Bình Dương: Cụ bà thoi thóp nằm chờ được chính quyền cấp sổ đỏ cho mảnh đất một đời bà gắn bó

Ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn của gia đình bà Phận ngay giữa trung tâm thị trấn
Ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn của gia đình bà Phận ngay giữa trung tâm thị trấn
(PLO) - Đất đai khai phá, sử dụng ổn định từ năm 1969, phù hợp quy hoạch sử dụng nhưng cụ bà đi kê khai đăng ký và đã chờ đợi suốt 18 năm ròng, từ khi còn mạnh khỏe cho đến lúc nằm liệt một chỗ vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Một đời “sống chui” trên mảnh đất tự mình khai phá

Bà Nguyễn Thị Phận (sinh năm 1936, khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và các thành viên trong gia đình có đơn kêu cứu đến báo Pháp luật Việt Nam, trình bày việc sử dụng đất ổn định 50 năm nhưng đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Theo đó, vào năm 1969, vợ chồng bà Phận có khai phá mảnh đất diện tích khoảng 10.000m2, một phần mảnh đất này hiện nay là thửa 147, tờ bản đồ số 45 (khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh). Ban đầu mảnh đất này được gia đình trồng điều, xà cừ, tràm bông và các loại cây lâu năm khác đồng thời dựng nhà sinh sống. Năm 1990, chồng bà Phận mất, bà và các con tiếp tục canh tác và quản lý sử dụng đất.

Năm 1999, gia đình bị thu hồi khoảng một nửa mảnh đất, phần đất còn lại bà Phận đã kê khai đăng ký vào năm 2001. Theo “giấy Chứng nhận kê khai đăng ký” mà Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ xã Phước Vĩnh cấp cho bà Phận ngày 19/10/2001 thể hiện, diện tích kê khai đăng ký là 5.278m2, thuộc thửa 147, tờ bản đồ số 45.

Người con trai út bà Phận trước công trình xây dựng tạm bợ
Người con trai út bà Phận trước công trình xây dựng tạm bợ

Trong sổ dã ngoại lập năm 2001, thửa đất trên được ghi tên bà Nguyễn Thị Phận và số liệu đo đạc thực tế mảnh đất vào năm 2013 là 4.983,3m2, thuộc loại đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm khác.

Vấn đề nằm ở chỗ, bà Phận kê khai đăng ký từ năm 2001 để xin được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên suốt nhiều năm ròng sau đó vẫn không được giải quyết. “Gia đình đi hỏi cán bộ thị trấn thì ban đầu được trả lời là đang chờ xem xét việc cấp đất, sau đó thì cho rằng gia đình không đủ điều kiện để cấp đất”, đơn của gia đình bà Phận nêu.

Trong lúc chờ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, để giải quyết nhu cầu ăn ở trước mắt bà Phận đồng ý cho các con dựng nhà trên đất sống chung với mẹ. Bà suy nghĩ đơn giản, mấy mẹ con bà cháu sống tạm qua ngày, chờ đến khi bà có được mảnh giấy công nhận chủ quyền sẽ làm thủ tục phân chia cho con cháu.

Chuyện cứ tưởng đơn giản nhưng không như bà nghĩ, tháng ngày chờ đợi bắt đầu từ 18 năm trước, lúc bà còn mạnh khỏe cứng cáp, đằng đẵng cho đến khi bà đã nằm liệt giường mấy năm nay, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù cho gia đình cầu cứu đến khản cổ, sức tàn lực kiệt.

Nghịch lý đau lòng, vợ chồng bà Phận là những công dân đầu tiên của vùng đất Phước Vĩnh, họ đã có mặt ở đây và cày cuốc gầy dựng cuộc sống từ những ngày chiến tranh diễn ra khốc liệt trước giải phóng. Khi đó, nơi đây còn là chốn xa xôi hẻo lánh, đất đai hoang vắng, dân cư thưa thớt.

Trải qua nửa thế kỷ, chỗ ấy giờ là trung tâm huyện và thị trấn, những người đến sau sống xung quanh nhà bà cũng đã được cấp QSDĐ trên chục năm. Còn gia đình bà Phận, đến nay đã có 4 thế hệ với mười mấy thành viên chung sống trên đất, thế mà đến một mảnh giấy lận lưng cũng chẳng có.

Bà Phận tuổi ngoài 80, dù đã nằm liệt giường nhưng nguyện vọng gần 20 năm vẫn chưa thành
Bà Phận tuổi ngoài 80, dù đã nằm liệt giường nhưng nguyện vọng gần 20 năm vẫn chưa thành

Khốn khổ trong cái vòng lẩn quẩn

Trên mảnh đất gia đình, các con cháu bà Phận lần lượt xây dựng nhà cửa, hàng quán, tiệm sửa xe… mỗi người một nghề mưu sinh. Những năm 2008- 2009, việc xây dựng nhà, công trình của các con bà Phận nhiều lần bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không có giấy phép.

Sau đó, họ đã đi xin phép sửa chữa, xây dựng nhà cửa nhưng được trả lời không đủ điều kiện cấp phép. Gia đình nhiều lần gõ cửa các cơ quan, đơn vị nhờ giúp đỡ nhưng vẫn chẳng có kết quả. Thành ra, việc sửa chữa nhà cửa để ở nhiều khi phải lén lút, tạm bợ kiểu chống đỡ, chắp vá sơ sài.

Một cái vòng lẩn quẩn đè nặng lên 4 thế hệ gia đình bà Phận, xin sửa chữa nhà thì buộc phải có sổ đỏ, mà xin cấp sổ đỏ thì kéo dài hàng thập kỷ vẫn không được giải quyết. Để chống chọi nắng mưa khắc nghiệt, các con bà Phận chấp nhận làm kẻ vi phạm pháp luật, lén lén lút lút lợp nhà, nâng nền.

Không thể chịu đựng mãi nghịch lý bức bối ấy, thời gian qua gia đình vừa khiếu nại yêu cầu cấp sổ đỏ, vừa đi xin phép sửa chữa nhà, nhưng một lần nữa nhận kết quả chua chát. Quyền lợi không được giải quyết, ngược lại họ càng thêm lo sợ việc cơ quan chức năng hăm he kiểm tra, xử phạt hành chính.

“Việc kê khai đăng ký đất suốt 18 năm không được cấp chủ quyền khiến gia đình chịu nhiều khốn khổ, như nhà cửa ngày một dột nát, xuống cấp, muốn nâng nền chống ngập, sửa chửa, xây dựng lại để chống dột chống nắng cũng không được phép vì không có giấy tờ đất đai”, bà Hoàng Thị Hây - con gái bà Phận khổ sở nói.

Mái nhà rỉ sét, dột nát càng xuống cấp sau những lần chắp vá
Mái nhà rỉ sét, dột nát càng xuống cấp sau những lần chắp vá

Hôm chúng tôi đến nhà, bà Phận thoi thóp trên chiếc giường trong căn phòng oi bức, phía trên mái tôn cũ nát, thấp lè tè. “Ngày ngày tôi phải nằm dưới mái tôn thấp ngột ngạt, mùa nắng thì nóng bức như trong hầm, mùa mưa thì lạnh lẽo co ro vì trên mái thì dột, gưới gầm giường thì nước ngập”, cụ bà than thở.

Sống trong cảnh thiếu điều kiện an toàn và vệ sinh môi trường ngay khu vực trung tâm dân cư đông đúc, gia đình bà Phận ngày ngày nơm nớp lo sợ. Nhất là sau sự việc đầu năm 2018, công trình tạm bợ của người con trai út bà Phận bị gió quật sập trong đêm, may mắn lúc đó nhà vắng người.

“Đó không phải là cái nhà, không phải là nơi dành cho người ở”, một người cháu bà Phận đã phải thốt lên như vậy trong bất lực. Nỗi bất an, ngột ngạt đè nén bấy lâu như bột phát thành lời khi đứng trong “khu ổ chuột” của gia đình nhìn sang những ngôi nhà cao tầng, khang trang bên cạnh.

Sau tất cả những gì đã trải qua, từ khốn khổ vì không gian sống đến cái đêm con cháu chết hụt, nguyện vọng vỏn vẹn của bà Phận là được cấp sổ đỏ cho phần đất đã đăng ký gần 20 năm trước, một điều tưởng rằng hiển nhiên nhưng lại là giấc mơ hàng ngày của thân già còm cõi cảnh gần đất xa trời.

Đáp lại niềm đau đáu của bà cụ, sự việc vẫn cứ kéo dài, lý do mới nhất được đưa ra để trì hoãn cấp đất cho bà là bởi người con dâu đâm đơn tranh chấp. Nội dung tranh chấp đã được xác định là vô lý, thế nhưng không rõ vì sao khi chưa giải quyết xong nguyện vọng của cụ bà, chính quyền lại sốt sắng giải quyết tranh chấp, khiến vụ việc càng thêm nghịch lý, chống chéo.

Bà Phận và hầu hết các thành viên hiểu rằng, việc trước đây bà cho đất để con cháu dựng nhà sinh sống, khi chưa được cấp sổ là không đúng luật. Tuy nhiên đó là việc bà phải làm, vì chính quyền có thể “ngâm” hồ sơ của bà chứ bà nỡ lòng nào nhìn con cháu không có mảnh đất cắm dùi.

Sau gần hai mươi năm mòn mỏi đợi chờ, bà Phận và gia đình khẩn cầu cơ quan chức năng căn cứ yếu tố nguồn gốc khai phá, công lao tạo lập, đăng ký đất đai để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà, để bà có thể quản lý, định đoạt tài sản theo nguyện vọng và đúng quy định pháp luật.

“Tôi mong trước lúc mất, tôi có thể danh chính ngôn thuận trao cho con cháu mảnh giấy lận lưng, chấm dứt cái cảnh mấy chục nhân khẩu già trẻ lớn bé thời gian qua như ở chui ngay trên đất của mình. Mong quý lãnh đạo Đảng, Nhà nước cứu giúp gia đình tôi để chúng tôi có được cuộc sống như bao người dân bình thường”, bà Phận van xin.

Báo PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn phân biệt Căn cước công dân thật và giả

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn phân biệt Căn cước công dân thật và giả
(PLVN) - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) đã có hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng công chứng cách để phân biệt ứng dụng VNeID thật, giả và Căn cước công dân (CCCD) thật, giả nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, giả mạo, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi: Để quảng cáo là sản phẩm của văn hóa trí tuệ

Năm 2022, ngành VHTTDL đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết. (Nguồn: Bộ VHTTDL).
(PLVN) - Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quảng cáo đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là một trong những yếu tố tạo lập kiến trúc cảnh quan, phản ánh thẩm mỹ đô thị, biểu hiện văn hóa tiêu dùng của cộng đồng dân cư ở quy mô rộng lớn... Đó là những lý do để quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu và phát huy tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định cụ thể về trừ điểm giấy phép lái xe

Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe được đánh giá là sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN).
(PLVN) -  Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) là quy định về trừ điểm giấy phép lái xe. Tán thành với nội dung này nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng, lạm dụng khi thực thi.

Tiếp vụ mâu thuẫn chuyển nhượng vốn góp tại Công ty nước sạch Bạch Đằng: Đại diện Sở cho biết sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giải thích

Trụ sở Cty nước sạch Bạch Đằng tại thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn. (Ảnh: Gia Hải)
(PLVN) - Vừa qua, Báo PLVN có bài phản ánh sự việc ông Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho rằng mình bị “gây khó” khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Cty TNHH nước sạch Bạch Đằng (trụ sở xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn).

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in

Quy định mới liên quan quản lý tiền mới in
(PLVN) - Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại NHNN chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận...

Diễn biến sự việc thép HRC bị đề nghị điều tra chống bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu bổ sung hồ sơ

HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các loại tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, ống thép… (Ảnh: Mai Long)
(PLVN) - Mới đây, như PLVN đã có bài phản ánh, sau khi một số DN đưa ra ý kiến cần điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam; thì một số DN sản xuất tôn mạ, ống thép lại không đồng ý với đề nghị này, vì cho rằng nhu cầu liên tục tăng trong khi nguồn cung nội địa chưa đáp ứng được.

Mâu thuẫn quanh chuyện chuyển nhượng vốn góp tại Cty nước sạch Bạch Đằng: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ mời các bên đến làm việc

Mâu thuẫn quanh chuyện chuyển nhượng vốn góp tại Cty nước sạch Bạch Đằng: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ mời các bên đến làm việc
(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho rằng mình bị gặp khó khi chuyển nhượng phần vốn góp tại Cty TNHH nước sạch Bạch Đằng (trụ sở xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn).