Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội: Khó về đích do vướng mặt bằng?

Đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội
Đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội
(PLVN) - Rút kinh nghiệm từ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được xây dựng tốt cả về tiến độ lẫn chất lượng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của dự án này hiện nay là vấn đề giải phóng mặt bằng.

Tiến độ tổng thể dự án đạt 60,8%

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (BQLĐSĐTHN), đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án (DA) đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội cho biết, DA này đặt mục tiêu đưa vào vận hành vào khoảng tháng 4/2021. Hiện nay tiến độ DA cơ bản đúng tiến độ nhưng nếu công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thời gian tới chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ DA.

Đến nay, đoạn trên cao 8,5km (từ Nhổn - Cầu Giấy) đã lắp đặt xong đường ray chạy tàu, lan can. Nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện nhà ga, lắp đặt thiết bị thông gió, phòng cháy, mái che. Một số ga trên cao bắt đầu làm cầu thang dẫn từ hè đường lên ga trung chuyển.

Đoạn đi ngầm (4km, từ Kim Mã - ga Hà Nội) đang thi công đào ngầm các ga, đổ bản kết cấu bê tông bản đỉnh, bản trung chuyển giữa hai tầng ga. Dự kiến đến quý IV/2020 mới đưa máy đào đường hầm từ Đức về để thi công. 

“Hết quý I/2020, tiến độ tổng thể DA đạt 60,8%, riêng tiến độ đoạn trên cao đạt 71,3%. Trong đó, hiện đã hoàn thành gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao và gói thầu công trình hạ tầng kỹ thuật Depot” - đại diện BQLĐSĐTHN cho biết.

Theo ông Minh, từ giữa quý I/2020 đến nay, việc huy động nhân sự, thiết bị DA bị chậm trễ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 20 chuyên gia tư vấn, quản lý DA ở châu Âu, Hàn Quốc chưa thể trở lại DA, khiến thiếu hụt nhân sự chuyên gia. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị, vật tư cũng bị chậm do hầu hết thiết bị được sản xuất, nhập khẩu từ châu Âu. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các gói thầu và DA. Ở trong nước, công tác huy động công nhân và cung ứng vật tư thiết bị cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Một khó khăn khác là công tác đào tạo nhân lực để khai thác, vận hành DA cũng đang bị chậm so với kế hoạch. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, dự kiến đến giữa tháng 4/2020 kết thúc thời hạn nhận hồ sơ tuyển 40 người để đào tạo lái tàu. Tuy nhiên, hết thời hạn trên vẫn chưa tuyển đủ nên phải gia hạn.

Giải phóng mặt bằng quyết định tiến độ dự án

Đặc biệt, chậm GPMB đang là vướng mắc lớn nhất của DA, nguy cơ khiến DA chậm tiến độ. Từ giữa năm 2019, Hà Nội đã giao BQLĐSĐTHN xây dựng kế hoạch gỡ vướng mắc trong GPMB. Nhưng đến nay, sau gần một năm các bên nỗ lực tháo gỡ vướng mắc nhưng công tác GPMB vẫn còn ngổn ngang, khối lượng công việc lớn, nhiều vị trí chưa có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công.

Theo đó, hiện còn 5/8 nhà ga trên cao thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy chưa thể GPMB các vị trí làm cầu thang dẫn từ hè đường lên tầng trung chuyển nhà ga. Tại ga số 4 có 19 nhà dân nằm trong chỉ giới đường đỏ và có cột điện, cáp điện hạ thế chưa được di chuyển. Ga số 5 trùng với cổng vào của Nhà hát Quân đội, vướng đường dây điện 24kV; ga số 6 vướng cổng nhà sách, hàng quán; ga số 7 vướng phần đất một tòa nhà chung cư, 16 nhà dân; ga số 8 vướng cột điện, đường điện, cây xanh.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư DA, đến nay phần mặt bằng nhà dân cần giải phóng chưa được kiểm đếm. “Năm 2006, khi TP Hà Nội thực hiện DA mở rộng QL32, đường Xuân Thủy đã tổ chức GPMB. Mặt bằng được giải phóng cho DA trên cũng là mặt bằng của DA đường sắt Nhổn - ga Hà Nội để tránh phải GPMB hai lần. Tuy vậy, từ đó đến nay, công trình nhà dân liên tục lấn chiếm. Khi đơn vị đề nghị GPMB, quận, phường nói không lưu hồ sơ về mặt bằng” - đại diện BQLĐSĐTHN cho biết.

Nói thêm về nội dung này, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, khi thực hiện DA đường QL32 trước đây đã cắm mốc chỉ giới GPMB, nhưng chưa giải phóng hết theo chỉ giới nên vẫn có trường hợp đất có sổ đỏ của nhà dân nằm trong chỉ giới. Khi cấp phép xây dựng, đất nằm trong chỉ giới mà có sổ đỏ vẫn phải cấp. Hiện nay, để GPMB làm ga phải cắm mốc, sau đó xác định trường hợp công trình nào lấn vào đất công thì tháo dỡ, còn trường hợp người dân có sổ đỏ vẫn phải đền bù.

DA đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. DA khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, theo quyết định của TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đoạn tuyến trên cao dài 8,5km từ Nhổn - Cầu Giấy sẽ được đưa vào khai thác, vận hành vào tháng 4/2021; khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Tin cùng chuyên mục

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong

Khoảng 18 giờ 45 phút, ngày 19/4 trên đường Bạch Đằng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, xe ô tô biển kiểm soát 34A - 673.01 hiệu Mazda CX5 đã lao xuống sông Sặt, khu vực trước cổng Tỉnh ủy Hải Dương khiến lái xe Nguyễn Ngọc Hạnh, sinh năm 1967 (sống ở phố Nguyễn Tuân, đăng ký thường trú tại phố Trương Mỹ, phường Trần Phú, thành phố Hải Dương) tử vong.

Đọc thêm

Dồn sức thông xe hai dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/4

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Nhà thầu dự án cung cấp)
(PLVN) - Không chỉ thi công 3 ca, 4 kíp suốt ngày đêm, nhiều nhà thầu còn sẵn sàng tăng cường máy móc, nhân lực sang hỗ trợ nhà thầu khác đang gặp khó để nỗ lực đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào hoạt động trước dịp 30/4.

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...