Nhân chứng kể phút cây đổ đè 13 học sinh, 1 em tử vong ở TP HCM

(PLVN) - Lâm Gia Minh (lớp 6/8) kể, lúc đó đang cùng cậu bạn ngồi ăn sáng gần cây phượng thì nghe tiếng "rắc, rắc". Chưa kịp hiểu chuyện gì thì cây đổ ập về phía mình, đè trúng nhiều bạn xung quanh... 

Cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc, đè 13 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, sáng 26/5. 

Cây phượng hơn 50 tuổi đổ, đè các học sinh sáng nay. Ảnh: Trần Hồng Vũ.

Cây phượng đổ, đè các học sinh sáng nay. Ảnh: Trần Hồng Vũ.

Trường THCS Bạch Đằng nằm trong hẻm 386 Lê Văn Sỹ. 6h20, sân trường khá đông học sinh. Cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân to hai người ôm, phía bên phải sân trường bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh.

Ông Trần Hồng Vũ (phụ huynh lớp 8) cho biết, vừa đưa con đến cổng trường ông nghe tiếng cây đổ "rầm, rầm", sau đó là nhiều tiếng la hét của các học sinh. Sân trường náo loạn. Có 6 học sinh (4 nam và 2 nữ) bị cây đè trực tiếp, trong đó một cậu bé bất tỉnh. 

May mắn chỉ bị thương nhẹ, Lâm Gia Minh (lớp 6/8) kể, lúc đó đang cùng cậu bạn ngồi ăn sáng gần cây phượng thì nghe tiếng "rắc, rắc". Chưa kịp hiểu chuyện gì thì cây đổ ập về phía mình, đè trúng nhiều bạn xung quanh. Minh bị cành cây đâm rách hơn 5 cm ở tay, chân, chảy nhiều máu. "Lúc đó con sợ, chỉ nhớ là các bạn la dữ lắm, thầy cô và mọi người chạy đến", Minh nói.

Ban giám hiệu cùng các thầy cô, phụ huynh nỗ lực đưa các em ra ngoài. Gần 30 phút sau 3 xe cứu thương đưa các nạn nhân đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và một số bệnh viện khác.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết 13 học sinh gặp nạn học lớp 6/8. Đến 9h, bệnh viện thông báo một em tử vong.

Cây phượng được cho là hơn 50 tuổi, phần gốc khá to, xù xì. Ảnh: Trần Hồng Vũ.

Cây phượng được cho là hơn 50 tuổi, phần gốc khá to, xù xì. Ảnh: Trần Hồng Vũ.

Cụ Hồng, sống cạnh trường từ năm 1954 cho biết, cây phượng có từ hơn 50 năm trước. Nhà trường quy định vào học lúc 6h45 nên học sinh thường có mặt đông nhất 6h15-6h30.

Hơn 20 cảnh sát và dân phòng phong tỏa hiện trường. Hàng chục phụ huynh kéo đến, hoảng loạn hỏi thông tin con mình có hay không bị nạn, song không liên lạc được với người nhà trường.

Bà Lê Thị Hiền (phụ huynh lớp 8/4) giọng run rẩy, bức xúc: "Con tôi và bạn bè của nó thế nào? Sự việc nghiêm trọng thế này, sao trường không báo cho chúng tôi".

Đến gần 11h, đại diện nhà trường thông báo cho phụ huynh về tình trạng của con mình, nhưng từ chối nói về sự cố khiến nhiều học sinh gặp nạn.

Cây phượng cổ thụ cao hơn 10 mét, khá to nhưng có rễ nông. Ảnh: Trường THCS Bạch Đằng.

Rễ cây phượng cổ thụ khá nông. Ảnh: Trường THCS Bạch Đằng.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu (Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, đơn vị tiếp nhận 6 cháu trai và 2 gái. Bốn bệnh nhân bị nhẹ sau khi được kiểm tra, chụp phim, kê toa thuốc giảm đau sẽ cho về. Trong các cháu còn lại có một học sinh bị gãy chân, một bị gãy tay, hai người chưa thấy thương tổn bên ngoài nhưng phải theo dõi thêm. "Các bé đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt", bác sĩ Thu nói.

Sài Gòn có mưa lớn chiều tối qua, tập trung ở khu vực trung tâm - nhất là quận 1, 3, 5, 10 và kéo dài hơn hai giờ. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm.

TP HCM bước vào mùa mưa từ giữa tháng 5. Cơn mưa nặng hạt vào chiều 19/5 cũng khiến một số cây ở các tuyến đường bật gốc.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?