“Trói” 4 năm và đánh thẳng “túi tiền” nhà thầu công trình giao thông

“Trói” 4 năm và đánh thẳng “túi tiền” nhà thầu công trình giao thông
(PLO) - Sẽ không còn tình trạng nhà thầu đem nắng mưa, bão lũ... ra lý giải cho nguyên nhân xuống cấp cầu đường, bởi Bộ Giao thông Vận tải vừa có quy định “trói chặt” trách nhiệm các đơn vị thi công thông qua thời gian và kinh phí bảo hành.
“Nắng nóng bất thường” là cách mà vừa qua một số nhà thầu và Ban Quản lý dự án đường bộ thường đưa ra để ngụy biện cho tình trạng hằn lún vệt bánh xe sâu tới gần chục cm trên quốc lộ 1A. Nhưng tới đây, nhà thầu thầu chắc chắn sẽ thôi không nói tại... “trời”, do thời gian bảo hành công trình phải kéo dài liên tục trong 4 năm. Có nghĩa dẫu có tại... “trời” thì trong khoảng thời gian đó, nhà thầu cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm, công trình do chính mình làm ra.
Bảo hành 2 năm không “xử” được ai?
Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), vừa qua tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và một số đoạn tuyến do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác đã xảy ra tình trạng hằn lún vệt bánh xe với tổng diện tích lên tới 504.507m2. Trong đó, đoạn Hà Nam – Thừa Thiên Huế, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến. 
Ở khu vực phía Bắc, QL5 vừa hoàn thành và bàn giao sử dụng năm 2013, với mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, nhưng sau gần hai năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu của dự án này đã hư bị hỏng tạo thành “ruộng bậc thang” trên tuyến, cá biệt có một số đoạn (Gói thầu 11) phải năm lần bảy lượt bóc đi, thảm lại nhưng vẫn lún. 
Tuy nhiên, khi bị “truy” trách nhiệm về những tình huống như vậy, những người có liên quan đều nói do tác động của khách quan như nắng nóng, xe quá tải... hoặc cùng lắm chỉ thừa nhận tỷ lệ thiết kế cấp phối chưa phù hợp chứ chưa thấy ai bị quy kết thi công ẩu dẫn tới hư đường.
Về vấn đề này, trước đó Bộ GTVT cũng đã có quy định về trách nhiệm bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng chỉ quy định thời gian bảo hành công trình tối thiểu 2 năm. Quy định như vậy rõ ràng là không đủ thời gian để kiểm chứng độ bền của công trình và cũng không ràng buộc được trách nhiệm của nhà thầu, bởi có những công trình sau hai năm mới sinh... “bệnh” nên khó bắt đền được bên thi công.
Đánh vào “túi tiền” nhà thầu
“Để có thể ràng buộc trách nhiệm của các nhà thầu, Quyết định 2920 mới đây của Bộ GTVT quy định tất cả các công trình đặc biệt và công trình cấp I đều phải nâng thời gian bảo hành lên 4 năm. Quy định như vậy sẽ “ốp” được vấn đề chất lượng cũng như trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình”, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông nhận định.
Ngoài quy định về thời gian bảo hành 4 năm, mức tiền bảo hành đối với nhóm công trình nói trên cũng được xác định là 3% giá trị hợp đồng. Đối với các công trình cấp II, thời gian bảo hành là 42 tháng, mức tiền bảo đảm bảo hành là 5% giá trị hợp đồng. Công trình các cấp còn lại thời gian bảo hành là 24 tháng, mức tiền bảo đảm bảo hành là 5% giá trị hợp đồng.
Không những thể, để “cột” chặt trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp, Bộ GTVT cũng có quy định “đánh” thẳng vào “túi tiền” nhà thầu nếu để xảy ra tình trạng công trình kém chất lượng. Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 4 Quyết định 2920/QĐ- BGTVT ngày 13/8/2015 nêu rõ: Trong thời gian bảo hành công trình, nhà thầu thi công có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu gây ra trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án. 
Theo đó, nhà thầu phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành. Trong khoảng thời gian này, nếu nhà thầu không tiến hành bảo hành hoặc chậm trễ trong việc thực hiện thì chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có quyền sử dụng tiền bảo đảm bảo hành để ký hợp đồng với các đơn vị khác thực hiện sửa chữa, khắc phục.
Quy định trên vừa mới ban hành chính thức nhưng trên thực tế đã có một số nhà thầu thi công các dự án trọng điểm chủ động thực hiện quy định này. Chẳng hạn về thời gian bảo hành, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) không những thực hiện đúng mà còn vượt cả yêu cầu của Bộ GTVT khi cam kết bảo hành công trình 5 năm tại một số gói thầu thuộc Dự án mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Về xử lý hậu quả, Cienco 4 cũng chủ động bố trí máy và cam kết chịu kinh phí để thảm lại mặt đường bị hằn lún bằng polymer. 
Tương tự, tại Dự án QL1A đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu, nhà thầu Công ty Cổ phần  Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng đã tự bỏ tiền ra khắc phục tình trạng hằn lún tại gói thầu mà đơn vị này thi công. “Chúng tôi đã chỉ đạo cào bóc những đoạn mặt đường không đảm bảo rồi tiến hành thảm lại để hoàn thành trước ngày 31/8/2015 theo yêu cầu của Bộ GTVT. Chi phí cho việc khắc phục đoạn này do chúng tôi tự chịu, ước khoảng 7 tỷ đồng.” - ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần  Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết.
Đề phòng tình trạng nhà thầu thoái thác trách nhiệm khi công trình hư hỏng xuống cấp, Bộ GTVT còn yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đưa các điều khoản bảo hành công trình theo các nội dung được quy định tại Quyết định nói trên vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; đồng thời thực hiện giữ lại kinh phí bảo đảm bảo hành công trình bằng hình thức bảo lãnh vô điều kiện tại ngân hàng được chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chấp thuận hoặc bằng tiền trong quá trình thanh toán nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh vô điều kiện... 
Sẽ “ốp” được vấn đề chất lượng
“Trước đây, thời gian bảo hành công trình được quy định tối thiểu 2 năm, nhưng nay với quy định chính thức là 4 năm thì sẽ “ốp” được vấn đề chất lượng. Các nhà thầu vì thế cũng phải có trách nhiệm hơn. Bởi nếu làm không bài bản thì người chịu thiệt hại đầu tiên chính là các nhà thầu vì ngoài thời gian bảo hành, đơn vị thi công phải tự lo chi phí để khắc phục hậu quả” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Phan Quang Hiển.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.