Tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông khu vực ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
(PLVN) - Huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình giao thông quan trọng, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng. Đồng thời, tái cơ cấu vận tải, hướng đến vận tải giá rẻ như vận tải thuỷ, vận tải đường sắt… 

Đây là những giải pháp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 18/6, tại TP HCM.

Bố trí 10.600 tỷ triển khai thêm dự án mới 

Tại ĐBSCL do điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông trong vùng cao. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng do khó khăn chung của đất nước về nguồn lực nên mạng lưới giao thông vẫn là “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. “Thời gian vừa qua Nhà nước đã bố trí 10.600 tỷ đồng triển khai thêm một số dự án mới cho khu vực ĐBSCL, tuy nhiên giao thông khu vực này vẫn chưa đạt hiệu quả. Đây đang là “điểm nghẽn” rất lớn khi kết nối với TP HCM và với các khu vực khác”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Có thể thấy, các tuyến trục dọc chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nối thông theo quy hoạch (tuyến N1, tuyến N2, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến trục dọc phía Đông) tạo thành những “điểm nghẽn”, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là các giờ cao điểm và ngày lễ, Tết. Còn các tuyến trục ngang đã cơ bản được hình thành nhưng quy mô và chất lượng đường còn rất hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch.

Khu vực này cũng chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức. Các trung tâm logistics đang hoạt động hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ nên chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa.

Khả năng kết nối giữa đường thuỷ nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt chưa được tháo gỡ (tĩnh không thông thuyền một số cầu chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch) làm hạn chế cỡ tàu thông qua; đặc biệt chỉ cho thông qua tàu chở container đến 2 lớp. Do đó, làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mới chỉ khai thác 28% công suất. Đa số hành khách sử dụng đường bộ để di chuyển từ TP HCM đi Cà Mau và Kiên Giang, cũng như lên TP HCM để bay thay vì sử dụng sân bay Cần Thơ.

Tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông kết nối từ TP HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chi phí chưa hợp lý, kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng.

Cần có chính sách riêng cho hạ tầng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đang tham mưu trình Chính phủ 5 dự án giao thông để kết nối khu vực ĐBSCL với TPHCM. Đồng thời nghiên cứu bổ sung tuyến trục động lực TP  HCM – Long An – Tiền Giang vào quy hoạch mạng đường bộ quốc gia (tuyến QL50B), tăng cường kết nối giữa TP HCM với các tỉnh ĐBSCL.

“Đường thuỷ là tiềm năng lớn của khu vực ĐBSCL nhưng chưa được phát triển đúng mức. Bộ GTVT tập trung nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, đây là tuyến kênh có lưu lượng lớn, nếu làm tốt sẽ giảm tải nhiều cho đường bộ. Đồng thời nâng cấp một số cầu thấp để khuyến khích vận tải container cho khu vực này”, Bộ trưởng cho biết.

Về hàng hải, Bộ trưởng Thể cho biết đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng biển Trần Đề; khuyến khích kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa để sớm hình thành một cảng biển cửa ngõ cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, triển khai Dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh, đảm bảo ổn định luồng tàu; tổ chức khai thác hiệu quả, hình thành các tuyến vận tải công ten nơ kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải).

Về hàng không, nghiên cứu nâng công suất cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao; phối hợp với TP Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải nghiêm trọng.

Đối với đường sắt, Bộ GTVT cũng cho biết hiện đang kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ TP HCM đến Cần Thơ phù hợp với định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.