Giáo viên thời 4.0

Dạy học trực tuyến - giải pháp phát huy hiệu quả trong cảnh dịch bệnh.
Dạy học trực tuyến - giải pháp phát huy hiệu quả trong cảnh dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành đẩy mạnh chuyển đổi số với lực lượng tiên phong là giáo viên thời 4.0.

Thích ứng dạy online

Dịch bệnh xảy đến bất ngờ, việc dạy học trực tuyến là cấp thiết, song không tránh khỏi khó khăn cho cả người dạy lẫn người học. Hơn ai hết, giáo viên (GV) vẫn là những người vất vả nhất với những áp lực vô hình khi dạy học trên các nền tảng trực tuyến.

Thời lượng chương trình dạy học online đã được giảm tải hơn rất nhiều so với học trực tiếp nhưng cô Thu Hà, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội vẫn làm việc từ sáng tới khuya. Trừ Thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi ngày trong tuần của cô thường bắt đầu từ 8h sáng đến 12h đêm, gồm: sáng dạy online, trưa soạn bài cho hôm sau, chiều, tối chấm bài, nhận xét bài cho học sinh (HS).

Ngoài chấm bài, soạn bài, giảng bài cô Hà còn có công việc phải “lo” thêm như hồ sơ sổ sách HS, chuyên đề, cập nhật danh sách HS... “Công việc rất nhiều nên mỗi ngày trong tuần, khi ít việc nhất thì tôi cũng chỉ được nghỉ lúc 10h đêm. Ngồi máy tính suốt mười mấy tiếng một ngày cũng khiến một GV trẻ như tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, đau lưng và mờ cả mắt”, cô Hà tâm sự.

Cô Dương Thị Ngọc Trang, THCS Chu Văn An, Thủ Dầu Một, Bình Dương (GV tiêu biểu được vinh danh năm 2021) cho rằng, việc bất ngờ phải dạy học trong một không gian hoàn toàn khác với không gian truyền thống trước đây khiến cho nhiều GV lo lắng. Dù đã trên 50 tuổi nhưng cô Trang vẫn tích cực tự học, tự nâng cao sử dụng các phần mềm học trực tuyến hiệu quả. Cô mày mò bằng cách lên các kênh youtube để học hỏi, tìm hiểu thêm các trò chơi học tập để lớp học ảo trở nên sôi động, hấp dẫn HS, tăng cường sự tương tác trong giờ học.

“GV dạy một tiết online vất vả gấp mấy lần học trực tiếp. Giáo án dạy cũng phải thay đổi, chỉnh sửa nội dung kiến thức, phương pháp, hình thức tổ chức lớp học thế nào cho phù hợp. Để soạn một bài giảng trực tuyến, GV phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp vì phải trau chuốt ngôn phong, suy nghĩ nhiều hình thức để làm mới bài giảng của mình. Vì HS không đi học trực tiếp, không có không khí bạn bè sôi nổi nên GV phải luôn tạo bất ngờ cho các con để HS hứng thú học”, cô Trang chia sẻ.

Theo các giáo viên bậc phổ thông tại TP HCM, sau thời gian dạy online, họ phải dành từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày cho việc soạn giáo án, quay video, dạy trực tuyến, chấm bài... Cực nhất và tốn nhiều thời gian không kém công đoạn làm video dạy học là việc chấm bài của HS. Mỗi tuần như vậy cô Hà sẽ chấm khoảng 1.000 bài tập của HS.

Việc chấm bài online là chấm bài qua các hình ảnh HS chụp gửi lên cho GV. Các hình ảnh này HS chụp mờ, xiên xẹo, không đủ bài, nộp bài không đúng thời gian... càng khiến GV mất nhiều thời gian. Chưa kể, một ngày, GV nhận hàng trăm tin nhắn cũng như các cuộc điện thoại của phụ huynh và HS, chủ yếu liên quan đến phần mềm học trực tuyến bị lỗi, không vào được hoặc con đang làm kiểm tra bị mất kết nối.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, có nhiều vấn đề mới nảy sinh khi dạy học trực tuyến khiến GV phải thay đổi phương thức giảng dạy, như duy trì kỷ luật lớp thông qua màn hình; “chật vật” với công nghệ, các ứng dụng mới như Zoom, Google Meet hay MS Teams… Đặc biệt để soạn được bài giảng trực tuyến, phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp. Với nhiều GV lớn tuổi vốn gắn bó với chiếc bảng đen, việc làm quen với dạy học qua máy tính là rất khó khăn, nhất là GV ở các vùng nông thôn, miền núi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiếp cận nền giáo dục hiện đại

Cô Hà Thị Lan Hương, THCS Lê Quý Đôn, tỉnh Phú Thọ đã tìm tòi các ứng dụng online để dạy học, đồng thời chia sẻ với các GV khác. Khó khăn lại đặt ra vì các ứng dụng này đều yêu cầu HS phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet, không phải mọi HS đều có thể tham gia được. Nhưng những em tham gia được đều được tận hưởng không gian học tập rất riêng, mới lạ. GV vẫn giảng bài, giao bài tập, chia nhóm hoạt động, kiểm tra online; HS tương tác, giơ tay phát biểu, trả lời, nhận xét, chữa bài cho bạn; được tham gia thi đấu qua các trò chơi trực tuyến.

“COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành, phương pháp giảng dạy mới này đã và đang thực sự gắn liền với quá trình giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay và ngay cả sau này, việc dạy - học online thực sự mới mẻ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả…”, cô Hương chia sẻ.

Cô Nguyễn Phương Hiền, Trường THCS chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn cho rằng: “GV hiện nay đã xác định rất rõ vai trò của mình trong nền giáo dục số. Khi mạng xã hội đang trở thành nguồn học tập vô tận, GV định hướng con đường cho HS tìm hiểu tri thức chứ không phải dạy và học theo kiểu “đọc - chép” hay máy móc như trước nữa. Trong bất kỳ một tiết học nào, chương trình học nào GV cũng có vai trò là người dẫn đường chỉ lối cho HS và sẽ kích thích được tính tích cực, sáng tạo của HS trong quá trình tìm hiểu tri thức, khả năng tự học của HS tăng lên nhiều. Việc học trực tuyến cũng có lợi thế rất lớn là có sự kết nối nền tảng tri thức số rất lớn ở trên mạng. Nguồn học liệu phong phú chính là lợi thế đối với GV trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp HS tiếp cận với nền giáo dục hiện đại”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Điều được nhất khi chuyển đổi số là sự thay đổi nhận thức của thầy cô, của cán bộ quản lý giáo dục. Sự thay đổi về nhận thức, tư duy, hành động đã thúc đẩy mục tiêu giáo dục chúng ta phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn so với trước đây và đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận. Đơn giản như, khi dạy trực tuyến GV có thể dạy bất cứ lúc nào, ở đâu và số lượng HS thì không bị khống chế. Đồng thời GV có thể tận dụng được nguồn học liệu số vô cùng phong phú để ứng dụng vào dạy học.

Đáng mừng là, dạy và học trực tuyến cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây. Đến nay hầu như các trường đã tổ chức tốt được trường học số, lớp học số, việc quản lý hồ sơ của GV, của HS hay kết quả kiểm tra đánh giá cũng đều được số hóa. Điều này giúp nhà trường điều hành quản trị hiệu quả hơn. Do sử dụng công nghệ số nên sự kết nối giữa phụ huynh - nhà trường - GV cũng nhanh chóng, tiện lợi hơn”.

Giáo viên phải không ngừng tự học

Cô Phương Hiền, Trường THCS chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn cũng cho rằng, trong thời đại 4.0 ngoài kỹ năng và tri thức GV cần phải có từ trước đến nay thì đòi hỏi khả năng tự học của GV rất nhiều. “Chúng tôi chỉ mong sớm có chương trình đào tạo GV một cách hệ thống hơn, bài bản hơn về công nghệ số, chứ hiện nay GV mới chỉ dừng lại ở tập huấn kỹ năng thông thường đủ để đáp ứng bài giảng, còn nếu yêu cầu cao hơn thì GV lại phải tự mày mò, vất vả rất nhiều”.

“GV phải làm việc qua nhiều kênh thông tin, tham gia các nhóm trao đổi trực tuyến nên họ cũng rất áp lực. Xã hội lo cho HS sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý cũng như hiệu quả tiếp nhận kiến thức với dạy học trực tuyến. Nhưng trong ngành thì mình thấy rằng, GV gánh quá nhiều áp lực. Một tiết học chỉ có 35 phút nhưng GV phải làm việc quá nhiều. Họ vừa phải soạn giảng như một tiết dạy trực tiếp vừa phải chuyển thiết kế bài giảng powerpoint, thiết kế các bài tập mang tính chất tương tác dưới dạng các trò chơi, lồng tiếng... Nhiều GV trường tôi phải làm việc đến 1-2 giờ sáng”, cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Đà Nẵng cho biết.

Cần giảm các cuộc thi hình thức

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội bày tỏ: GV không thể mong đợi HS của mình trở thành những công dân toàn cầu trong khi bản thân họ chưa là một GV toàn cầu. Để thực hiện điều đó, trước hết cần có những cơ chế chính sách làm sao để GV có thể sống được bằng nghề. Qua đợt dịch vừa qua, cuộc sống của GV gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là GV mầm non. Tiếp đến, cần tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện để GV có thể phát huy sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Muốn vậy phải giảm những hoạt động thi đua mang tính hình thức để GV dành nhiều thời gian cho việc giáo dục - sứ mệnh chính của mình.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.