Thu phí không dừng - chờ cái “bắt tay” giữa Bộ GTVT và các chủ dự án BOT

Trạm thu phí tại Km604+700 (Quảng Bình) là 1 trong 3 trạm thí điểm công nghệ ETC
Trạm thu phí tại Km604+700 (Quảng Bình) là 1 trong 3 trạm thí điểm công nghệ ETC
(PLO) - Để dự án nói trên diễn ra đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm ký hợp đồng triển khai dự án. Các nhà đầu tư đường bộ BOT cần nhanh chóng ký phụ lục hợp đồng với Bộ cũng như hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với đơn vị được giao triển khai dự án.

Rõ lợi ích, nhà đầu tư phản hồi tích cực

Nhằm hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người dân tham gia giao thông và người sử dụng dịch vụ thu phí, Bộ GTVT đã thống nhất triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14).

Theo đó, Bộ đồng ý giao Công ty CP Tasco và Ngân hàng BIDV tổ chức lập dự án. Đến nay đã thực hiện thí điểm tại 3 trạm (trạm Hoàng Mai, trạm Km604+700 trên QL1 và trạm Km1813+650 trên QL14) để rút kinh nghiệm, trước khi áp dụng đại trà. 

Liên quan vấn đề này, trước đó Bộ GTVT đã “chốt” tiến độ triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng cho 28 trạm trước 30/6/2016. Phía Tasco sau đó đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án.

Tuy nhiên, đến nay điều kiện quan trọng nhất để dự án có thể “cán” mốc mà Bộ GTVT đưa ra không phụ thuộc vào việc Tasco làm như thế nào mà là sự hợp tác, đồng thuận của các nhà đầu tư BOT thông qua việc ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT và hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco.  

Muốn vậy, Bộ GTVT cần “chốt” hợp đồng dự án trong tháng 3/2016. Tiếp đó, các phụ lục hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT với Bộ GTVT cũng như hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco cũng phải được hoàn thiện trong tháng 4/2016 thì mới bắt kịp tiến độ.

Còn đối với Tasco, điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là đơn vị đã và sẽ làm gì để hấp dẫn các nhà đầu tư khi triển khai dự án nói trên?

Về vấn đề này, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho biết: - Tháng 3/2015, Tasco đã thực hiện kiểm thử thành công hệ thống thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí thí điểm ở Quảng Bình để báo cáo Bộ GTVT.

Thông qua quá trình kiểm thử này, các nhà đầu tư BOT đều nhận thấy rõ rệt việc quản lý doanh thu được công nghệ hóa một cách nhanh chóng, chính xác, minh bạch và đảm bảo chống thất thoát cho các nhà đầu tư. Chính vì nhận biết được giá trị lợi ích mà dịch vụ thu phí tự động này đem lại nên các nhà đầu tư BOT đã có thái độ tích cực, phối hợp ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco

“Thả cửa” cho cơ quan chức năng giám sát

Công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra sao nếu như có sự tác động của con người, giả thiết ở đây là sự thông đồng giữa chủ đầu tư hệ thống thu phí, ngân hàng và nhà đầu tư BOT nhằm làm sai lệch con số thống kê thu phí?

- Hệ thống thu phí tự động không dừng được thực hiện hoàn toàn bằng các trang thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đem lại độ chính xác cao. Tất cả các số liệu, thông tin dữ liệu thu phí được lưu trữ vĩnh viễn, các hình ảnh của phương tiện đi qua trạm cũng được lưu trữ tối thiểu trong 5 năm và video toàn cảnh trạm thu phí tự động được lưu trữ tối thiểu là 1 năm.

Việc chiết xuất dữ liệu và báo cáo với Bộ GTVT sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác, nhà đầu tư dịch vụ sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, Bộ Công an... một cổng kết nối trực tuyến với mục đích giám sát toàn bộ các trạm thu phí, dữ liệu thu phí mọi lúc, mọi nơi. 

Với cơ chế hoạt động như trên, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm toán trong và sau quá trình thu phí bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, toàn bộ dữ liệu thu phí của Tasco sẽ được kiểm toán bởi một cơ quan kiểm toán độc lập hàng năm nên đảm bảo số liệu luôn được chính xác, minh bạch, công khai và được kiểm toán.

Được biết, ngoài Công ty VETC (đơn vị trực thuộc Tasco), một số đơn vị khác cũng đang tham gia thực hiện hệ thống thu phí tự động. Vậy, tới đây VETC sẽ kết nối với các nhà đầu tư cùng hệ thống này như thế nào về mặt công nghệ, cách thu, giá trị dịch vụ...?

- Nếu có đơn vị khác cũng tham gia thực hiện hệ thống thu phí tự động, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và thỏa thuận nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là đem lại một dịch vụ thu phí tự động thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư.

Cảm ơn ông!

Vừa tiện vừa quy về một đầu mối

“Đối với doanh nghiệp, những khoản chi dù chỉ một triệu đồng mà bất hợp lý, chúng tôi dứt khoát không chi, nhưng nếu nó hợp lý thì dù phải bỏ ra tiền tỷ, chúng tôi cũng không ngại. Thu phí tự động không dừng ETC vừa tiện lợi lại được quy về một đầu mối nên Trùng Phương ủng hộ và sẵn sàng ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT để sớm ứng dụng công nghệ này”, ông Nguyễn Đức Thế Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trùng Phương (nhà đầu tư BOT QL1 đoạn qua Thừa Thiên Huế).

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.