Hà Nội đầu tư gần 1.000 tỷ đồng làm nhà chờ xe buýt: Lợi ích đô thị hay kinh doanh?

Nhiều nhà chờ xe buýt tại Hà Nội đã có chỗ ngồi, mái che
Nhiều nhà chờ xe buýt tại Hà Nội đã có chỗ ngồi, mái che
(PLVN) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có tờ trình lên UBND TP Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận, huyện nội thành. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Muốn xây nhà chờ đạt chuẩn châu Âu

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho rằng, hiện trong khu vực nội thành có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt nhưng chỉ 365 nhà chờ có mái che, với nhiều nhà đầu tư tham dự xây dựng khiến các nhà chờ thiếu sự đồng bộ về thiết kế. Việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.

Mục tiêu của dự án (DA) là xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đồng thời, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.

Theo Sở GTVT Hà Nội, DA được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện DA sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư các hạng mục công trình. Sau đó kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn, thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm với tổng chi phí đầu tư là 999,8 tỷ đồng. DA sẽ xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt; lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Dự kiến thời gian xây dựng ban đầu của DA là 7 năm và thời gian hoạt động là 20 năm.

Cần cân nhắc thận trọng

Thực tế cho thấy, lượng khách sử dụng xe buýt tại Hà Nội không những không tăng như kỳ vọng mà có xu hướng giảm khi các phương tiện cá nhân, xe công nghệ được đa số người dân lựa chọn. Trong khi đó, hệ thống đường sắt trên cao cũng đang được Hà Nội triển khai, một số DA sắp được đưa vào sử dụng. Như vậy có thể dự đoán, trong tương lai, lượng khách đi xe buýt có thể còn ít hơn so với hiện nay.

Theo khảo sát của phóng viên PLVN, tại nhiều trục đường chính của Hà Nội, điểm đỗ xe buýt đã có nhà chờ. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, hầu như hành khách vẫn phải đứng chờ vì không đủ chỗ ngồi. Câu hỏi đặt ra, liệu DA có xây mỗi nhà chờ diện tích bao nhiêu, có đủ rộng để tất cả hành khách chờ có đủ chỗ ngồi?

Theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội, DA sẽ xây dựng 600 nhà chờ, trong khi thống kê cho thấy hiện nay xe buýt ở nội thành Hà Nội có tới 1.078 điểm dừng đón trả khách. Trong khi đó, DA sẽ lắp đặt tới 1.200 biển thông tin quảng cáo tại các dải phân cách. Do đó một vấn đề nữa đặt ra, DA thực sự muốn làm nhà chờ cho khách hay chỉ muốn tận dụng để lắp đặt biển quảng cáo để kinh doanh?

Trả lời PLVN, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, DA cần được bàn bạc, lấy ý kiến phản biện một cách nghiêm túc. “Xây dựng nhà chờ mới liệu có phải là giải pháp để làm tăng lượng hành khách đi xe buýt không? Xây để làm gì?” - bà An đặt vấn đề.

Theo bà An, việc xây dựng các nhà chờ xe buýt là cần thiết, nhưng kèm theo các nhà chờ này là hàng nghìn biển thông tin quảng cáo thì cần xem xét một cách cẩn thận trước khi triển khai. “Đặt biển quảng cáo chỗ nào cho hợp lý, không làm mất mỹ quan đô thị cần được đánh giá lại” - bà An nói và cho biết, hiện giao thông Hà Nội rất đông, nhiều nơi lộn xộn, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi đó, biển quảng cáo lại được đặt ở dải phân cách gây sự chú ý của tài xế, có thể dẫn đến tình trạng giao thông thêm lộn xộn, mất mỹ quan.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.