Nhà thầu nỗ lực “cán đích” vượt tiến độ

Gói thầu 13 QL1A đoạn qua Quảng Bình, Tập đoàn Phúc Lộc đang nỗ lực cán đích vượt tiến độ
Gói thầu 13 QL1A đoạn qua Quảng Bình, Tập đoàn Phúc Lộc đang nỗ lực cán đích vượt tiến độ
(PLO) - “Gói thầu số 13 thuộc Dự án quốc lộ (QL) 1A đoạn qua Quảng Bình mới thảm mặt đường được hơn 2 tháng vì một số nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhưng sắp tới, nếu những vấn đề này được tháo gỡ  thì tháng 9/2014, dự án có thể “về đích” thay vì giữa năm 2015 như hợp đồng đã ký” - đại diện Tập đoàn Phúc Lộc cho biết.
Hợp đồng không cấm thuê máy móc
Báo PLVN đã có cuộc làm việc với Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - nhà thầu thi công Gói thầu số 13 thuộc dự án Dự án quốc lộ (QL) 1A đoạn qua Quảng Bình để làm rõ về sự xuất hiện của một số thiết bị và nhân công lạ trên công trường khiến dư luận, chủ đầu tư từng nghi vấn có dấu hiệu bán thầu. 
“Ngay sau khi ký Hợp đồng số 31/2013/HĐXD-G13, nhà thầu đã bố trí nhân lực và gần 80 đầu thiết bị, xe máy chính chủ để thi công. Về việc gần đây nhà thầu thuê thêm một máy rải base ở Quảng Bình là để đẩy nhanh tiến độ dự án chứ không phải là bán thầu. Hơn nữa, theo quy định của Hợp đồng thì đây không phải là hành vi bị cấm, và khi đưa máy vào công trường, nhà thầu đã thông báo với Tư vấn giám sát. Phúc Lộc là một nhà thầu lâu năm trong giới xây lắp, chưa có dự án nào bị chậm tiến độ và kém chất lượng. Vì vậy, Tập đoàn luôn ý thức rõ việc giữ gìn uy tín, thương hiệu của mình.” - đại diện nhà thầu này khẳng định.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PLVN, đại diện chủ đầu tư dự án - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Trần Văn Luận mới đây đã xác nhận: “Tiến độ của Gói thầu 13 có thời điểm bị chậm nên nhà thầu đã tăng cường thêm thiết bị để bù tiến độ. Vì thế, việc Phúc Lộc thuê thêm một cái “rùa” rãi base (thiết bị thi công - PV) của Công ty 494 để phục vụ dự án là không trái quy định”.
Liên quan đến trạm trộn bê tông mà chủ đầu tư từng ví như là “quả tim” của dự án, nhưng thời điểm đầu hoạt động chưa ổn định, Tập đoàn Phúc Lộc khẳng định trạm trộn này hoàn toàn tốt, chỉ có thiết bị bơm dầu FO bị lỗi kỹ thuật, nhưng sau đó nhà thầu đã nhập ngay thiết bị từ châu Âu về để thay thế và dự phòng nhằm tăng cường tính ổn định đầu ra của bê tông nhựa. 
Ngoài ra, nhà thầu cũng thực hiện nghiêm quy trình lấy mẫu để đưa vào phòng thí nghiệm phân tích nhằm chủ động điều chỉnh tỷ lệ phối trộn trước khi rải thảm mặt đường, tránh hiện tượng hằn lún vệt bánh xe khi đưa công trình vào khai thác…
Tháng 9/2014, gói thầu sẽ hoàn thành
Phản hồi về nguyên nhân gói thầu nói trên từng có thời điểm chuyển động chưa tốt, đại diện Tập đoàn Phúc Lộc cho biết thêm: “Đến ngày 11/4/2014 mới có văn bản của chủ đầu tư phê duyệt phương án và biện pháp điều tiết đảm bảo giao thông thí điểm trên tuyến. Từ ngày 15-17/4/2014, nhà thầu mới được phép tiến hành đảm bảo giao thông thử… Vì vậy, công tác chuẩn bị của nhà thầu dù khá chu đáo nhưng vẫn không có cơ sở để triển khai thi công ngoài hiện trường. Trên thực tế, đến nay nhà thầu mới chỉ thi công trên hiện trường phần thảm mặt đường được hơn 2 tháng, khối lượng thực hiện được hơn 30% theo hợp đồng… Đối với một số phần việc không vướng yếu tố đảm bảo giao thông, nhà thầu đã thi công xong 100% khối lượng (đắp lề, kè bê tông)…”. 
Tìm hiểu thêm được biết, Gói thầu 13 đoạn qua Quảng Bình chỉ tiến hành nâng cấp mặt đường chứ không mở rộng, trong khi Bộ GTVT yêu cầu vẫn phải đảm bảo giao thông thông suốt cho người và phương tiện, thế nên việc lựa chọn phương án đảm bảo giao thông cho thực sự phù hợp với bề rộng mặt đường qua khu vực này cũng là một vấn đề khá khó khăn đối với nhà thầu, chủ đầu tư và cả Bộ GTVT. Vì thế, nó đã ít nhiều tác động trực tiếp đến tiến độ thi công trên công trường.
“Theo phương án điều tiết đảm bảo giao thông đã được chủ đầu tư chấp thuận, các đoạn điều tiết của nhà thầu chỉ được phép dài tối đa 500m, nhưng tại hiện trường khi bố trí đã gặp phải các đoạn cầu cống, các hộ dân hai bên đường cản trở không cho đặt chốt trước cửa nhà dẫn đến có đoạn phải kéo dài đến 800m nên thời gian đảm bảo giao thông dài. Chưa kể trong quá trình thi công, nhà thầu sử dụng lu rung theo đúng quy định để đảm bảo chất lượng thì các hộ dân còn đứng ra cản trở. Thống kê đến thời điểm này cho thấy vẫn còn khoảng 190 hộ khiếu nại, không cho chúng tôi thi công.” - đại diện Tập đoàn Phúc Lộc cho biết.
Giải quyết những tồn tại vừa nêu, nhà thầu ngoài việc điều động Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông trực thuộc Tập đoàn vào điều hành Gói 13 ngay từ ngày đầu khởi công dự án, mới đây còn tăng cường thêm một Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn vào chốt tại Quảng Bình để chỉ huy và thúc đẩy tiến độ. 
“Chúng tôi còn lập cả đường dây nóng để Ban Chỉ huy công trường, chủ đầu tư, Tư vấn giám sát và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc có thể liên lạc và xử lý kịp thời những vướng mắc đang tồn tại và có thể phát sinh. Trên công trường, công nhân đang thi công 3 ca liên tục. Mọi việc nếu diễn ra thuận lợi, dự kiến tháng 9/2014 Gói thầu 13 sẽ hoàn thành thay vì đến giữa năm 2015 như hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.” - đại diện Tập đoàn Phúc Lộc khẳng định.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.