Thi lớp 10 ở Hà Nội: “Nóng” từ phụ huynh?

Thi lớp 10 ở Hà Nội:  “Nóng” từ phụ huynh?
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ còn chưa đầy 1 tháng, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu. Không khí ôn luyện đang nóng lên từng ngày.

Phụ huynh  “ngồi trên đống lửa”

Khi Covid-19 bùng phát lại, nhiều diễn đàn giáo dục sôi sục lấy ý kiến phụ huynh về việc kiến nghị bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2021-2022 vì học sinh phải đối mặt với áp lực học hành và dịch bệnh.

Tuy nhiên, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định không bỏ môn thi thứ 4 (Lịch sử). Thí sinh vẫn làm bốn bài thi như phương án đã công bố, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Đại diện Sở cho biết luôn theo sát tình hình dịch bệnh và trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến UBND thành phố về việc điều chỉnh phương án thi để vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Chị Phương Hoàng, một phụ huynh ở quận Đống Đa nêu quan điểm: “Con tôi điểm tổng kết Sử đều trên 9. Thi thử mấy đợt cũng trên 9 điểm nhưng tôi vẫn đề nghị bỏ môn Sử. Mấy bữa nay bố mẹ còn tâm tư hơn cả con. Ngày thứ 7 mà con ngồi học từ 7h sáng, trừ lúc ăn trưa đến tối, đến giờ ăn tối con còn chưa ra khỏi bàn học để ăn cùng gia đình. Thực sự muốn khóc vì thương con quá”.

Chị Thu Hà ở quận Thanh Trì cho rằng: “Lứa học sinh sinh năm 2006 như con tôi rất áp lực và thiệt thòi. Năm nay, Hà Nội vẫn tổ chức thi vào lớp 10 với 4 môn; trong khi năm ngoái cũng dịch bệnh thì chỉ thi 3 môn. Chưa kể, năm ngoái cũng điều kiện dịch bệnh nhưng lịch thi được dời đến tận giữa tháng 7, năm nay giữa tháng 6 các con đã phải thi rồi”.

Còn chị Thu Linh (quận Thanh Xuân) có con năm nay thi vào lớp 10 chia sẻ: “Học trong điều kiện bình thường, các con ôn tập đã rất vất vả, giờ học trực tuyến thì không biết các con có nạp được nhiều kiến thức không. Có ngồi học cùng con mới thấy được nhiều vướng mắc, ảnh hưởng chất lượng học tập”... 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) cho hay, điều phụ huynh lo lắng cũng dễ hiểu. Năm ngoái, ở đợt 1, các học sinh phải nghỉ đến trường 3 tháng và đợt 2 là 3 tuần. Năm nay, đợt thứ 3 phải học trực tuyến cũng là giai đoạn cận kề kỳ thi. Tâm lý của phụ huynh là muốn con được thầy cô trực tiếp hướng dẫn học và chữa bài. Trong khi học trực tuyến thì việc này sẽ khó khăn hơn. Chưa kể, nhiều gia đình, học sinh chỉ trang bị được điện thoại cho con học trực tuyến, nên khi giáo viên yêu cầu tương tác qua việc làm bài tập sẽ khó khăn bởi quá trình đổi giao diện”.

Và những ca học “đặc biệt”

Thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Toán ở Hà Nội từng “sốc” khi nghe một học sinh lớp 9 chuyên Toán kể lịch học thêm của mình. Thầy cho biết, ngoài học ở trường, con học thêm 1 lớp Toán, 4 lớp Anh và 7 lớp Văn. Lý do của việc học nhiều lớp Văn vậy bởi con bị 1 điểm 7 kiểm tra Văn, chừng nào lên được 9 điểm, bố mẹ mới giảm cho số buổi học Văn.

Điều gây “sốc” hơn là nhiều trường hợp con học kín lịch hoặc thầy, cô giáo cũng kín ca dạy buổi tối đã chuyển sang ca học đặc biệt lúc nửa đêm, giữa trưa hoặc tờ mờ sáng như ca 3-5h sáng, 4-6h sáng, 11-1h chiều, 10-11h tối, 11-1h đêm...

Chuyện tưởng khó tin nhưng thực tế lớp học thế này diễn ra trong nhiều năm qua. Lớp học dành cho những học sinh thân quen hoặc có nhu cầu học thật sự bởi thời gian này không phải ai muốn cũng theo được. 

Để tìm một lớp ôn thi vào lớp 10 cho con không quá khó. Chỉ cần lên mạng tìm là cha mẹ có thể lựa chọn trong rất nhiều trung tâm. Nhiều nơi công khai luôn bảng giá học tính theo buổi, trình độ giáo viên giảng dạy và số lượng học sinh ở các lớp ôn luyện đại trà hoặc gia sư tại nhà.

Nếu tính theo trình độ người dạy, sinh viên sẽ có giá 150.000 đồng/buổi, sinh viên trường chuyên là 180.000 đồng/buổi, giáo viên hoặc giáo viên dạy giỏi và giáo viên trường chuyên dao động từ 200.000-300.000 đồng/buổi. Hoặc chia theo số lượng học sinh, lớp học dưới 10 học sinh thì 150.000 đồng/tháng và lớp chất lượng cao 1 học sinh sẽ có giá 500.000 đồng/buổi học với giáo viên có kinh nghiệm lâu năm. Tính sơ sơ mỗi tuần cha mẹ cũng mất ít nhất 1,5 triệu đồng cho đến cả chục triệu đồng. 

Mức giá đó cũng chỉ là những lớp học đại trà, một phụ huynh chia sẻ, con học 3 lớp Toán. Hai “lò luyện” của thầy cô có tiếng ở Hà Nội với giá 300.000 - 500.000 đồng/buổi và học tại nhà thầy giáo Toán ở quận Đống Đa có giá 1 triệu đồng cho 1 tiếng dạy “1 kèm 1”. 

Không ít phụ huynh nghe danh tiếng của một cô giáo dạy Văn, với mức học phí mỗi buổi là 500.000 đồng, tuần học 2 buổi và phải đóng trước cả 3 tháng. Thế nhưng, không phải tất cả học sinh đều thấy phù hợp với cách dạy Văn của từng thầy cô nên có em bỏ dở. Và phụ huynh ngậm ngùi mất vài chục triệu không thể rút lại được… Có thể nói, chính bởi tâm lý đổ xô đi luyện thi, tìm thầy “có tiếng” của phụ huynh đã dẫn đến tình trạng quá tải trên. 

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đề thi vào 10 những năm gần đây có tính phân loại cao. Các em học ở mức nào sẽ làm được bài ở mức đó: kém, trung bình, khá, giỏi… Đặc biệt ở môn Văn, với cách đếm ý chấm điểm đến từng 0,25 thì một bài Văn các em thuộc bài đã có thể đạt điểm khá giỏi dễ dàng. Không nhất thiết phải học quá nhiều, luyện quá nhiều thầy cô cấp tập như vậy. Các em sẽ không có thời gian để tự học, trau dồi kiến thức theo chiều hướng tích cực. Do đó, việc tập làm đề trắc nghiệm với cách nhớ “vẹt” sẽ khiến việc học phản tác dụng. Và thực tế, chỉ cần học sinh học đầy đủ kiến thức trên lớp, tập trung ôn thi với cô giáo ở trường cũng có thể đạt điểm cao.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.