Giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả: “Lỗ hổng” trong đào tạo

Hình minh họa.
Hình minh họa.
(PLVN) - Việc cơ quan chức năng vừa qua phát hiện hàng chục giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không hợp pháp đã để lộ những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy lái xe cũng như công tác thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay. 

Vi phạm do áp lực thiếu giáo viên dạy nghề?

Gần đây, công tác quản lý đào tạo và sát hạch lái xe ô tô đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong công tác đào tạo sát hạch lái xe ô tô lại liên tục xuất hiện. 

Điển hình gần đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiểm tra và phát hiện có 83 giáo viên trong 5 trường, cơ sở dạy lái xe tại TP HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. 

Các trường hợp vi phạm tại TP HCM bao gồm: tại Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát có 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành do sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe; Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có 1 người (trong số 7 giáo viên) sử dụng chứng chỉ giả và không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe; Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; Trường dạy lái xe Thống Nhất có 29 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả…

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Nông cũng ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đối với 12 giáo viên dạy tại 2 cơ sở đào tạo lái xe.

Trong đó, có 8 giáo viên ở Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (TX Gia Nghĩa) và 4 giáo viên của Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên (xã Đắk Wer, Đắk R’lấp).

Lý do thu hồi chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe là vì có hành vi gian dối, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT và chứng chỉ sư phạm dạy nghề không hợp pháp để hợp thức hóa hồ sơ.

Sau khi thu hồi giấy chứng nhận, Sở này đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chức năng chấm dứt ký hợp đồng giảng dạy thực hành lái xe đối với các giáo viên dùng bằng giả.

Lý giải về tình trạng nhiều giáo viên lái xe sử dụng văn bằng giả, trả lời báo chí, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, từ năm 2016 - 2018, nhu cầu học lái xe tăng đột biến, trong khi số lượng các cơ sở đào tạo lái xe lại bị hạn chế do quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe 2016 - 2020 (hiện nay đã được bãi bỏ), dẫn đến việc nhiều cơ sở đào tạo lái xe bị quá tải.

Áp lực bổ sung đội ngũ xe tập lái, giáo viên dạy thực hành lái xe để tăng lưu lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đã dẫn đến việc nhiều cơ sở đào tạo lái xe buông lỏng công tác xác minh, rà soát đối với đội ngũ giáo viên của đơn vị.

Cần chú trọng tiêu chí đạo đức 

Câu chuyện 83 giáo viên dạy lái xe tại TP HCM bị phát hiện sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để tham gia đào tạo tại các trung tâm sát hạch khiến dư luận bức xúc. Chị Thúy Hường (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu giáo viên không giỏi, không qua trường lớp đào tạo bài bản thì khó có thể truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm cho học viên.

Hậu quả là vẫn còn tình trạng nhiều người sử dụng bằng giả, học qua loa, tìm cách “chạy chọt” để vượt qua các kỳ thi sát hạch. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý cũng như nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ô tô”.

“Người đi dạy mà lại dùng bằng giả thì liệu học trò có năng lực thật, bằng thật hay không? Lái xe là một việc đòi hỏi độ chính xác và an toàn cao, vì khi tài xế điều khiển phương tiện trên đường, họ không chỉ bảo đảm tính mạng cho bản thân mà còn phải quan tâm tới rất nhiều phương tiện khác đang lưu thông cùng. Hành động này thật đáng lên án!”, một người dân tại Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ.

Còn anh Trọng Thế, tài xế taxi cho rằng: “Theo tôi, thầy dạy lái xe ngoài việc giỏi về chuyên môn thì cần có một nền tảng đạo đức để hướng dẫn và truyền dạy cho các học viên những kỹ năng, ứng xử cần thiết khi tham gia giao thông.

Người giáo viên dạy lái xe trước tiên cần tuyệt đối nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bằng cấp, chứng chỉ và đạo đức khi tham gia tuyển dụng, đào tạo. Nhất là, việc nói không với chứng chỉ, bằng cấp giả cũng là cách để thể hiện sự trung thực không chỉ với xã hội và còn là trách nhiệm, đạo đức của người làm thầy”.

Trước tình trạng hàng loạt cơ sở đào tạo lái xe dùng bằng giả để dạy học, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP HCM cũng thông tin với báo chí rằng, trong đào tạo cấp phép lái xe ngoài kinh nghiệm còn phải dạy về đạo đức trong quá trình lái xe.

“Cái đó cũng rất quan trọng, bởi người cầm lái ngoài đảm bảo quy định trật tự an toàn giao thông người dân còn phải có văn hóa giao thông, đạo đức khi lái xe. Lực lượng thầy giáo trước tiên phải tuân thủ quy định pháp luật, sau đó mới có thể đào tạo ra các học viên tuân thủ quy định và có văn hóa, đạo đức người cầm lái được” - ông Phúc cho hay.

Trả lời báo chí, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, vấn đề thâm niên, kinh nghiệm là một yếu tố cốt lõi để người giáo viên dạy thực hành truyền đạt kỹ năng lái xe cho học viên. Chính vì quan điểm đặt nặng kỹ năng dạy thực hành lái xe như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo dường như xem nhẹ đối với các tiêu chuẩn khác của người giáo viên.

Thực tế có những người thiếu một số chứng chỉ nhưng lại rất giỏi về kỹ năng lái xe, truyền đạt cho người khác. Ví dụ bằng trung cấp, cao đẳng họ đáp ứng đủ, nhưng lại thiếu bằng tin học... nên họ đi mua giấy tờ giả để đầy đủ hồ sơ mà trường yêu cầu. Như 83 giáo viên sử dụng bằng cấp giả mới phát hiện vừa qua, họ đã mua một số loại giấy tờ như trên. 

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.