Làm gì để ngành vận tải trụ vững trong dịch bệnh Covid - 19?

Máy bay “đắp chiếu” tại sân bay.
Máy bay “đắp chiếu” tại sân bay.
(PLVN) - Kể từ 0h ngày 1/4 đến ngày 15/4/2020, phương tiện vận tải công cộng sẽ phải hạn chế, thậm chí là ngưng hoạt động để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Để các đơn vị vận tải vượt qua khó khăn khi dịch bệnh kết thúc cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.

Nhiều loại hình vận tải đối diện khó khăn

Theo thống kê sơ bộ, kể từ khi xuất hiện, dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không khoảng hơn 30.000 tỷ đồng; hàng hải giảm khoảng 15% số lượng tàu vận tải ra vào các cảng Việt Nam trong quý I/2020; đường thủy nội địa giảm 10,7% lượng hàng hóa, giảm 2% khách so với tháng 1/2020; đường bộ giảm từ 40-80% hàng hóa và hành khách so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch; đường sắt doanh thu vận tải khách giảm 84 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa giảm 6 tỷ đồng. Theo dự báo, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành vận tải sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Việc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Mặc dù việc hạn chế di chuyển và tạm ngưng hoạt động trong 15 ngày của một số loại hình phương tiện sẽ gây thiệt hại cho ngành vận tải, nhưng đó là biện pháp cần thiết. Không chỉ riêng ngành vận tải phải chịu thiệt hại, mà nhiều ngành khác cũng đang phải chấp nhận tình cảnh tương tự do dịch Covid-19 gây ra.

Chia sẻ với PV, một chủ nhà xe tuyến Hà Nội - Nghệ An nói: “Kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hằng ngày mỗi chuyến xe đi từ Hà Nội về Nghệ An chỉ có xấp xỉ chục người và chiều ngược lại có chuyến chỉ 3-4 hành khách.

Mặc dù vậy, chúng tôi giữ uy tín của công ty với khách hàng nên vẫn chạy. Nếu không có đột biến thì hầu hết các nhà xe đều lỗ chi phí cầu đường, tiền của tài xế, xăng dầu, khấu hao xe, bến bãi… Bây giờ ngưng hẳn sẽ càng thêm khó khăn, nhưng cũng đành phải cố gắng tìm cách vượt qua”.

Ngoài những thiệt hại ở loại hình vận tải đường bộ thì vận tải hàng không Việt Nam cũng đang gánh chịu những thiệt hại to lớn. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, những ngày đầu tháng 4 này cho thấy hàng chục máy bay nằm nghỉ tại sân đỗ không hoạt động.

Nhiều chuyến bay quốc tế, quốc nội bị cắt giảm khiến lượng tàu bay nằm chờ rất nhiều. Khác với tần suất hoạt động cao của những ngày trước, thỉnh thoảng trên đường băng mới có một chuyến bay cất, hạ cánh. Còn tại sân bay Nội Bài, có khoảng hơn 90 tàu bay đang nằm sân vì không có chuyến, không có lịch bay.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các hãng hàng không chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TP HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30/3/2020.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngoài 4 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc còn lác đác vài chuyến trong ngày, 18 sân bay còn lại (gồm cả Vân Đồn) coi như “đóng cửa”. Có thể nói, các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong thời kì dịch bệnh, khi người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển.

Trước những thách thức to lớn, mang tính quyết định sự tồn tại của các hãng hàng không, nhiều hãng đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá như: Tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết… để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay.

Theo thông tin từ Hãng hàng không Vietnam Airline, để đối phó với tình hình khó khăn do dừng bay, hãng này đã cho 50% người lao động ngừng việc, toàn bộ người lao động trong hãng phải giảm lương.

Cần những gói hỗ trợ thiết thực

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành này, không chỉ cần sự nỗ lực của các hãng kinh doanh vận tải mà còn phải cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước, Chính phủ và các ban ngành liên quan.

Từ cuối tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Bộ này đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay.

Tiếp đó, ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Trong đó, ngành hàng không được quan tâm đặc biệt khi Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng, hỗ trợ miễn thuế không cho các hãng hàng không... Không lâu sau đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thông báo giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả hãng bay trong thời gian 6 tháng, từ 1/3 đến hết tháng 8/2020.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành là điều hiển hiện rất rõ nhưng công tác hỗ trợ cho họ gần như mới chỉ dừng lại trên văn bản, giấy tờ kêu gọi.

“Chính sách hỗ trợ duy nhất được hiện thực hóa cho đến lúc này là chủ trương giảm 7 loại dịch vụ hàng không cho các hãng bay của ACV. Tuy vậy, nhìn kỹ lại mới thấy cả 7 loại dịch vụ này đều không phải gánh nặng lớn nhất mà các hãng hàng không đang phải gánh chịu” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích. Theo đánh giá của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, phản ứng của Bộ GTVT trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải là chậm và thụ động.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có nhiều. “Chính phủ phải có một gói hỗ trợ tổng thể nhưng lúc này chúng ta chưa hy vọng sẽ  triển khai được ngay bởi nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là kìm hãm và đẩy lùi dịch bệnh trước đã” – ông Thanh nói.

Theo chuyên gia giao thông này, giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải lúc này là tạo điều kiện để họ tiếp tục cầm cự trước dịch bệnh để làm sao tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc được hạn chế tối đa. Cần thiết bây giờ là Nhà nước có thể khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp vận tải hoặc tốt hơn cho họ vay những khoản vay không tính lãi để có thêm nguồn lực lo cho chính người lao động của họ.

Bộ GTVT: Rà soát, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng

Mới đây nhất, Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị giảm phí BOT từ 3 - 5% cho xe tải 5 tấn trở lên và xe khách từ 16 chỗ trở lên, để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng cho vận tải đường bộ.

Trả lời các hiệp hội, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt... và rà soát, có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Để giải quyết khó khăn cho vận tải hàng không, trong văn bản gần nhất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.