Thi học sinh giỏi Quốc gia: Bộ GD-ĐT nói về giải pháp chống tiêu cực

Đề thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019 bị các chuyên gia toán học cho là  quá khó, làm nản lòng những người có năng lực. Ảnh minh họa
Đề thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019 bị các chuyên gia toán học cho là quá khó, làm nản lòng những người có năng lực. Ảnh minh họa
(PLVN) - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT (HSGQG) năm 2019 diễn ra từ ngày 13 đến 15/1 với hơn 4.500 thí sinh tham dự. Mặc dù Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD- ÐT) khẳng định, quá trình tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao, nhưng sau khi kết thúc, dư luận xã hội có những hoài nghi. Khi mà ngay trước khi kỳ thi diễn ra, Thanh tra Bộ GD -ÐT đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm của kỳ thi những năm gần đây 2015, 2016, 2017)...

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Theo kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người, Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), năm 2016 có 7 người... là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn nhưng cũng tham gia ôn luyện học sinh giỏi.

Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi học sinh giỏi quốc gia lại khá ít như môn ngữ văn ( 2 đề), tin học (3 đề), Tiếng Pháp (4 đề)...

Như vậy, với việc số lượng đề đề xuất ít, trong khi người liên quan ra đề lại đi tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển một số tỉnh, thành phố rất dễ đến việc lộ bí mật, thiếu khách quan trong kỳ thi. Đồng thời, Thanh tra Bộ GD-ÐT chỉ rõ, danh sách người ra đề đề xuất không bảo đảm thể thức văn bản “tối mật” theo quy định. Danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành.

Người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật... Cục Quản lý chất lượng cũng bị chỉ ra có hàng loạt thiếu sót, sai phạm trong tham mưu, ban hành văn bản.

Trong đó, năm 2017, Cục đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GD-ÐT ban hành quyết định thành lập Hội đồng ra đề và Hội đồng chấm thi chung một quyết định, điều này là không đúng quy chế thi HSGQG. Ngoài ra, thành phần chấm thi cũng không đúng theo quy chế, có giám khảo chấm thi đồng thời lại tham gia chấm phúc khảo. Như vậy, các thầy vừa ra đề, vừa luyện thi, vừa chấm thi, vừa chấm phúc khảo…

Thêm nữa,  kế hoạch chấm thi HSGQG các năm 2015, 2016 không có số, không có ngày, tháng ban hành, chưa được Bộ trưởng GD-ÐT phê duyệt. Cục trưởng Quản lý chất lượng ký quy định chấm thi ngày 16-1-2017 với chức danh Chủ tịch hội đồng chấm thi không đúng thẩm quyền...

Nhiều bài thi được nâng điểm

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra hàng loạt sai sót khác như giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi HSGQG năm 2017 cho thấy nhiều bài thi được nâng điểm.

Quá trình chấm thi, trong “phiếu thống nhất” không có điểm của giám khảo 1 và giám khảo 2 nhưng lại có điểm thống nhất của hai giám khảo. Điểm trên phiếu thống nhất không giống như điểm được nhập vào máy tính. Quá trình chấm phúc khảo cũng không minh bạch, có sai phạm.

Qua kiểm tra xác suất 4 bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (2 bài môn Hóa học, 2 bài môn Sinh học) cho thấy không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định; biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi.

Đơn cử như bài thi của một thí sinh tỉnh Thanh Hóa từ không có giải, sau khi phúc khảo được tăng điểm và đoạt giải ba (từ 11,5 điểm tăng lên 12,5 điểm). Trong biên bản chấm phúc khảo, việc tăng điểm được lý giải do cộng nhầm điểm nhưng khi kiểm tra thì không phải cộng nhầm mà do giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm thành phần vào bài thi bằng mực tím.

Tương tự, một bài thi khác của thí sinh tại Hà Nội (từ 9,25 điểm tăng lên 10,5 điểm) trong biên bản chấm phúc khảo ghi do cộng nhầm điểm thành phần trước đó nhưng khi kiểm tra lại, thanh tra Bộ GDĐT cho hay là do giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm bằng mực tím và cũng có câu 6 tăng 0,5 điểm nhưng không rõ cho điểm thành phần nào của câu.

Trở lại kì thi vừa qua, ngay sau khi kết thúc các môn thi, một số ý kiến cho rằng đề thi năm 2019 không được đầu tư kỹ, không phù hợp kỳ thi... Đề thi Toán được xem là quá khó, làm nản lòng người tài…Việc cán bộ hội đồng ra đề thi đi dạy bồi dưỡng, ôn luyện cho một số địa phương tiềm ẩn khả năng lộ bí mật, gây nên sự thiếu công bằng vẫn được xì xào từ nhiều năm qua.

Hơn nữa, Hệ thống văn bản của Bộ GD - ÐT ban hành không đúng với quy chế thi HSGQG. Đơn cử, điểm b, Khoản 1, Ðiều 38 của Quy chế thi HSGQG quy định chỉ lưu trữ bài thi của thí sinh và hồ sơ của hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo trong thời hạn 12 tháng liệu có hợp lý.

Với quy định như trên thì sau thời gian 12 tháng, bài thi và một số văn bản coi, chấm, phúc khảo... sẽ được hủy thì sẽ chẳng còn gì để hậu kiểm việc coi thi, chấm thi nếu có nghi ngờ, phát hiện, tố giác sai phạm?

Giải pháp nào khắc phục?

Trước thông tin về những sai phạm trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc tổ chức thi chọn HSGQG các năm qua vẫn còn hạn chế. Tuy vậy trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSGQG được Bộ triển khai thực hiện với nhiều đổi mới, kết quả phản ánh đúng chất lượng dạy học.

Khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSGQG, dự thi Olympic khu vực và quốc tế được Bộ triển khai với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan. Dù vậy, theo Cục Quản lý chất lượng, khâu tổ chức kỳ thi vẫn còn hạn chế, như một số đơn vị mời các thầy, cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra những băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.

Nhận thấy những bất cập trên, Bộ GD-ĐT đã đổi mới việc tổ chức kỳ thi, nhất là ở các năm 2017, 2018, 2019 bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.

Hạn chế tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề thi đề xuất và tham gia hội đồng ra đề thi, chấm thi. Khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc mời chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.

Năm 2019, Bộ GD-ĐT không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi tham gia ra đề thi, mở rộng thành phần ra đề đề xuất. Khâu soạn thảo đề thi và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để bảo đảm khách quan, công bằng; các đề đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân. Các khâu coi thi, làm phách, chấm thi, nhập điểm, xét giải... đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Đơn cử như khâu chấm thi, tổ trưởng chấm thi của mỗi môn điều hành chấm bài thi phải thực hiện theo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập. Phiếu chấm cá nhân đều được gửi đến bộ phận thư ký photocopy niêm phong lưu giữ để xử lý khi có nghi vấn bất thường.

Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để bảo đảm độ chính xác, khách quan của kết quả chấm thi. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của kỳ thi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khâu soạn thảo đề và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để đảm bảo khách quan, công bằng. Các thành viên hội đồng ra đề tại khu vực cách ly biến đổi ít nhất 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Việc chấm thi các môn được thực hiện tập trung, có gắn camera giám sát 24/24. Dữ liệu được lưu 12 tháng, cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ công an và thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi.

Chỉ tính riêng ở môn Toán, cả nước có khoảng 70 lớp chuyên với khoảng hơn 2.000 học sinh mỗi năm nhưng tất cả các khoa toán tại các trường đại học lớn trong nước đều thiếu sinh viên. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nhà trường cũng như các em đi thi vì thành tích, sự thực dụng nhiều hơn là bởi đam mê môn học.
Và thực tế, chúng ta nhiều năm qua luôn đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế, nhưng phần lớn các em đều du học và gần như không theo học những ngành khoa học cơ bản. Hay nói đúng hơn, các em chỉ được luyện “gà nòi” cho các kì thi, các bảng vàng thành tích và không có môi trường tiếp theo cho những đam mê…

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.