.

So sánh giữa máy bay Mỹ với máy bay Tu-160 của Nga, hãng tin trên cho hay, cả Mỹ và Liên Xô đều đã bắt tay vào thiết kế các máy bay vừa có thể ném bom vừa có thể phóng các tên lửa siêu thanh của mình từ những năm 1960. Cả hai cỗ máy của Mỹ và Nga đều được thiết kế theo mục tiêu ban đầu là để nhanh chóng phóng tên lửa hạt nhân và tấn công vào các mục tiêu phòng thủ của đối phương. Do đó, các kỹ sư ở cả 2 nước đã cố gắng “đóng gói” tất cả các công nghệ mới nhất tại thời điểm đó vào các dòng máy bay mới của họ.

Trong đó, máy bay B-1 của Mỹ được coi là mẫu chuyển tiếp giữa máy bay ném bom cận âm B-52 Stratofortress và máy bay B-2 Spirit 59 vô cùng hứa hẹn về sau. Còn máy bay Tu-160 của Nga thì là một bổ sung quan trọng cho máy bay ném bom tuabin cánh quạt Tu-95 vốn được phát hiện gặp khó khăn trong việc vượt qua hệ thống phòng không mạnh mẽ hiện đại.

Theo hướng này, cả 2 máy bay của Nga và Mỹ sau khi ra lò đều có thể thay đổi hình dạng cánh để phục vụ các mục tiêu chiến đấu. Mẫu B-1 đầu tiên của Mỹ cất cánh vào tháng 2/1979. Đến tháng 10/1984, phiên bản sản xuất hàng loạt B-1B của máy bay ban đầu được xuất xưởng và bàn giao cho Không quân Mỹ từ tháng 7/1985. Còn với chiếc máy bay Tu-160 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1981 và được đưa vào vận hành trong không quân Liên Xô từ năm 1987.

Cả hai máy bay được đánh giá là trông giống nhau về ngoại hình do có cùng mục đích sử dụng và cùng tuân theo các quy luật khí động học cơ bản. Các thông tin được công bố cho thấy máy bay B-1 Lancer có thể tăng tốc lên tối đa 1,25 Mach (tức nhanh hơn 1,25 lần so với vận tốc âm thanh, hay 1.546 km/giờ). Với máy bay Tu-160, tốc độ của máy bay được cho là nhỉnh hơn, lên tới 2,05 Mach (tương đương 2.536 km/giờ). Tuy nhiên, với ngay cả những máy bay này, chế độ bay siêu âm dù thường xuyên được thực hành nhưng chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn vì nếu ở chế độ này, phạm vi chuyến bay ngắn hơn do mức tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, còn tuổi thọ động cơ và khung thân máy bay cũng bị giảm do sức cản không khí.

Về trọng tải hàng hóa, máy bay Nga được cho là nhỉnh hơn. Các thông số kỹ thuật được phía Nga công bố cho hay, trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay Tu-160 là 275 tấn (trong đó riêng phần nhiên liệu là 148 tấn). Con số này cao hơn so với mức 216 tấn của máy bay B1 (đã bao gồm 88,5 tấn nhiên liệu). Ngoài ra, máy bay Tu-160 của Nga có thể mang theo trong khoang tới 45 tấn tên lửa, bom. Trong khi đó, truyền thông Nga khẳng định với máy bay B-1B của Mỹ, trọng lượng vũ khí tối đa mà máy bay có thể mang theo trên chuyến bay chỉ là 34 tấn.

Tuy nhiên, phạm vi hoạt động thực tế mà không cần tiếp nhiên liệu và trần bay của cả 2 loại máy bay này ở mức xấp xỉ nhau. Với chiếc Tu-160, phạm vi hoạt động thực tế là 12.300 km và trần bay là 16 km; còn các thông số này ở máy bay B-1B lần lượt là 12.000 km và 18,3 km.

Máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer của Mỹ
Máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer của Mỹ 

Cả hai máy đều được trang bị động cơ phản lực với khoang đốt sau. Máy bay Mỹ được trang bị 4 động cơ General Electric F101-GE-102, mỗi động cơ phát triển lực kéo tối đa khi tăng lực là 13.960 kgf. Máy bay Nga Nga cũng có 4 động cơ NK-32, mỗi động cơ cung cấp lực đẩy tối đa 25.000 kgf. Ở chế độ bình thường, con số này là 6.620 kgf đối với động cơ Mỹ và 14.000 kgf đối với động cơ Nga, thấp hơn đáng kể so với con số tối đa. Ngoài ra, cả hai máy bay đều có các bộ phận động lực phụ trợ để khởi động động cơ chính khi cần, và cung cấp năng lượng cho thiết bị khi ở trên mặt đất.

Các tai nạn xảy ra

Truyền thông Nga cho hay, về các hoạt động chiến đấu thực sự, máy bay Tu-160 của nước này chỉ được tham gia trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Trong đó, từ ngày 17 đến 20/11/2015, máy bay “Thiên nga trắng” đã lần đầu tiên bắn các tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101 vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sau lần đó, các máy bay Tu-160 đã được sử dụng nhiều lần ở Syria.

Trong khi đó, hồ sơ tác chiến thực tế của máy bay B-1B của Mỹ phong phú hơn hẳn. Đến nay, máy bay này đã được sử dụng ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Syria. Song, các máy bay của Mỹ chỉ được sử dụng như máy bay ném bom thuần túy chứ không phải như máy bay phóng tên lửa.

Truyền thông Nga cũng khẳng định, máy bay Tu-160 tỏ ra là một cỗ máy khá đáng tin cậy. Tính đến nay, trong quân đội Nga chỉ có 2 thảm họa của máy bay “Thiên nga trắng” được biết đến. Vụ việc đầu tiên là năm 1987, khi một chiếc Tu-160 bị rơi khi cất cánh từ sân bay. Trong vụ việc này, phi hành đoàn đã kịp nhảy dù và không có thương vong. Đến mùa thu năm 2003, trong lúc thực hiện chuyến bay thử nghiệm không có vũ khí sau khi sửa chữa động cơ, một chiếc Tu-160 đã bị rơi ở khu vực Saratov, cách căn cứ 40 km. Cả 4 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.

Với máy bay của Mỹ, B1 nằm trong danh sách những máy bay hay bị tai nạn trong Không quân nước này. Tính đến nay, Không quân Mỹ được cho là đã mất 10 chiếc B1 với 17 phi công thiệt mạng. Một trong những sự cố mới nhất với dòng máy bay này là vụ hạ cánh khẩn cấp do có vấn đề với ghế phóng xuống căn cứ không quân Texas vào tháng 5/2018. Vì lý do tương tự, vào tháng 3 năm nay, toàn bộ đội máy bay B-1B đã phải ngừng hoạt động 1 tháng.

Hiện nay, giới chức Nga và Mỹ đều có kế hoạch nâng cấp các máy bay nói trên. Cụ thể, theo chương trình vũ khí cấp nhà nước hiện tại của Nga, nước này sẽ hoàn thiện các máy bay Tu-160 và Tu-160M thành phiên bản M2. Theo giới chức quân sự Nga, đây sẽ là một cỗ máy hoàn toàn mới trong bộ khung thân quen thuộc. Tu-160M2 sẽ được trang bị thiết bị điện tử và dẫn đường mới, hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển vũ khí hiện đại.

Còn Không quân Mỹ cũng đã giới thiệu các phương án nâng cấp máy bay B-1B. Trong phiên bản mới, các máy bay sẽ mang theo nhiều gấp đôi số lượng bom và tên lửa. Bên trong khoang của máy bay dự kiến cũng sẽ được bố trí băng chuyền bom dạng bánh xe tương tự như máy bay B-52. Quan trọng hơn, máy bay Lancer sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh. Vì vậy, cả hai loại máy bay chiến lược trên sẽ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi được thay thế bằng những cỗ máy mới ở 2 nước.

Tin cùng chuyên mục

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

(PLVN) -  Một số phòng khám tư nhân ở Singapore đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với vắc-xin (vaccine) Sinovac và Sinopharm khi người dân tiêm mũi tăng cường - phần lớn do lo ngại tác dụng phụ từ liều thứ 3 của vắc-xin loại mRNA. Các loại vắc-xin như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.

Đọc thêm

Bí ẩn ngọn núi hùng vĩ “nuốt chửng người”

Dãy núi Eastern Highlands tại Zimbabwe.
(PLVN) - Nằm trong vùng hoang sơ tuyệt đẹp phía bắc của dãy núi Eastern Highlands (Cao nguyên phía Đông) tại Zimbabwe, với độ cao 2.592m, ngọn núi hùng vĩ Nyangani là nơi gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí trong nhiều thế kỷ. Đặc biệt là những vụ mất tích tương tự như vùng Tam giác quỷ Bermuda.

Choáng ngợp với khách sạn 7 sao xa xỉ nhất thế giới

Một nhà hàng khổng lồ thiết kế ngầm dưới nước với hành lang có mái vòm bằng vàng.
(PLVN) - Khách sạn Burj Al Arab của Dubai nổi tiếng bởi độ xa xỉ, tráng lệ bởi phòng khách bát ngát rộng tới gần 800m2 với nội thất dát vàng và cẩm thạch, những ly cà phê phủ vàng 24K khiến du khách được trải nghiệm cảm giác họ thực sự là thượng đế, là ông hoàng, bà chúa... 

Nấm Chaga - Thần dược quý hiếm trị “bách bệnh”

Thần dược nấm Chaga.
(PLVN) - Khi nghe nấm Chaga được xem như “thần dược” chữa bách bệnh như ung thư, ngừa lão hóa, người ta sẽ dễ tưởng tượng hình dung ra loại nấm này trông trống như đá quý hay kim loại quý treo trên cây, nhưng trên thực tế, loại nấm này lại có vẻ ngoài xù xì, đen đúa, không khác gì cục tro cháy sém.

Ốc sên Escargot – đệ nhất ẩm thực Pháp

Món đặc sản từ ốc sên Escargot.
(PLVN) - Nếu như ở Việt Nam, “ốc sên” không được định danh là món ăn thì ở Pháp những món ăn chế biến từ “ốc sên” lại được coi là đệ nhất ẩm thực, thậm chí chỉ dành cho giới thượng lưu sang chảnh.

Cuộc sống xa hoa của các Vương gia triều Thanh

Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.
(PLVN) - Bên trong Tử Cấm Thành ngoài những câu chuyện về Hoàng thượng, Hoàng hậu và các phi tần thì sự giàu sang của các bậc Vương gia nhà Thanh cũng khiến người đời không khỏi kinh ngạc, không ít thú vui, hưởng lạc xa xỉ tới mức điên loạn...

Độc đáo món Char Kway Teow của Malaysia

Chế biến món Char Kway Teow nổi tiếng của Malaysia.
(PLVN) - Char Kway Teow thơm nức, cay xè không chỉ là món ăn đặc sản của Malaysia mà còn là một trong những món dễ ăn bậc nhất cho những người không quen với các món có cà ri.

Món lẩu phô mai “quốc hồn quốc túy” của Thụy Sĩ

Món lẩu Phô mai đặc trưng của văn hóa ẩm thực Thụy Sĩ.
(PLVN) - Nói đến Thụy Sĩ nhiều người sẽ nhớ tới đất nước của đồng hồ, dãy núi Alps, cùng những loại phô mai độc đáo, ngon lành. Từ một nguyên liệu phổ biến, người Thụy Sĩ đã sáng tạo ra món lẩu phô mai “độc nhất vô nhị” béo ngậy và đầy hấp dẫn.