Đà Nẵng muốn đổi đất để di dời ga đường sắt khỏi nội thành

Ga Đà Nẵng nằm trong nội đô thành phố
Ga Đà Nẵng nằm trong nội đô thành phố
(PLVN) - UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa có báo cáo trình Thường trực Thành ủy về chủ trương thực hiện dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư tạm tính cho cả dự án khoảng 12.636 tỷ đồng. 

Đây là dự án sau nhiều năm lên kế hoạch vẫn không được triển khai do khó khăn về nguồn vốn, gây nhiều bức xúc trong dư luận và phát sinh các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, trật tự đô thị…

Dự án “treo” vì  vướng vốn!

Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo 363/TB-VPCP ngày 4/11/2016 có nội dung: “Đồng ý triển khai Dự án theo hình thức PPP; ga đường sắt mới phải đảm bảo đáp ứng Quy hoạch phát triển thành phố lâu dài, nhà ga văn minh, hiện đại…”.   

Dự án được xem trọng điểm, động lực theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trước đây là Nghị quyết 33/NQ-TW - khóa IX). Đồng thời thuộc danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại Nghị quyết số 164/NQ-HĐND ngày 12/7/2018.

Tuy nhiên sau nhiều năm, dự án vẫn không được triển khai do khó khăn về nguồn vốn, gây nhiều bức xúc trong dư luận và phát sinh các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, trật tự đô thị. 

Cụ thể, như PLVN đã phản ánh, quy hoạch dự án xây dựng ga Đà Nẵng mới đã được công bố từ năm 2003 tại phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Nhưng vì nhiều vướng mắc đã nêu trên, 19 tổ dân phố, hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” đã có đến 16 năm sống trong cảnh chen chúc, tạm bợ. Ông Nguyễn Nhi, Trưởng ban Công tác mặt trận khối phố chia sẻ, gia đình ông có 11 người gồm 2 vợ chồng già, 3 cặp vợ chồng, cháu ngoại, cháu nội 16 năm nay chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 100m2. Tổng diện tích đất của ông 870m2, nhưng đành để không, vì không thể tách thửa, chia cho con cái được... Có đến hơn một nửa số hộ dân giống hoàn cảnh sống như gia đình ông.

Theo người dân, nguồn điện sinh hoạt ở đây rất tốt, nhưng hệ thống đường dây xuống cấp tạm bợ, chằng chịt, khó mà tìm đường ra. Năm nào cũng xảy ra chập cháy về điện, rất may không thiệt hại về tài sản và người... Về nước sinh hoạt, cách đây 16 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, nhưng nay hơn 2.000 hộ dân, cho nên vào mùa nắng, tình trạng thiếu nước liên tục xảy ra. Đáng sợ nhất nằm ở vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gần như 19 tổ dân cư ở đây không có hệ thống cống rãnh thoát nước, nhiều hộ dân bao quanh những ao chuôm, mọc đầy thứ cây môn hoang dại. Đến mùa mưa nước ứ đọng, trộn lẫn nước thải, kể cả hầm cầu vệ sinh dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…

Trước tình hình trên, thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng thường xuyên làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng do kinh phí hạn chế nên dự kiến năm 2035 mới chuẩn bị đầu tư dự án.

Hơn 12.000 tỉ đồng đầu tư như thế nào?

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, dự án này kéo dài nhiều năm không triển khai được do phụ thuộc vào nguồn vốn Bộ GTVT. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đã có Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây chính là cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng trình phương án mới đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. So với tình hình trước đây, phương án mới này có tính khả thi hơn hẳn.

Theo thông tin sơ bộ, phương án mới này sẽ gồm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1, di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT; Tiểu dự án 2, đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Đà Nẵng.

Tiểu dự án 1 gồm 3 hợp phần chính. Hợp phần 1: Di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam ra khỏi trung tâm TP (về phía Tây) gồm: xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000mm dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Kinh phí của hợp phần này (tạm tính) 5.350 tỉ đồng.

Hợp phần 2: “Phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới” với kinh phí xây dựng (tạm tính) 830 tỉ đồng. Theo đó, sau khi nhà ga được di dời ra vị trí mới phía Tây Bắc của TP. Đà Nẵng, khu vực nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm TP. Đồng thời đầu tư các cơ sở hạ tầng đô thị xung quanh nhà ga đường sắt mới theo hướng phát triển tích hợp, định hướng giao thông nhằm cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đường cao tốc, cảng biển Liên Chiểu...; và tăng cường kết nối giao thông với trung tâm TP, đặc biệt là kết nối bằng phương thức vận tải công cộng.

Hợp phần 3: “Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng” đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 40,3km, khổ đường 1.000mm. Hai bên tuyến đường sắt này, các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo..., sau khi di dời tuyến đường sắt, sẽ tận dụng lại hành lang đường sắt cũ tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam và trung tâm đến khu vực Tây - Bắc. Kinh phí thực hiện hợp phần này (tạm tính) 2.350 tỉ đồng.

Tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng kinh phí 10.236 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%). Tiểu dự án này sẽ thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT tại Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15/8/2019). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của TP.

Tiểu dự án 2, đền bù giải tỏa và tái định cư theo quy định tại các khu vực (khu nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện trạng) để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị. Đối với Tiểu dự án 2, kinh phí (tạm tính) để thực hiện việc đền bù giải tỏa phục vụ dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị là 2.400 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%), sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng.

Như vậy, tổng mức đầu tư (tạm tính) để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo phương án mới vừa được UBND TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy 12.636 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%). 

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.