Hà Nội tăng cường xử lý 'xe dù', 'bến cóc'

Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang tồn tại nhiều “kẽ hở”.
Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang tồn tại nhiều “kẽ hở”.
(PLO) - Thời gian gần đây Hà Nội đã quyết liệt áp dụng các giải pháp, biện pháp mạnh siết chặt quản lý vận tải hành khách. Tuy nhiên, tình trạng “xe dù”, “bến cóc” vẫn chưa được xử lý triệt để, hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

Đủ chiêu trò “lách luật”

Hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” không phải đến bây giờ mới được đề cập. Tuy nhiên, cứ khi nào, chỗ nào lực lượng chức năng mạnh tay thì “xe dù”, ‘bến cóc” không có đất phát triển, còn lỏng lẻo là lại hoành hành. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các nhà xe thường nghĩ ra vô số chiêu trò “lách luật”.

Chẳng hạn, lâu nay là các doanh nghiệp vận tải, lái xe khách thường thông tin móc nối với lái xe ôm, “cò mồi”... theo dõi vị trí, tuyến tuần tra của CSGT để thông báo cho các xe khách khác thay đổi lộ trình, trốn tránh kiểm tra. Các lái xe khách thường có các thủ đoạn trốn tránh như: Thuê xe ôm chở khách đến vị trí tập kết riêng gần khu vực các bến xe, qua các vị trí CSGT chốt trực, phát tờ rơi ghi số điện thoại cho hành khách liên lạc, hẹn địa điểm đưa, đón... 

Riêng với doanh nghiệp vận tải hành khách, họ thường “lách luật” bằng cách thay vì bán vé thì cấp cho hành khách phiếu thu, voucher du lịch, có đầy đủ hợp đồng và danh sách hành khách… chiêu trò này khiến việc kiểm tra, xử lý của CSGT gặp nhiều khó khăn. Cá biệt, nhiều trường hợp xe hợp đồng núp bóng để chạy theo hình thức tuyến cố định, nhưng ngụy trang, giả danh thành xe phục vụ đám tang, đám cưới, không có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách.

Việc “xe dù”, xe hợp đồng trá hình len lỏi hoạt động ở các ngõ ngách Hà Nội là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải khác. Một doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, so với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định trong bến, các xe khách trá hình thường sẽ trốn được 10% thuế VAT. Ngoài ra, họ cũng không cần đóng phí bến bãi, thuế thu nhập, bảo hiểm cho hành khách và bớt rất nhiều chi phí khác như: chi phí duy trì chất lượng phương tiện, đào tạo nâng cao tay nghề và đóng các loại bảo hiểm cho lái xe, phụ xe... 

Theo một chuyên gia giao thông, Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang tồn tại nhiều “kẽ hở”. Nhờ các “kẽ hở” này, đã tạo cơ hội cho các đơn vị tổ chức xe khách trá hình kinh doanh trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Minh chứng dễ thấy nhất là nhiều đơn vị tổ chức xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn “lách luật’ thành lập mới (hoặc liên kết) với các trung tâm du lịch hoặc công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, để chở khách đi tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi. Việc xử lý xe khách trá hình dưới dạng thức xe limousine, xe vip do đó cực kỳ khó khăn. Khi kiểm tra thì Hợp đồng vận chuyển đầy đủ, hành khách và nhà xe bất hợp tác.

Tăng cường xử lý

Thời gian qua, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, lực lượng chức năng đã vào cuộc hết sức tích cực, xử lý nghiêm và mạnh tay với “xe dù”, “bến cóc”. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội, trong quý I/2018, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 2.321 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 6 phương tiện cùng 2.278 bộ giấy tờ. Các hành vi vi phạm chủ yếu của những trường hợp này là: 1.628 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 347 trường hợp không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; 49 trường hợp chở quá số người quy định; 68 trường hợp đón, trả khách không đúng nơi quy định; 80 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...

Được biết, đơn vị này đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng cố tình trá hình xe khách chạy tuyến cố định, vi phạm hành vi “không thực hiện đúng hình thức kinh doanh trong giấy phép kinh doanh vận tải”. Bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã đề nghị Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức điều tra cơ bản thống kê các điểm “xe dù”, “bến cóc”, đặc biệt là các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở trên địa bàn quản lý để tổ chức ký cam kết, yêu cầu các văn phòng đại diện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. 

Hay mới đây, Bộ GTVT đã và đang triển khai thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình. Cụ thể, một đoàn do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn, 1 đoàn do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn và một đoàn do Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trực tiếp làm trưởng đoàn. Các đoàn thanh tra sẽ kiểm tra đột xuất ở những vị trí báo chí, người dân phản ánh về các điểm sai phạm.

Trở lại câu chuyện giải pháp để ngăn tình trạng “xe dù” “bến cóc” tái diễn, được biết, thời gian tới các đơn vị lực lượng chức năng đã đề xuất nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ để tạo căn cứ pháp lý cho lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp xe khách, đặc biệt là xe khách “trá hình”, xe hợp đồng để chạy tuyến cố định. Không ít ý kiến cho rằng, để dứt điểm vấn nạn này, bên cạnh khung hành lang pháp lý thì việc xử lý thông qua hệ thống camera giám sát hành trình là hết sức cần thiết. Nói cách khác, qua camera giám sát sẽ chủ động phát hiện các trường hợp xe khách trá hình, xe hợp đồng để chạy tuyến cố định thường xuyên dừng đón trả khách tại các văn phòng đại diện, địa điểm tập kết.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với nhiều điểm cải cách. Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo Nghị định bổ sung nhiều điều kiện mới để siết chặt điều kiện kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch. Theo đó, quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký kết một hợp đồng.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.