Vì đâu tình trạng phượt thủ chặn đường gia tăng?

Dư luận bức xúc các phượt thủ tự ý bố trí người điều khiển các phương tiện giao thông khác dừng lại cho đoàn chạy qua
Dư luận bức xúc các phượt thủ tự ý bố trí người điều khiển các phương tiện giao thông khác dừng lại cho đoàn chạy qua
(PLVN) - Đoạn clip một đoàn phượt thủ ngang nhiên “lập chốt”, chặn đường tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ gây bức xúc cộng đồng mạng nhiều ngày qua. Đáng nói, tình trạng đoàn phượt thủ dàn hàng, chặn xe trên đường ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, bị lên án dữ dội. Đã có vài trường hợp bị phạt nhưng dường như chế tài chưa đủ sức răn đe.

Coi thường tính mạng, pháp luật

Cụ thể, với lý do nhân ngày kỷ niệm câu lạc bộ, các thành viên tập trung lại để chúc mừng, một nhóm người đã ngang nhiên chặn đường tại ngã tư Hiệp Sơn, Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) để khoảng 40 xe máy nối đuôi nhau băng qua đường, gây ùn tắc giao thông.

Một nam thanh niên được cho là thành viên của một đoàn phượt đã dừng lại và "xin đường" các phương tiện đang lưu thông tại ngã tư này để đoàn phượt của mình đi qua giống như xe ưu tiên, bất chấp tín hiệu giao thông, buộc các phương tiện di chuyển đúng tín hiệu giao thông phải dừng lại. Dựa vào chiếc cờ gắn vào đầu xe trong clip được nhiều diễn đàn chia sẻ, cư dân mạng nhận ra đây là một nhóm phượt thủ. 

Điều đáng nói là hành vi của nhóm người này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của một bộ phận cư dân mạng thiếu hiểu biết pháp luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, chỉ có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và những lực lượng được giao nhiệm vụ mới có thẩm quyền điều tiết, phân luồng giao thông.

Theo đó, chỉ những loại phương tiện được ưu tiên theo quy định của pháp luật mới được chặn đường để di chuyển, bao gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật, đoàn xe tang.

Trên thực tế, tình trạng những đoàn phượt thủ chặn đường ngày càng gia tăng trong thời gian qua, trở thành từ khóa được hơn 13 triệu lượt tìm kiếm trên Google. Trên một số diễn đàn phượt còn có nhiều bài chia sẻ cách ứng xử khi gặp đoàn phượt chặn đường.

Trong đó nhiều bài viết bày tỏ quan điểm: “Lời khuyên chân thành cho anh em chính là cứ nhường cho đoàn họ đi, đừng hơn thua làm gì. Đoàn phượt chạy dàn hàng, tự ý chặn đường xin đường là sai hoàn toàn. Mà đúng sai đã có pháp luật. Mình cầm điện thoại lên, quay lại toàn cảnh, quay được rõ ràng biển số, gương mặt càng tốt, rồi đưa lên mạng xã hội, tự khắc cộng đồng sẽ truy tìm ra tung tích các bạn đó, cơ quan chức năng cũng có thể lấy đó làm cơ sở để truy tìm đối tượng vi phạm”.

Điều đó cho thấy, cộng đồng hiện nay đang rất gay gắt với những thể loại ý thức kém, coi thường pháp luật như vậy nên họ sẵn sàng cùng lên án, bài trừ.

Chế tài chưa đủ mạnh?

Trước đó, khoảng cuối năm 2018, hình ảnh một nhóm phượt thủ khoảng 200 người tự ý chặn đường để di chuyển qua ngã tư ở Nam Định được đăng tải lên mạng xã hội; cơ quan chức năng đã triệu tập và xử phạt vi phạm hành chính điểm đ, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ đối với hành vi điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông.

Cụ thể, đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng khi có hành vi điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, mức phạt này được đánh giá là chưa đủ mức độ răn đe đối với các đoàn phượt thủ, khiến cho hiện tượng vi phạm vẫn tiếp diễn. 

Đáng nói, nhiều đoàn vẫn ngang nhiên vi phạm mà lực lượng chức năng chưa xử lý. Trên thực tế công tác truy tìm, triệu tập toàn bộ các đối tượng vi phạm để xử lý vi phạm hành chính không hề dễ dàng. Nói về điều này, chị Mai Anh, một phượt thủ tại Hà Nội, chia sẻ: “Bản chất của các “câu lạc bộ” phượt bây giờ hầu hết đều trên nền tảng mạng xã hội. Do vậy hội viên có thể ở khắp mọi nơi. Đoàn đi đến đâu hội viên có thể nhập đoàn đến đó. Bởi tính chất đoàn di chuyển liên tục, nên dù có hành vi vi phạm ở đâu đấy, lỗi không quá nghiêm trọng, hoặc không bị bắt ngay tại chỗ thì hầu như đều được bỏ qua”. 

Theo đó, cũng có ý kiến đề xuất trích xuất camera tại các điểm ngã tư để tiến hành phạt nguội các đối tượng vi phạm. Song, ý kiến này hầu như bị cho là “bất khả thi” đối với các phượt thủ. Từ năm 2004 đến nay, phương thức phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã được triển khai, nhưng lộ ra nhiều bất cập.

Bất cập lớn nhất hiện nay là cơ quan chức năng chỉ có thể xác minh được chủ sở hữu phương tiện vi phạm, khó xác minh được người vi phạm nên không đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt mà chỉ có thể gửi thông báo cho chủ sở hữu phương tiện vi phạm để phối hợp xác minh và chờ sự tự nguyện chấp hành của người vi phạm. Trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng cho nhiều chủ sở hữu hoặc xe của các cơ sở kinh doanh cho thuê xe thì việc xác minh người vi phạm lại càng thêm khó khăn. 

Đối với cộng đồng phượt, phương tiện đi lại của họ có nguồn gốc rất đa dạng, có thể là xe thuê, xe mượn, xe dùng một lần rồi bỏ, thậm chí có cả xe ăn trộm… Còn về mặt tâm lý, nhiều bạn đi phượt còn cảm thấy việc thách thức chính quyền là một “trải nghiệm hay ho”, dù chăng có nhận được quyết định nộp phạt mà lần khân không tuân thủ cũng là chuyện bình thường. Thiết nghĩ, nếu không xử phạt được người vi phạm, hoặc mức phạt quá thấp không đủ răn đe cho chính bản thân người nộp phạt thì làm sao có đủ sức răn đe đối với xã hội? 

Đọc thêm

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa

Phối cảnh dự án khu phức hợp văn phòng, thương mại, khách sạn, nhà ở, công trình văn hóa đang được xây xung quanh nhà ga mới Takanawa Gateway theo nguyên lý TOD tại trung tâm Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: DPA)
(PLVN) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đường sắt đô thị là phương tiện gần như thuận tiện nhất và bảo đảm môi trường nhất. Chính vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị vừa giúp giải bài toán giao thông và môi trường đang nhức nhối tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xa hơn là tạo đà cho sự phát triển các đô thị và cả các khu vực xung quanh.

Thêm trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh từ 1/6

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh (GPKD) từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp GPKD hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên GPKD 6 tháng liên tục trở lên...

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong
Khoảng 18 giờ 45 phút, ngày 19/4 trên đường Bạch Đằng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, xe ô tô biển kiểm soát 34A - 673.01 hiệu Mazda CX5 đã lao xuống sông Sặt, khu vực trước cổng Tỉnh ủy Hải Dương khiến lái xe Nguyễn Ngọc Hạnh, sinh năm 1967 (sống ở phố Nguyễn Tuân, đăng ký thường trú tại phố Trương Mỹ, phường Trần Phú, thành phố Hải Dương) tử vong.

Dồn sức thông xe hai dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/4

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Nhà thầu dự án cung cấp)
(PLVN) - Không chỉ thi công 3 ca, 4 kíp suốt ngày đêm, nhiều nhà thầu còn sẵn sàng tăng cường máy móc, nhân lực sang hỗ trợ nhà thầu khác đang gặp khó để nỗ lực đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào hoạt động trước dịp 30/4.

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.