Nỗi niềm nữ cán bộ trại giam Xuân Nguyên khi Tết đến xuân về

Trung tá Thanh vui vẻ trao đổi về cuộc sống gia đình và công việc của bản thân.
Trung tá Thanh vui vẻ trao đổi về cuộc sống gia đình và công việc của bản thân.
(PLVN) - Ở đâu đó, bên ngoài cánh cửa trại giam, trong những nếp nhà, những mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình quản giáo vắng bóng người mẹ, người cha. Nhưng, sự hy sinh thầm lặng đó được đổi lại bằng những “mầm thiện”được gieo trồng, lấn cái ác, trả lại cho xã hội những con người biết phục thiện…

Những ngày cận Tết của Trại giam Xuân Nguyên, TP Hải Phòng, những chiếc loa phóng thanh đều tràn ngập ca khúc về mùa xuân, về gia đình sum họp và vang lên những thanh âm náo nức, hân hoan cùng những tiếng lòng sâu lắng, ngóng chờ… Bởi thế, Tết trại giam luôn bộn bề màu sắc, chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ…

Gặp chúng tôi trong bộ quân phục của ngành công an, Trung tá Phan Thị Hải Thanh – Phó Đội trưởng đội quản giáo, phân trại 01, Trại giam Xuân Nguyên, TP Hải Phòng toát lên một vẻ gần gũi đến lạ kỳ.

Chị đã có 25 năm công tác trong ngành quản giáo. Chồng chị làm trong ngành công an. Do đặc thù nghề nghiệp, chị rất ít có thời gian với gia đình, với các con. “Nhiều lúc con tâm sự, bố mẹ đi cả ngày, chăm sóc các phạm nhân và ở gần các phạm nhân hơn cả các con. Nhiều lúc giao thừa bố mẹ cũng chỉ gọi điện hoặc live stream với con chứ chẳng ôm con vào lòng để cùng nhau chúc mứng năm mới….”, Trung tá Thanh chia sẻ.

Để giúp con không bị mặc cảm, anh chị luôn động viên và nói với các con rằng đó là công việc của cha mẹ, anh chị yêu nghề và công việc của anh chị cũng như nghề thầy giáo rất cao quý và đáng tự hào. Công việc của anh chị giúp cho nhiều người khác hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống, chỉ cho họ đâu là sai trái và giúp cho họ hướng thiện.

Thời gian rảnh rỗi, anh chị phải tranh thủ gọi điện trao đổi với các thầy, các cô ở trường để phối hợp và dạy dỗ con Đến nay, con trai lớn của chị hiện đang học lớp 12 và trong suốt 12 năm học cháu đều đạt học sinh giỏi còn cô con gái nhỏ lớp 6 thì cũng đạt thành tích tương ứng.

Nói về công việc của mình vào dịp Tết đến xuân về, Trung tá Thanh cho biết, công việc của những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam đều rất vất vả và áp lực. Bởi các anh phải chăm lo cuộc sống cho phạm nhân vào dịp Tết, hoàn thành “cả đống hồ sơ” rồi phải đánh giá việc cải tạo của các phạm nhân để báo cáo, đánh giá làm căn cứ giảm án, đặc xá…

Những ngày cận Tết, phạm nhân nào cũng hào hứng, mong ngóng vì đây cũng là dịp phạm nhân được đoàn tụ bên gia đình, dù giây phút gặp gỡ không quá dài. Quy định thăm người thân của trại giam là không quá 24 giờ. Mỗi dịp Tết đến, nhà thăm gặp luôn nhộn nhịp bởi những túi quà, những lời thăm hỏi của các gia đình từ tỉnh xa lên thăm con em mình.

“Những lần gặp mặt trong dịp Tết luôn ngập tràn nước mắt, bịn rịn nhớ nhung. Bởi lẽ, Tết là khi con người ta dễ yếu đuối, mềm lòng nhất vì không được quây quần, đoàn tụ bên gia đình. Cả người nhà và phạm nhân đều tha thiết, năn nỉ cán bộ quản giáo cho họ gặp gỡ, trò chuyện thêm 5, 10 phút, nhưng hàng ngàn phạm nhân đang chờ đợi phía sau để được gặp gia đình, nên nhiều khi cán bộ phải lắc đầu từ chối lời đề nghị của họ” – Trung tá Thanh kể.

Phạm nhân không được đón chào năm mới cùng gia đình đi một lẽ, nhưng cán bộ quản giáo cũng chung hoàn cảnh ấy. Những ngày áp Tết, họ tất bật chuẩn bị Tết cho phạm nhân, những ngày trong Tết, họ canh gác, làm tròn nhiệm vụ của mình, không để bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Sở dĩ, các chiến sĩ cán bộ quản giáo cần tăng cường bảo vệ, quan tâm tới phạm nhân hơn trong dịp Tết, bởi thời điểm nhạy cảm này khiến tâm lý của họ dễ có những xáo trộn, biến đổi, nếu không chấn chỉnh, sát sao, có thể sẽ gây nên những điều đáng tiếc. Tết, cả quản giáo và phạm nhân, đều chung nỗi bồi hồi, xúc động và có những khoảng lặng cho riêng mình.

Trung tá Thanh nói vui, hơn 20 năm trong nghề, chưa một ngày chị dám tắt điện thoại, cũng không dám mở nhỏ chuông, ngay cả khi về nhà với gia đình dù không phải ngày trực của mình.

Theo lời Trung tá Thanh, hầu hết các cán bộ của Trại giam Xuân Nguyên luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với những biến động từ phía trại giam. Chỉ cần một cuộc gọi, dù là lúc giao thừa, hay đang cùng gia đình đi chúc tết họ hàng nội ngoại thì tất cả cũng đành phải phó thác cho người thân để quay trở về đơn vị.

Khi nghe được lời trò chuyện của chúng tôi với Trung tá Thanh, một phạm nhân đang lao động gần đó bông đùa: “Các cán bộ quản giáo đã lĩnh án chung thân với trại giam rồi, phải ở lại với chúng em ăn Tết chứ về thế nào được.”

Ở đâu đó, bên ngoài cánh cửa trại giam, trong những nếp nhà, những mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình quản giáo vắng bóng người mẹ, người cha. Nhưng, sự hy sinh thầm lặng đó được đổi lại bằng những “mầm thiện”được gieo trồng, lấn cái ác, trả lại cho xã hội những con người biết phục thiện…

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.