Xây dựng nhà ga C9 Hồ Hoàn Kiếm: Phương án nào được chọn trình phê duyệt?

(PLO) - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa lựa chọn và đưa phương án bố trí ga C9 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo khu vực hồ Hoàn Kiếm để tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo trình UBND TP. Hà Nội xem xét triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. 

Tranh cãi vị trí xây dựng nhà ga 

Tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP. Hà Nội, tuyến có lộ trình từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Thượng Đình. Giai đoạn 1 của tuyến đường sắt này là dự án trọng điểm quốc gia xây dựng đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản.

Từ năm 2016, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành, UBND  TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (BQLĐSĐT) hoàn thiện hồ sơ dự án điều chỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh Dự án. Đến nay duy nhất ga C9 - ga Hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt do vị trí tuyến và ga có phần nằm trong vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử Quốc gia và thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm. 

Lựa chọn vị trí nhà ga C9 Hồ Hoàn Kiếm nhận được sự quan tâm lớn của dư luận
Lựa chọn vị trí nhà ga C9 Hồ Hoàn Kiếm nhận được sự quan tâm lớn của dư luận

Theo BQLĐSĐT, những tranh cãi xung quanh vị trí xây dựng nhà ga này vẫn chưa dứt; còn nhiều quan điểm khác nhau khiến quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án và có nguy cơ tiếp tục tăng tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi. 

Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng BQLĐSĐT cho biết, trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, BQLĐSĐT, tư vấn chung và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét 7 phương án vị trí ga C9 gắn với hướng tuyến đường hầm đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 3 phương án phía Tây hồ Hoàn Kiếm (theo phía đường Lê Thái Tổ) và 4 phương án phía Đông (đường Đinh Tiên Hoàng).  

Theo ông Minh, sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, khoảng cách giữa các ga C8-C9-C10, ảnh hưởng trong quá trình thi công tới các công trình, tòa nhà có móng cọc trong khu vực, tác động tới môi trường cảnh quan..., thì phương án bố trí ga C9 bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là phương án có nhiều ưu điểm nhất.

“Cụ thể, theo tính toán phương án này sẽ không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác và mang tính khả thi cao nhất được lựa chọn và đã được các bộ, ngành, các cơ quan liên quan thống nhất, chấp thuận. Vị trí ga C9 này cũng phù hợp quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch khu vực liên quan” – ông Minh nhấn mạnh. 

Theo phương án này, tổng mặt bằng ga C9 đề xuất phê duyệt như sau: Thân ga chính nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cách Tháp Bút 36m, cách mép hồ khoảng 10m, có phần nằm trong khuôn viên vườn hoa Bờ Hồ thuộc khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.

Đang tiếp thu ý kiến

Ông Noboru Nakagawa - đại diện Tư vấn chung của Dự án cho biết: Dự án được thiết kế áp dụng các phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm tiên tiến nhất hiện nay. Theo chuyên gia này, tuyến hầm sẽ được thi công bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ, tại vị trí Tháp Bút khả năng lún bề mặt chỉ từ 2-4 mm không ảnh hưởng đến an toàn của tháp. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dày 0,3m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực. 

Đối với ga ngầm C9, được biết sẽ sử dụng phương pháp đào từ trên xuống (top-down) kết hợp tường vây chống thấm nước (tường bê tông cốt thép dầy 1,2m).  Phương pháp này được cho không làm giảm sút mực nước ngầm ảnh hưởng đến mực nước hồ Hoàn Kiếm. “Vùng ảnh hưởng lún khi thi công ga giới hạn trong khoảng 34m với độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép để không ảnh hưởng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu và các công trình lân cận khác” - ông Noboru Nakagawa khẳng định. Cũng theo vị đại diện Tư vấn chung của Dự án, dự án thi công nhà ga C9 được thiết kế lắp đặt hệ thống kết cấu đường sắt chạy tàu chống rung (vật liệu đàn hồi dẻo trên tà vẹt bê tông dự ứng lực) sẽ làm giảm tối đa tiếng ồn và rung động.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phương tiện cá nhân ở Hà Nội ngày càng tăng nhanh khiến tình trạng tắc đường trầm trọng, những dự án phát triển giao thông công cộng như ĐSĐT tuyến số 2 cần nhanh chóng được triển khai, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để đủ điều kiện trình cấp thẩm quyền duyệt phương án nhà ga C9 mà BQLĐSĐT mới đưa ra bắt buộc phải có ý kiến chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng đến nay Bộ này vẫn chưa đưa ý kiến của mình.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng đã xác nhận với Báo PLVN là Bộ này chưa có quan điểm chính thức và đang tiếp thu các ý kiến, đồng thời tự khảo sát, đưa ra ý kiến riêng trước khi đưa ra văn bản chính thức có đồng ý với vị trí đặt ga như hiện nay hay không.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.