Kết nối camera giao thông để tăng hiệu quả phạt nguội: Vì sao khó thực hiện?

Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường.
Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường.
(PLVN) - Thời gian qua đã có rất nhiều dự án giao thông đầu tư lắp đặt hệ thống camera để quản lý, điều hành, giám sát giao thông tại các đô thị và trên các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, các dự án này mang tính chất thí điểm, đơn lẻ và vẫn chưa có kết nối tổng thể dữ liệu dùng chung và phục vụ việc xử lý “phạt nguội”. Việc để tận dụng và phát huy hiệu quả của hệ thống camera sẵn có các bộ, ngành, địa phương cần phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn chung.

Đầu tư đơn lẻ, thiếu quy chuẩn 

Hệ thống camera điều khiển giao thông và xử phạt vi phạm giao thông là hai hệ thống khác nhau. Camera dùng cho quản lý giao thông đo dòng xe, lưu lượng xe, tốc độ nên có độ quan sát rộng. Ngược lại camera xử phạt cần tầm nhìn hẹp hơn. 

Hiện nay, trên nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc vẫn tồn tại song song hai hệ thống camera này. Ví dụ, từ năm 2017, đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác hệ thống camera thông minh để giám sát giao thông trên tuyến và phối hợp xử lý vi phạm. Gần đây, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đang triển khai lắp hệ thống camera riêng, hoạt động độc lập với hệ thống camera của đường cao tốc.

Ngoài cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP HCM - Trung Lương, Hà Nội - Hải Phòng cũng đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát hiện đại. Tuy nhiên, hiện gần như vẫn chưa được kết nối dữ liệu dùng chung và phục vụ việc xử lý “phạt nguội”.

Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam cho rằng, hiện có nhiều hệ thống giám sát, quản lý điều hành giao thông, nhưng các hệ thống còn hoạt động độc lập, thiếu đồng bộ.

Các hệ thống này không được kết nối và không có khả năng điều khiển tập trung. Mỗi hệ thống chủ yếu phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành, chưa có tiêu chuẩn chung, quy chuẩn dữ liệu.

“Dù hệ thống camera dọc quốc lộ đã được nhiều địa phương đầu tư, song đến thời điểm này, việc tích hợp dữ liệu thu được từ hệ thống không thể thực hiện do hệ thống phần mềm khác nhau”, ông Dân nói.

Theo một chuyên gia giao thông nhiều kinh nghiệm tại TP HCM, hiện dữ liệu do các bộ, ngành, địa phương xây dựng chưa được kết nối liên thông để dùng chung. Các địa phương đã đầu tư hệ thống camera chỉ dùng được cho địa phương mình mà chưa có kết nối dữ liệu với các bộ, ngành hay địa phương khác, thậm chí bị “cát cứ” dữ liệu.

Đẩy nhanh kết nối tránh lãng phí

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đầu tư hệ thống camera trên toàn quốc với mục tiêu là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an.

Theo ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) khẳng định, về mặt công nghệ, kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện kết nối dữ liệu dự án đường cao tốc. “Vấn đề quan trọng là đường truyền có đáp ứng được hay không, để giám sát điều hành hình ảnh ổn định phải bằng đường truyền cáp quang. Điều này cần trung tâm điều hành giao thông thông minh theo vùng để tích hợp kết nối tất cả các tuyến đường cao tốc theo vùng và liên vùng”, ông Tú nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Võ Anh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, về mặt kỹ thuật, nếu camera cùng một chuẩn thì hoàn toàn có thể kết nối được với nhau.

Chính phủ cần yêu cầu Bộ Công an chủ trì đầu tư vào các “vùng lõm” về hệ thống camera và các vị trí trọng điểm về giao thông. Bên cạnh đó, tài nguyên dữ liệu hiện có của các bộ, ban, ngành đã được đầu tư, giờ cần có một chuẩn nhất định về mặt thông số kỹ thuật để tích hợp vào hệ thống của Bộ Công an sẽ đầu tư sau này. Đồng thời phải xây dựng được trung tâm điều hành giám sát tập trung, lưu trữ và xử lý tín hiệu từ camera ở điểm đã được lắp đặt trước đó.

“Về kỹ thuật công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện việc kết nối liên thông hệ thống trên toàn quốc. Tuy nhiên, đó là về mặt kỹ thuật, thành công kết nối được hay không còn phụ thuộc vào sự “dẫn dắt” của Bộ Công an”, ông Tâm nói.

Khi công nghệ thay thế một phần việc của CSGT như tăng cường “phạt nguội”, hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.

Nói về hiệu quả của việc lắp đặt camera “phạt nguội” trên toàn quốc, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT kỳ vọng đây sẽ là “liều thuốc” điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Sẽ quy định khoảng cách bao nhiêu km thì lắp đặt 1 camera

Được biết, để thực hiện Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, Cục CSGT đang tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện đề án này.

Một trong những phần việc quan trọng của đề án là Cục CSGT sẽ tham mưu cho Bộ, ngành, mà đặc biệt đối với Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị khi tuyến đường mới đưa vào khai thác, các hợp phần, gói thầu của cao tốc Bắc - Nam đều phải có hệ thống camera giám sát để kết nối vào hệ thống chung.

Một số tuyến đường sẽ quy định khoảng cách bao nhiêu km thì lắp đặt 1 camera. Ngoài ra, lắp đặt ở những khu vực nào có khả năng vi phạm nhiều nhất như lối ra vào tuyến cao tốc, ra vào khu dân cư. Các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông cũng sẽ được ưu tiên lắp trước. Trong phố sẽ ưu tiên lắp đặt nhiều hơn…

Lực lượng CSGT sẽ đánh giá lại hiệu quả của hệ thống camera sẵn có. Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 75 về hệ thống giám sát giao thông, nhưng để thực hiện được Đề án, tới đây tiêu chuẩn về hệ thống giám sát giao thông sẽ phải nâng lên thành tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng chung, chứ không phải riêng của lực lượng công an, nhằm đạt được hai mục tiêu: Thứ nhất là lựa chọn công nghệ sát thực tiễn, đảm bảo tiết kiệm, có tính hệ thống cao nhất; huy động được tối đa hiệu quả giám sát giao thông của các hệ thống camera sẵn có của ngành Công an, Giao thông Vận tải, camera của người dân, doanh nghiệp... hướng tới, cứ đủ tiêu chuẩn thì sẽ được kết nối chung, dùng chung.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.