Bộ Giao thông quyết liệt “khai tử” thu phí đường bộ thủ công

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLVN) - Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án có 44 trạm với tổng số 620 làn.

Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC lắp đặt 27 trạm với tổng số 187 làn. Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà đầu tư BOT lắp đặt trên 430 làn vận hành thương mại. Tính đến hết tháng 5/2019 đã triển khai được 28 trạm với 115 làn, đã vận hành thương mại 27 trạm với 111 làn, đang vận hành thử nghiệm 4 làn.

Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) đang gặp khó khăn về năng lực tài chính do ngân hàng dừng cung cấp tín dụng cho dự án. Từ tháng 3/2019 đến nay, VETC không triển khai thêm được hạng mục nào.

“Quá trình đàm phán ký hợp đồng các nhà đầu tư BOT thường đưa ra lý do ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý, nhưng thực ra họ đang cố tình chây ì không triển khai. Đơn cử như nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang. Đây là hành vi cản trở thực hiện Quyết định 07. Do đó, đến ngày 5/7 nhà đầu tư nào không ký phụ lục hợp đồng, Tổng cục sẽ dừng thu phí", ông Huyện nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, đến cuối năm tất cả các trạm sẽ thực hiện thu phí không dừng nên VETC không lo lắng về nguồn thu. Vì tiến độ chung, nếu trạm nào chậm sẽ chuyển sang cho cho nhà đầu tư giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện.

Bộ trưởng yêu cầu cần có cơ chế giám sát đặc biệt đối với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC.  “Khi giám sát, nếu nhận thấy nguy cơ không đảm bảo kế hoạch, phải có giải pháp xử lý ngay, xem xét điều chuyển các trạm chậm thực hiện sang giai đoạn 2”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện còn một số đơn vị, nhà đầu tư đang còn tâm lý đối phó. Do đó, đến ngày 30/7 nếu VETC không chuyển biến có thể xem xét thanh lý hợp đồng. Tương tự cũng phải dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT cố tình không thực hiện.

"Thu phí tự động không dừng là điều kiện bắt buộc của các dự án BOT, trước đây chưa có thì nay bổ sung vào nên bắt buộc phải ký hợp đồng. Quốc hội, Thủ tướng và dư luận xã hội rất quan tâm nên không có lý do gì không thực hiện. Nếu không thực hiện có quyền dừng thu phí, lý do các nhà đầu tư đưa ra chỉ là đang cố tình không minh bạch trong thu phí", Thứ trưởng Thọ nói.

Liên quan đến các dự án cao tốc, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Giao thông vận tải sẽ không kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thu phí thủ công. VEC, VIDIFI phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 07. “Các đơn vị này cũng cần đưa vào diện giám sát đặc biệt, cho lộ trình thực hiện. Nếu không thực hiện sẽ dừng thu phí, hậu quả nhà đầu tư phải chịu”, Bộ trưởng chỉ đạo. 

Trong báo cáo lên Chính phủ mới đây về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng theo Quyết định 07, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện dự án thu phí không dừng đang gặp nhiều vướng mắc về lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và ngân hàng.

Cụ thể, hiện mới chỉ có khoảng 700 nghìn trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.

“Chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ”, báo cáo nêu.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".