Chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền khai thác sân bay

Chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền khai thác sân bay
(PLO) - Bộ giao thông vận tải đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền nhà ga T1, sảnh E (sân bay Nội Bài), sân bay Phú Quốc... Khi đủ cơ sở pháp lý, bộ này sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền.

Thông tin được Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chia sẻ tại hội thảo“Xã hội hóa quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức ngày 8/4. 

Tại hội thảo, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không cần hơn 230.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn, việc khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội là cấp thiết.

Vừa qua, các hãng hàng không: Vietjet, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp tư nhân đã có đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay. Trong đó, Vietjet đã hai lần đề xuất Bộ trưởng Thăng chấp thuận cho hãng tham gia nhượng quyền, quản lý khai thác toàn bộ nhà ga T1 (Nội Bài). 
Vietjet cam kết nếu được giao nhượng quyền quản lý, hãng sẽ làm thay đổi toàn diện những hạng mục được giao không thua kém các nhà ga tiên tiến trong khu vực, từ diện mạo, dịch vụ khách hàng, công nghệ quản lý hiện đại tới chi phí hợp lý cho người dùng và đóng góp tốt cho ngân sách

Hiện, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 100% vốn nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 CHKSB (trong đó có 21 CHKSB đang có hoạt động khai thác) với tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt hành khách và tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách.

Cục Hàng không xác định: Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sẽ phải đảm bảo tiêu chí không được ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chống lạm dụng vị thế độc quyền; nhà khai thác không được làm thay đổi chức năng của công trình; thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông vận tải....

Các diễn giả giải đáp những băn khoăn khi chuyển nhượng quyền khai thác sân bay
 Các diễn giả giải đáp những băn khoăn khi chuyển nhượng quyền khai thác sân bay

Có ba phương thức nhượng quyền khai thác: Một là theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý. Bằng hợp đồng này, Nhà nước và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định, trước mắt không quá 50 năm. 

Hai là thông qua chuyển đổi doanh nghiệp. Theo Cục trưởng, hiện 21 cảng hàng không đang hoạt động đều là các đơn vị hoạch toán phụ thuộc của ACV - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Phương án này sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.

Ba là thông qua việc cổ phần hóa ACV. Đại diện Cục Hàng không cho hay, hiện bộ đang chỉ đạo ACV tập trung hoàn thành phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng trong tháng 4 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

“Tùy theo tỷ lệ phần vốn nhà nước Chính phủ quyết định giữ lại, phần còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân. Đây là một hình thức thông dụng để tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không và đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam đối với lĩnh vực giao thông khác”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

Về lo ngại độc quyền sau khi chuyển nhượng, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng bản chất ngành hàng không vẫn có tính chất độc quyền bởi không phải ai cũng được mang dịch vụ tới cung cấp vì liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn và "đây là ngành kinh doanh có điều kiện, dù chỉ là bát phở".

Do đó, nguy cơ có độc quyền là hiện hữu vì bản thân đã có độc quyền nên việc chuyển sự quản lý từ chủ thể này sang chủ thể khác sẽ không thể tránh được nguy cơ độc quyền.

Cũng vì đặc thù này, Thứ trưởng Tiêu cho biết Bộ GTVT rất chú trọng bàn thảo cụ thể để xây dựng cơ sở pháp lý và các vấn đề liên quan tới điều này.

Ông Lê Mạnh Hùng - TGĐ Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, đơn vị này đang làm việc với Bộ GTVT để xây dựng hình thức quy trình nhượng quyền sân bay trong đó có việc xây dựng đề án chống độc quyền khi đi vào khai thác. Theo đó, sẽ có những thiết chế quy định để nhà nước, hay tư nhân quản lý đều hạn chế độc quyền, đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. 

Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia, đảm bảo không có độc quyền, có lợi cho người tiêu dùng là mục tiêu của xã hội hoá hoạt động quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay.
 Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia, đảm bảo không có độc quyền, có lợi cho người tiêu dùng là mục tiêu của xã hội hoá hoạt động quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay.

Tại hội thảo, các chuyên gia độc lập cũng khuyến nghị việc nhượng quyền khai thác sân bay cảng biển phải công khai minh bạch. TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: vấn đề chuyển nhượng cảng hàng không sân bay phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam kiến nghị: “Xây dựng nghị định, trình tự, thủ tục mở đóng sân bay trên tinh thần cởi mở thông thoáng, khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống sân bay quốc gia bằng vốn xã hội hóa. Quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thuê quản lý, cho thuê, nhượng quyền, bán sân bay địa phương và một số hạng mục công trình phục vụ của sân bay TƯ. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách, kiểm soát hữu hiệu giá, phí độc quyền khi xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.”

Hiện nay, hành lang pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHKSB cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được Nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng.

“Hiện tại, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cơ bản nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm, trong đó có sự tham gia đóng góp của nhân dân, báo chí. Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền các cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền”, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chia sẻ.

Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây cũng khẳng định rõ: không chuyển nhượng đồng loạt và việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ tiến hành công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. 
Đối với những cảng hàng không như Phú Quốc, T1 Nội Bài đang có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sẽ tổ chức đầu thầu công khai./.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".