Hàng loạt giáo viên dạy lái xe sử dụng văn bằng chứng chỉ rởm: Sở GTVT TP HCM nói gì?

Một cơ sở đào tạo lái xe đang cho học viên thực hành. Ảnh minh họa
Một cơ sở đào tạo lái xe đang cho học viên thực hành. Ảnh minh họa
(PLVN) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa cho biết, thời gian qua, có tình trạng một số giáo viên dạy lái xe trên địa bàn TP đã sử dụng bằng cấp chuyên môn và các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không hợp lệ (giả). 

Áp lực bổ sung đội ngũ giáo viên dạy lái xe 

Theo qui định, việc tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe do các cơ sở đào tạo lái xe (CSĐTLX) căn cứ nhu cầu của đơn vị, chủ động thực hiện. Sở GTVT là đơn vị tiếp nhận hồ sơ và danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn giáo viên do CSĐTLX tổ chức.

Sau đó, căn cứ theo các quy định liên quan để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra cấp Giấy chứng nhận giáo viên theo trình tự quy định. Các quy định hiện nay không yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức xác minh với các văn bằng chứng chỉ của giáo viên.

Tuy nhiên, tháng 8/2017, Giám đốc Sở GTVT đã ban hành Quyết định về việc tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Bên cạnh đó, để đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ học viên, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, Sở đã chủ động gửi văn bản yêu cầu xác minh đến các cơ quan, cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ (với một số trường có dấu hiệu nghi ngờ) và đã phát hiện một số trường hợp vi phạm.  

Từ tháng 3/2019, để đảm bảo chặt chẽ công tác này, Sở có văn bản gửi các CSĐTLX về việc xác minh văn bằng, chứng chỉ của học viên tham dự tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe. Theo đó, yêu cầu các CSĐTLX phải chủ động xác minh văn bằng chứng chỉ của học viên tham dự tập huấn. Kết quả xác minh gửi kèm theo hồ sơ học viên đề nghị kiểm tra cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe để Sở xét duyệt.

Như vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, Sở đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.

Sở cho rằng với vai trò là người tuyển dụng và sử dụng lao động, CSĐTLX phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe theo đúng quy định.

Thời gian qua, cụ thể trong các năm từ 2016-2018, với việc nhu cầu học lái xe tăng đột biến, số lượng các CSĐTLX lại bị hạn chế do Quy hoạch mạng lưới CSĐTLX 2016-2020 (hiện nay đã được bãi bỏ), dẫn đến việc nhiều CSĐTLX bị quá tải.

Áp lực bổ sung đội ngũ xe tập lái, giáo viên dạy thực hành lái xe để tăng lưu lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đã dẫn đến việc nhiều CSĐTLX buông lỏng công tác xác minh, rà soát với đội ngũ giáo viên của đơn vị…

Phạt hành chính, đình chỉ 2 tháng với các trường vi phạm

Theo Sở GTVT, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, phát hiện 83 giáo viên dạy lái xe (trên tổng số hơn 6.500 giáo viên) trên địa bàn TP HCM sử dụng văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm không hợp lệ.

Ngay sau đó, Sở đã thu hồi 83 Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đã cấp do đối tượng có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ để tham dự tập huấn và kiểm tra cấp Giấy chứng nhận. 

Thanh tra Sở cũng xử phạt vi phạm hành chính với 5 CSĐTLX (Trường Dạy nghề tư thục lái xe Thống Nhất, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường Dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn, Trường Dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới) vì hành vi “bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy”; đình chỉ tuyển sinh 2 tháng, yêu cầu các CSĐTLX nghiêm túc tổ chức họp kiểm điểm chấn chỉnh...

Tới đây, Sở cũng sẽ chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra các CSĐTLX trong việc thực hiện quy định liên quan nhằm chấn chỉnh toàn diện công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe. 

Trước đó, như PLVN đã phản ánh, kết luận được Tổng cục Đường bộ công bố chiều 6/3 sau hơn ba tháng xác minh đơn tố cáo, cho thấy các loại giấy tờ, chứng chỉ sư phạm giả được các “giáo viên” mua qua mạng để nộp cho CSĐTLX.

Trong đó, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) có 5 người không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát (3 cơ sở ở quận 11, Bình Tân và Phú Nhuận) có 38 người dùng chứng chỉ giả.

Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới (5 cơ sở tại các quận 5, 7, 8, Bình Tân, Tân Bình) có một người không đủ điều kiện dạy thực hành lái xe. Còn Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (4 cơ sở tại các quận Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận) có 10 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ còn phát hiện 4 trung tâm này có 60 giáo viên dạy tại TP HCM và Đồng Nai. Hiện chưa có quy định xử lý giáo viên tham gia dạy hai nơi, tuy nhiên việc này bị cho là gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.

29 giáo viên trường dạy lái xe Thống Nhất (5 cơ sở tại quận 5 và 10) cũng bị phát hiện dùng bằng, chứng chỉ mua trên mạng. Ông Nguyễn Hoàng Dân (phụ trách nhân sự của trường) đã tự ý mua 24 giấy xác nhận giả của các cơ sở đào tạo để lập hồ sơ trình lãnh đạo nhà trường ký.

Theo Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT TP HCM đã thực hiện đúng quy trình, không tạo điều kiện cho các sai phạm; tuy nhiên đã không rà soát kỹ việc cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".