Đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà Nội: 'Bỏ qua' Quy chuẩn Quốc gia để áp dụng kinh nghiệm quốc tế?

Phối cảnh Ga S9 trên phố Kim Mã của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội
Phối cảnh Ga S9 trên phố Kim Mã của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội
(PLO) - Dù Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình ngầm đô thị QCVN 08:2009/BXD đang là quy chuẩn hiện hành, nhưng Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư căn cứ các điều kiện thực tế, điều kiện khách quan, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của các nước tiên tiến về xây dựng tàu điện ngầm để áp dụng cho dự án.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia: khoảng cách 25m

Như Báo PLVN đã thông tin, thời gian qua, các hộ dân tổ 20 và tổ 22 (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã phản ánh tới Báo các nội dung liên quan tới việc xây dựng đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà Nội có ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống ven đường Kim Mã trong khu vực này. 

Cụ thể, về vị trí đặt giếng thông gió, quy định về khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm được quy định tại mục 5.8.7 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị (Phần I: Tàu điện ngầm), theo đó, “Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại và các cửa sổ của nhà và công trình không được nhỏ hơn 25m...”.

Trong Văn bản số 3051/BXD-KHCN ngày 25/11/2014 trả lời chủ đầu tư dự án  Bộ Xây dựng đã có ý kiến: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là văn bản bắt buộc phải áp dụng. Đơn vị thiết kế và các Bên tham gia cần tuân thủ hoặc có các giải pháp thích ứng đảm bảo điều kiện quy định trong Quy chuẩn”.

Sau đó, trong Văn bản số 231/BXD-KHCN ngày 13/2/2017 của Bộ Xây dựng gửi UBND TP Hà Nội có nội dung: “2. Trong trường hợp vì những lý do khách quan, không đảm bảo khoảng cách từ các giếng thông gió đến cửa sổ của nhà và công trình lân cận, chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo khai thác, vận hành công trình đáp ứng các tiêu chí môi trường và thỏa mãn yêu cầu của các quy định hiện hành.

Sự làm việc của các giếng thông gió phải đảm bảo an toàn môi trường và an toàn cộng đồng, có biện pháp phòng ngừa các tình huống xảy ra sự cố (cháy, nổ,...)...”.

Tuy nhiên, “nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật” cụ thể trong dự án này là gì lại không được nêu lên. 

Thực tiễn bất cập – có được “bỏ qua” quy định để áp dụng kinh nghiệm?

Theo lý giải của Bộ Xây dựng trong văn bản gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tại Văn bản số 426/BXD-KHCN ngày 3/8/2017, sau khi ban hành Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD, Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chuẩn này, trong đó có vướng mắc liên quan đến vị trí đặt giếng thông gió trong điều kiện thực tiễn đô thị chật hẹp của Việt Nam.

Riêng đối với Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, việc áp dụng khoảng cách tối thiểu 25m từ giếng thông gió đến cửa sổ nhà dân không khả thi, sẽ làm tăng khối lượng giải phóng mặt bằng (ước tính trên 3200m2), tăng tổng mức đầu tư của dự án và sẽ kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án. Đơn vị này cũng cho biết, dự án do tư vấn SYSTRA (Pháp) thiết kế dựa trên tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ trong đó không có quy định về khoảng cách từ cửa xả gió, hút gió đến cửa sổ nhà dân. Tài liệu do tư vấn Nhật Bản cung cấp áp dụng cho tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo cũng không có các quy định về khoảng cách từ cửa xả gió, cửa hút gió đến cửa sổ nhà dân.

Bộ Xây dựng cho biết, Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD được biên soạn trên cơ sở tham khảo tài liệu của Nga, nhưng tài liệu đó hiện đã được sửa đổi bổ sung các điều kiện kỹ thuật khi không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 25m từ giếng thông gió đến cửa sổ nhà dân và công trình công cộng trong điều kiện đô thị chật hẹp. Vì thế, để tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư căn cứ các điều kiện thực tế, điều kiện khách quan, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của các nước tiên tiến về xây dựng tàu điện ngầm để áp dụng cho dự án.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, quy chuẩn hiện hành vẫn là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tàu điện ngầm QCVN 08:2009/BXD. Bộ đang tiến hành sửa đổi hoàn thiện và sẽ ban hành quy chuẩn sửa đổi Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD trong thời gian tới.

Kinh nghiệm quốc tế có phải là cơ sở pháp lý để căn cứ hay không? Và dù để tháo gỡ bất cập, nhưng việc Bộ Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế mà không áp dụng quy chuẩn đang có giá trị pháp lý liệu có phù hợp? Đây là một trong những vấn đề chưa có giải đáp thỏa đáng của cơ quan hữu trách đang khiến các hộ dân bị ảnh hưởng bức xúc.

Dự án chưa được thẩm định phòng cháy, chữa cháy

Liên quan đến nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của các hộ dân, ngày 21/6 vừa qua, trả lời các hộ dân từ số nhà 419 đến 477 đường Kim Mã, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Điều 2.8.7 của QCVN 08:2009/BXD, khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại và các cửa sổ của nhà và công trình không được nhỏ hơn 25m… Trong điều kiện xây dựng đô thị chật hẹp, các trạm thiết bị thông gió làm việc thường xuyên ở chế độ xả được phép đặt cách phần lưu thông của đường nhỏ hơn 25m”.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, hiện tại, chủ đầu tư công trình tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chưa trình hồ sơ, bản vẽ thiết kế gửi Cục PCCC&CNCH để thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định. Đồng thời, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khẳng định, trong quá trình thẩm duyệt, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế phải tuân thủ theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đảm bảo an toàn về PCCC cho công trình ga ngầm S9 và các công trình xung quanh. 

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.