Vận tải hành khách dịp Tết: Khó quản

Những chiếc vé phục vụ người dân vào những ngày lễ, tết sẽ tăng cao.
Những chiếc vé phục vụ người dân vào những ngày lễ, tết sẽ tăng cao.
(PLVN) - Do nhu cầu di chuyển trong những ngày lễ, Tết tăng cao, các dịch vụ vận tải hành khách cũng lên giá. Điều này đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho khách hàng và các cơ quan quản lý.

Mỗi khi đến gần các dịp nghỉ lễ như 30/4 – 1/5, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, nhiều người dân từ các địa phương trong cả nước đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để học tập và làm việc lại sốt sắng việc mua vé xe về quê. Bởi những dịp này, vé xe thường tăng giá cước cao gấp nhiều lần ngày thường. Theo tìm hiểu của phóng viên, tuỳ vào thời gian di chuyển và loại xe thì những chiếc vé phục vụ người dân vào  những ngày lễ, tết sẽ tăng từ 1,5 – 4 lần so với giá vé bình thường. 

Tăng cường quản lý, xử phạt vi phạm quy định vận tải hành khách

Để giảm thiểu và ngăn chặn những bất cập xảy ra trong việc vận tải hành khách trong dịp gần Tết, trả lời báo chí, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết đã lên kế hoạch phục vụ khách trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Trong đó, nội dung xử lý xe nhồi nhét, “chặt chém” khách hàng được quan tâm đặc biệt”.

Theo vị lãnh đạo này, hiện tại, bến xe Mỹ Đình đã bố trí 4 nhân viên túc trực 24/24h ở cổng bến để thực hiện việc hạ tải. Nếu phát hiện xe chở quá số người quy định, các nhân viên sẽ kiên quyết không cho xuất bến và có hình thức xử lý.

Đơn vị này cũng đã dán 4 số điện thoại của 4 lãnh đạo ở nhiều khu vực dễ nhìn thấy nhất trong bến xe. Nếu phát hiện nhà xe chèn ép, thu tiền cước quá quy định, đơn vị này sẽ xử lý nghiêm.

Tương tự, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, bên đơn vị đã gửi tới các cơ quan chức năng kế hoạch phối hợp xử lý xe dù bến cóc, xe chạy lòng vòng bắt khách cũng như xử lý các hành vi trộm cắp trong và ngoài bến xe.

Ông Thành khuyến cáo hành khách nên vào trong bến mua vé, không nên đứng ngoài đường chờ xe, tạo cơ hội cho xe dù, bến cóc hoạt động. Khi phát hiện nhà xe có hành vi “chặt chém”, “nhồi nhét” hành khách gọi điện đến đường dây nóng để lãnh đạo bến xe xử lý.

Liên hệ đặt vé với một nhà xe chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, phóng viên được thông báo giá vé bắt đầu tăng từ ngày 20 âm lịch là 300.000 đồng/vé trong khi ngày thường là 200.000 đồng/vé và càng cận Tết thì giá vé sẽ cao hơn nữa.

Khi hỏi về lý do tăng giá, nhà xe này giải thích, họ phụ thu thêm cho một chiều chạy rỗng. Vì khách trong dịp này chủ yếu chạy chiều từ Hà Nội về Hà Tĩnh, chiều ngược lại vắng khách. Và chính lý do nghe “có vẻ” hợp lý này mà gần như các hành khách đều tặc lưỡi cho qua, chấp nhận đặt một chiếc vé có thể đắt gấp nhiều lần giá bình thường, để trở về ăn Tết với gia đình.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến tình trạng các nhà xe vì lợi nhuận mà bất chấp sự nguy hiểm tới tính mạng khách hàng, nhồi nhét khách gấp nhiều lần số ghế quy định. Điển hình nhất là vụ xe khách chạy tuyến Thanh Hóa – Bến xe Nước Ngầm 45 chỗ nhưng chở tới 104 người vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm 2019. Bên cạnh chở người vượt mức quy định, xe khách này còn chạy sai lộ trình quy định, vượt qua nhiều chốt cảnh sát giao thông. 

Ngoài lỗi chở quá số người quy định, lực lượng cảnh sát cũng xác định, xe khách trên mặc dù chạy tuyến Thanh Hóa – Bến xe Nước ngầm nhưng lại chạy vượt tuyến lên bến xe Giáp Bát để bắt thêm khách. Cảnh sát giao thông đã lập biên bản với lỗi chở quá số người quy định và lỗi chạy không đúng lịch trình vận tải; ra quyết định tạm giữ phương tiện 7 ngày theo quy định.

Chị Nguyễn Thị Anh Thuỳ, sinh viên trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cho biết: “Đặt được một chiếc vé về quê ăn Tết quả là vô cùng khó khăn! Mình đã gọi liên tiếp 5 nhà xe mới đặt được một vé để tối ngày 20 Tết về với bố mẹ. Theo mình thì tầm này thì hầu hết các xe về ngày 23-29 đều hết vé rồi! Mình về sớm thì  vừa đặt trước tầm 10-15 ngày. Còn những người họ về tầm 23 đến sát tết thì họ phải đặt trước từ 3 tuần đến 1 tháng”.

Trước đó, vào thời điểm ngày 31/12/2019, sau 1 ngày khi công bố bán vé Tết, trên trang web chính thức của Công ty Du lịch Văn Minh đã hết vé nhiều chặng. Đơn cử, từ ngày 17 đến 23/1 (tức 23 - 29 âm lịch), chặng từ Bến xe Nước Ngầm đi Hà Tĩnh đã thông báo hết chỗ.

“Vì lịch trình thay đổi nên tôi về quê muộn hơn dự tính 1 ngày nên có nhu cầu bán lại vé xe. Rất nhiều người hỏi mua lại vé với giá cao hơn. Thế nhưng bán được vé, tôi lại rơi vào tình trạng không mua được vé để về ngày tiếp theo”, anh Hoàng Mạnh, một người quên Nghệ An công tác tại Hà Nội chia sẻ.

Ngay từ cuối năm 2019, nhiều Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải trên địa bàn thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Canh Tý năm 2020 để hạn chế tình trạng tăng giá vé, bắt chẹt khác. 

Ngày 28/11/2019, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt bố trí bảo đảm số lượng tham gia hoạt động trên các tuyến; tăng cường thông tin tuyên truyền về thời gian chạy, lộ trình...Các đơn vị khai thác bến xe xây dựng phương án bố trí xe dự phòng, xe tăng cường; triển khai sớm các hình thức bán vé đến tận tay hành khách..

Trong cuộc họp báo của Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa với các đơn vị vận tải, bến xe để thống nhất mức phụ thu giá cước vận tải khách tuyến cố định vận chuyển lệch chiều trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở thông tin: “Tỷ lệ phụ thu giá cước tuyến cố định năm nay cao nhất không quá 60% đối với chiều đông khách. Cụ thể, phụ thu được tính theo 2 giai đoạn: trước và sau Tết Nguyên đán. Thời gian trước Tết được tính từ ngày 9/1/2020 (tức ngày 15/12 âm lịch) đến 24/1/2020 (tức ngày 30 Tết). Sau Tết, từ ngày 25/1/2020 (mùng 1 Tết) đến 8/2/2020 (15/1 âm lịch). Tỷ lệ phụ thu này cũng được tính toán theo từng khung thời gian khác nhau, đối với chiều ít khách, các doanh nghiệp không được phụ thu”.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.