Tuyển sinh ĐH năm 2017 thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt: Bình thường hay bất thường?

Thí sinh 29-30 điểm vẫn trượt ngành yêu thích là vô lý? (Ảnh minh họa )
Thí sinh 29-30 điểm vẫn trượt ngành yêu thích là vô lý? (Ảnh minh họa )
(PLO) - Những ngày qua, khi các trường đại học trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn. Dù đã dự đoán mức điểm năm nay sẽ cao hơn năm 2016 nhưng nhiều thí sinh (TS) thực sự “sốc” vì điểm trúng tuyển của nhiều trường đại học quá cao, đặc biệt trường top đầu, khi đạt tới 29- 30 điểm vẫn trượt NV1 trường Y, khối trường Công an…

Điểm chuẩn cao… kỉ lục 

Kỳ xét tuyển năm nay chứng kiến những kỷ lục vô tiền khoáng hậu. 30,5 điểm là điểm chuẩn để các nữ thí sinh có thể vào ngành ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh nhân dân. 30 điểm cho các nữ thí sinh vào Học viện Quân y. Trong khi đó, năm ngoái điểm chuẩn cao nhất là 29,75 điểm.  

Xếp thứ hai trong khối trường có điểm chuẩn cao là trường quân đội, với mức lên tới 30 điểm. Trong khi đó, mức điểm chuẩn cao nhất năm 2016 là 28,25 điểm. Các ngành có điểm chuẩn lên tới 30 là: thí sinh nữ miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự (tăng 1,75 điểm so với năm ngoái); thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp B00) đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y (tăng 4 điểm so với năm ngoái).

Tiếp đó, khối trường Y - Dược xếp thứ ba về điểm chuẩn cao chót vót. Năm nay, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất vào trường là 29,25 với ngành Y đa khoa (tăng 3,25 điểm so với năm 2016). Đây là điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, để tuyển thí sinh, trường công bố 4 tiêu chí phụ ưu tiên lần lượt là: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng. Khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM có điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y đa khoa là 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm) so với năm 2016.

Thứ tư là nhóm các trường kinh tế, mức điểm cũng tăng 2-3 điểm so với năm ngoái. Trường ĐH Kinh tế quốc dân có mức điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm, mức điểm cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Có ngành tăng tới 5,57 điểm so với năm 2016 (ngành Ngôn ngữ Anh, tiếng Anh nhân hệ số 2). Trường ĐH Ngoại thương cũng ghi nhận mức điểm trúng tuyển kỷ lục với ngành cao nhất là 28,25, tăng gần 2 điểm so với mức điểm cao nhất của năm 2015 và 2016. Các trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm cao nhất lên tới 28,25 điểm (ngành Công nghệ thông tin). 

Đặc biệt, điều chưa từng xảy ra với nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn năm nay cũng có điểm chuẩn cao bất ngờ. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn cao nhất là ngành Đông phương với 28,5 điểm. Tiếp đến là ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành lấy 27,75 điểm. Tương tự, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, thí sinh thi tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) phải đạt từ 27,25 điểm trở lên mới trúng tuyển vào 2 ngành là Báo chí và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Tại ĐH Luật Hà Nội điểm chuẩn thấp nhất của trường là 23,5 điểm áp cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Luật theo tổ hợp D01 (cũng ngành Luật nhưng xét theo tổ hợp C00 thì mức điểm chuẩn lên đến 27,5 điểm, tổ hợp A01 là 24,5 điểm và tổ hợp A00 là 24 điểm). Còn điểm chuẩn cao nhất là 28,75 điểm, được áp dụng cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế theo tổ hợp C00 (cũng ngành Luật Kinh tế nhưng xét tuyển theo tổ hợp D01 là 25,75 điểm, tổ hợp A01 là 26,75 điểm và tổ hợp A00 là 27 điểm…

Và những bất cập cộng điểm

Phần đa ý kiến chuyên gia  cho rằng, năm nay điểm cao không phải bởi thí sinh giỏi hơn năm trước mà bởi cách ra đề và thi trắc nghiệm đã khiến điểm thí sinh tăng vọt. Điều này phần nào do cách tuyển sinh nhưng cũng phần nào cho thấy mức độ phân hóa của đề thi chưa cao. Chưa có phân định rõ ràng giữa thí sinh khá giỏi và thí sinh giỏi.

Mức điểm của thí sinh cao khiến các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để lọc bớt thí sinh. Hầu hết các trường, đặc biệt là các trường giữa và top trên đều sử dụng tiêu chí phụ. Có trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau. Trường ĐH Ngoại thương cũng phải sử dụng tới 3 tiêu chí phụ gồm: tổng điểm thực 3 môn chưa làm tròn, điểm môn Toán và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra 2 tiêu chí phụ là: tổng điểm 3 môn thi chưa tính điểm ưu tiên và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì đưa ra 2 tiêu chí phụ là tổng điểm Toán và Tiếng Anh và thứ 2 là thứ tự nguyện vọng…

Thực tế, chính sách cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh trong kì thi quốc gia và xét tuyển đại học trước nay vốn có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều thầy cô cho rằng việc cộng điểm này đang gây ra sự bất công khi những em học sinh có lực học kém hơn nhưng do được cộng ưu tiên nên trúng tuyển. Và những em học giỏi lại không có cơ hội theo ngành mình mong muốn. Trong khi các thí sinh cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm lại có những thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều nhất là 4 điểm, ít nhất cũng được cộng 0,5 điểm. Nếu không áp dụng việc cộng điểm ưu tiên, ai đỗ được chắc chắn là những thí sinh giỏi.

Và đơn cử mùa thi năm nay, thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự em đau xót khi thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội. Thí sinh này cho biết số điểm của em Toán 9,4,  Hóa 9,75,  Sinh 10 và em ở khu vực 3 không có điểm cộng thì điểm xét tuyển sẽ là 29,25 nhưng điểm chưa làm tròn là 29,15. Điểm chuẩn ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội  là 29,25 kèm theo tiêu chí phụ gồm 4 ưu tiên, trong đó ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2.

“Chính vì tiêu chí phụ này mà em đã thiếu 0,05 điểm để gục ngã trước cánh cổng thiên đường là một điều quá sức chịu đựng với em, nhất là khi em là thí sinh thi lại đại học” - thí sinh này tâm sự. Thí sinh này cho biết thêm đợt đăng ký đầu tiên, em đăng kí vào quân y hệ quân sự. Nhưng vì tình yêu, ước mơ với ĐH Y Hà Nội mà em đã cãi cha mẹ bằng được để bỏ nguyện vọng quân y hệ quân sự theo y đa khoa của ĐH Y Hà Nội.

Lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cũng thừa nhận chưa năm nào điểm chuẩn lại cao như năm nay. Nếu không dùng đến tiêu chí phụ thì trường không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Hàng năm, phần lớn những thí sinh trúng tuyển vào trường, nhất là ngành Y đa khoa đều là những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Số thí sinh thuộc khu vực 3 rất ít. Nhưng trường không thể làm khác vì đó là quy chế từ xưa đến nay của Bộ GD&ĐT.

Và nữa, ở khối trường Công an, Quân đội (hai khối trường được coi là hot nhất hiện nay), điểm trúng tuyển  có ngành lên đến 30,25/30 điểm hoặc 30,5/30 điểm. Đồng nghĩa với thí sinh đạt điểm tuyệt đối nếu ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) sẽ không có cơ hội đỗ vào những ngành này dù có đạt điểm tuyệt đối. Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Hà Nội có duy nhất hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối và đều không thuộc khu vực 3. Thế nên, để có cơ hội học những ngành tuyển tới trên 30 điểm của năm nay, những thí sinh ở khu vực 3 chỉ có một con đường là tuyển thẳng, nghĩa là em đoạt giải quốc gia hoặc giải quốc tế theo đúng môn mà trường yêu cầu…

GS.TS Phạm Tất Dong: Nên trả kì thi tốt nghiệp về địa phương

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, liên tiếp giữ vững trong nhiều năm trở lại đây cũng phần nào thấy được tâm lý thành tích của xã hội. Bởi qua nhiều lần cải cách thi cử, phương thức ra đề thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn luôn cao. Vậy, có nên tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ? Tôi nghĩ rằng nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương. Các sở có thể tự ra đề và nhà trường tổ chức cho học sinh thi tại địa phương.

Còn chuyện các trường đại học tuyển sinh thế nào là quyền của các trường. Bởi lẽ, hiện nay các trường đã được giao quyền tự chủ và các trường phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình rồi mà? Sao lại phải phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT? Tại sao phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vô cùng tốn kém mà không mang lại hiệu quả thực sự? Bộ GD&ĐT hãy để địa phương tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, đánh giá đúng năng lực của học sinh, tìm ra những bài học để năm sau dạy tốt hơn. Bộ GD&ĐT đừng gắn cuộc thi tốt nghiệp với tuyển sinh đại học, nó làm cho cuộc chạy đua trở nên cực kỳ căng thẳng. 

PGS .Văn Như Cương: Điểm cao không phải do thí sinh giỏi hơn năm trước

Những kỳ thi năm trước, thí sinh đạt 25 điểm trở lên là giỏi lắm rồi. Năm nay do đề thi không tính toán kỹ nên có quá nhiều em đạt điểm cao. Điều này khiến cho trường top trên khó khăn trong xét tuyển, mà bản thân các em dù điểm cao 28, 29, 30 điểm vẫn không đỗ đúng ngành yêu thích. Học sinh năm nay không hề giỏi hơn năm ngoái mà điểm cao là do thay đổi cách thức đề thi, cách tổ chức thi...

Vì thế, không thể ảo tưởng về “cơn mưa điểm 10” và dựa vào đó để nói giáo dục đã có tiến bộ vượt bậc. Bởi giáo dục là cả một quá trình chứ không thể ngày một, ngày hai mà chất lượng có thể tăng đột biến được. Nếu lấy điểm bài thi năm nay làm thước đo chất lượng giáo dục là sai.

Kết quả tốt nghiệp cao ngất ngưởng càng chứng tỏ không cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc rầm rộ như hiện nay. Thế nhưng, điều tôi bất ngờ là Bộ GD&ĐT lại tuyên bố năm sau sẽ vẫn tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”. Theo tôi, đã đến lúc Bộ GD&ĐT giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, đề thi có thể do Bộ cung cấp. Nếu cứ tổ chức thi như hiện nay thì các trường đại học top trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh. Các trường cần có quyền tự chủ trong tuyển sinh để chọn người xứng đáng và đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Trong khi tiêu chí “đầu ra” các trường khác nhau nhưng “đầu vào” thí sinh lại cùng làm đề giống nhau là bất hợp lý. Vì thế, Bộ nên để các trường tự tuyển sinh theo mục tiêu đào tạo, bảo đảm chất lượng “đầu vào”, đỡ gây mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?