Luật sư nói gì về Nghị quyết “không chấp thuận cho phi công chuyển nhà khai thác”

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Ngày 6/1/2015, Vietnam Airlines ban hành Nghị quyết số 09, về việc phi công đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường trong dịp Tết dương lịch. Nghị quyết này được cho rằng có dấu hiệu trái luật, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tự do làm việc và lựa chọn việc làm của người lao động. 
Để làm rõ hơn quan điểm pháp lý về Nghị quyết này, phóng viên PLVN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink.
- Thưa luật sư, Nghị quyết của VNA kiến nghị các hãng hàng không nội địa chỉ  được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư, máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên) như vậy có phù hợp hay không?

Tôi cho rằng kiến nghị của VNA về việc chỉ cho phép các hãng hàng không nội địa được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư, máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên) là không đúng với quy định tại Điều 8, Luật Doanh nghiệp về quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó doanh nghiệp được quyền tự chủ trong kinh doanh, chủ động trong việc mở rộng quy mô ngành nghề kinh doanh miễn là phù hợp với các điều kiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và luật chuyên ngành và tuân thủ theo sự điều hành, quản lý của nhà nước phù hợp với ngành nghề, phạm vi và quy mô hoạt động của doanh nghiệp theo từng thời kỳ.

Kiến nghị này cũng trái với tinh thần Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 khi đưa ra các điều kiện mang tính cấm đoán, cản trở việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh hàng không. Không một hãng hàng không nào có thể tự đào tạo đủ phi công, tiếp viên. Các hãng hàng không phải tuyển chọn đội ngũ này từ thị trường lao động. Vấn đề là hãng nào có chính sách tốt thì sẽ thu hút được.
Nội dung kiến nghị này đồng thời còn vi phạm Nguyên tắc về hoạt động hàng không dân dụng được quy định tại Điều 5 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam về sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Vi phạm Chính sách phát triển hàng không dân dụng được luật hóa trong Luật hàng không.
Theo đó “nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng” và “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng” (Điều 6 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam).
- Vậy kiến nghị thứ hai: “Cục hàng không không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác trong thời gian chờ quy định nói trên” thì sao, thưa luật sư?
Kiến nghị này của VNA đã vi phạm nghiêm trọng quy định về quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân và của người lao động được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Bộ luật lao động năm 2012.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về lao động thì người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực và mong muốn của họ trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trường hợp xét thấy môi công việc và môi trường làm việc không còn phù hợp với mình hoặc chế độ lương thưởng đãi ngộ không tương xứng hoặc người lao động nhận thấy cần tìm hướng đi mới, vị trí mới phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh và cho tương lai của mình thì người lao động hoàn toàn có quyền quyết định việc chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động để tìm công việc mới phù hợp hơn.
Ngay cả trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì người lao động sẽ bị xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động và các quy định tương ứng của pháp luật lao động Căn cứ theo Điều 43 BLLD 2012 như không được hưởng trợ cấp lao động, bồi thường lương, tiền đào tạo - nếu có và sau khi hoàn tất các thủ tục rồi người lao động vẫn hoàn toàn có quyền tìm công việc mới hoặc làm công việc theo sự lựa chọn của mình mà người sử dụng lao động cũng không có quyền gây cản trở quyền tự do lựa chọn nơi làm việc mới và công việc mới của người lao động.
Do đó, nếu người lao động đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo thuận với người sử dụng lao động và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng cần phải tôn trọng quyết định của người lao động, tránh những hành vi cản trở sẽ dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật lao động. (Điều 35 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điểm d, Khoản 1, Điều 5 và Điều 37 của BLLD 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động).
Như vậy, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc người lao động có cam kết khác với người lao động, việc đề xuất của Hội đồng thành viên Tổng công ty hàng không Việt Nam đề xuất kiến nghị Cục hàng không Việt Nam không cấp bằng, chứng chỉ đối với phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay khi chuyển từ hãng hàng không này sang hãng hàng không khác trong nước để làm việc và vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lựa chọn việc làm và quyền làm việc và lựa chọn nơi làm việc – một quyền quan trọng của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.
Nội dung kiến  nghị  này cũng vi phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm trong  hoạt động hàng không dân dụng, thể hiện ở các hành vi: “Can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng” và “Cạnh tranh không lành mạnh...” được quy định tại Điều 12 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
- Như luật sư đã đọc thông tin trên báo chí, đang có “làn sóng” phi công và các nhân sự kỹ thuật cao của VNA muốn ra đi, “đầu quân” cho hãng khác, vì vậy VNA kiến nghị “Cục Hàng không xem xét không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động, chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không Việt Nam trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020; cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới”, ông bình luận gì về điều này?
Với những nội dung này, Nghị quyết của VNA đã vi phạm quy định về thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo luật cạnh tranh thể hiện trong việc gièm pha và gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác quy định tại Điều 43, Điều 44 của Luật cạnh tranh.
Trường hợp có sự dịch chuyển lao động từ hãng hàng không này sang hãng hàng không khác là hoàn toàn xuất phát từ quyết định mang tính cá nhân của mỗi người lao động. Nếu có sự tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp những người đang làm trong các hãng khác để quyết định việc làm việc nơi này hay nơi khác thì đó cũng là quyền riêng tư của mỗi người, không thể quy kết đó là do có hành vi dụ dỗ, lôi kéo từ các hãng hàng không khác.
 VNA chỉ có quyền phản đối, khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có đủ căn cứ cho rằng các hãng hàng không khác có chủ trương, quyết định thu hút, lôi kéo lao động từ VNA sang làm việc cho các hãng hàng không khác và các chủ trương, chính sách đó được thực hiện bởi những người đại diện có thẩm quyền của các hãng hàng không khác. Nếu không có các cơ sở để chứng minh rõ ràng như vậy thì nội dung Nghị quyết đã vi phạm nghiêm trọng quy định luật cạnh tranh bằng việc trực tiếp đưa những thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của các hãng hàng không khác.

- Xin cảm ơn luật sư!

Nghị quyết số 09 ngày 6/1/2015 của VNA do ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT ký cho biết dịp tết dương lịch 2015 vừa qua phi công đoàn bay 919 có hiện tượng “lãn công tập thể”, báo ốm tăng bất thường, số lượng phi công báo ốm và nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng với Vietnam Airlines tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Hiện tượng này làm xáo trộn lịch bay, thậm chí uy hiếp… an toàn bay. Trong khi dư luận và nhất là đội ngũ phi công còn đang xôn xao về Nghị quyết này thì ngày 7/1/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký chỉ thị số 01 về việc tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của VNA. Trong đó, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của VNA.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.