Loạt ĐH tốp đầu giảm điểm trúng tuyển

Thí sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh tại ĐH Bách Khoa
Thí sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh tại ĐH Bách Khoa
(PLO) - Từ 19/7 đến 17h ngày 26/7, thí sinh xét tuyển ĐH 2018 được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến hoặc dùng phiếu điều chỉnh nguyện vọng từ 15/7 đến 17h ngày 28/7.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý, trong những ngày tới đây khi thay đổi nguyện vọng các em nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi gửi thứ tự nguyện vọng lên hệ thống. Nếu đã gửi rồi thì không thay đổi được nữa và hệ thống sẽ tôn trọng thứ tự nguyện vọng các em đã sắp xếp...

Đăng kí nguyện vọng sao cho “trúng”?

Trả lời băn khoăn về việc đăng kí nguyện vọng sao cho “trúng”, ThS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng. Song thí sinh cần để thứ tự các nguyện vọng theo cách xếp các ngành yêu thích lên trước.

Việc xét tuyển sẽ tự động xét từ trên xuống dưới theo thứ tự nguyện vọng. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì thí sinh sẽ phải dừng ở nguyện vọng đó, không có quyền xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính đưa ra lời khuyên: Hoặc là các bạn chọn trường và đăng kí nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường. Hoặc các bạn chọn ngành yêu thích, phù hợp và đăng kí nguyện vọng vào ngành đó của nhiều trường khác nhau.

Về băn khoăn NV 2, 3, 4 không có nhiều quyền lợi như NV 1, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa cho biết: Từ năm ngoái các trường không phân biệt NV, vấn đề là các em xếp như thế nào. Nếu các em đã trúng tuyển NV1 thì không được quyền xét tuyển các NV sau.

Điều quan trọng là ngành nào thích và đam mê nhất thì thí sinh đưa lên NV đầu tiên và hiển nhiên là phải tương quan với năng lực và điểm thi của mình. PGS Lê Thị Thu Thủy cũng đưa ra lời khuyên với thí sinh: Trước hết, thí sinh phải xác định được mình chọn ngành hay chọn trường. Và thí sinh nên chọn theo ngành yêu thích thì việc học tập mới có kết quả.

Cụ thể hơn, ông Bùi Đức Triệu cho rằng, các thí sinh và phụ huynh nên hết sức bình tĩnh, so sánh điểm của mình với điểm chuẩn các năm 2017, ngoài ra nên so với năm 2016 và 2014 vì đây là 2 năm có phổ điểm gần giống với năm nay.

Từ đó đưa ra quyết định có nên thay đổi nguyện vọng hay không. Trong đợt điều chỉnh tới đây, mỗi thí sinh chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất, nên hãy phân loại các nhóm ngành cao -trung bình -thấp dựa vào điểm của mình mà quyết định. 

Ông Bùi Đức Triệu đưa ra lời khuyên với thí sinh có nguyện vọng vào ĐH Kinh tế quốc dân: “Tùy vào từng ngành riêng biệt của Nhà trường, dự kiến, điểm xét tuyển sẽ giảm trung bình từ 1 đến 3 điểm. Vì thế, khuyến nghị chung với tất cả thí sinh và phụ huynh nên lấy điểm của mình, cộng thêm 3 điểm nữa, rồi so sánh với điểm chuẩn năm 2017 thì sẽ tính được khả năng đỗ đến đâu.

Sau đó mới cân nhắc đến chuyện thay đổi nguyện vọng sắp tới đây; tránh tình trạng điểm chưa loạn, phụ huynh và thí sinh đã loạn tâm lí trước. Ví dụ năm trước, ngành Kế toán của trường lấy 27 điểm; trong khi năm nay thí sinh được 24 điểm, vậy thì cứ mạnh dạn đăng kí, đừng dè chừng mà mất cơ hội”.

Chia sẻ về bí  quyết giúp các thí sinh đăng kí xét tuyển đậu ĐH tỉ lệ cao nhất, ông Triệu khuyên, khi đăng kí nguyện vọng, thí sinh nên chia thành 3 nhóm, theo nguyên tắc bậc thang: nhóm cao, nhóm trung bình và nhóm thấp.

Ông Triệu cũng cho biết thêm, đối với một số ngành “hot” như ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán, kiểm toán..., nhiều thí sinh đăng kí nên điểm sẽ biến động không lớn. Do đó, các thí sinh nên cẩn trọng khi đăng kí các ngành này, chú ý nhiều hơn đến các ngành bên dưới, làm sao để nâng cao tỉ lệ đỗ vào trường hơn là đỗ vào đúng ngành quá sức điểm của mình.

Đồng thời, ông Triệu lưu ý với phụ huynh và thí sinh “không nên rút hồ sơ, chỉ có chuyện thêm hồ sơ, chứ không bớt. Thêm hồ sơ xét tuyển đồng nghĩa cơ hội vào ĐH sẽ tăng lên theo, đừng vì mấy đồng phí mà bỏ rơi cơ hội.

Nhưng cũng không nên thêm quá nhiều, tối đa 10 nguyện vọng là ổn nhất. Ngoài ra, các thí sinh và quý phụ huynh lưu ý, có thể thay đổi thứ tự các nguyện vọng, không nên rút hồ sơ chỗ nọ, nhập hồ sơ chỗ kia. Điều đó gần như vô nghĩa đối với quy chế tuyển sinh hiện nay, vì Nhà trường không hạn chế số lượng nguyện vọng và không thêm bất kì tiêu chí phụ nào ngoài các tiêu chí cứng của Bộ GD&ĐT” .

Các trường tốp đầu giảm 3-4 điểm

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, năm nay nếu thí sinh có điểm bình quân các môn từ 7,5-8,5/môn thì cơ hội trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương là rất cao. Bà Thủy cho hay, với mức điểm thi của năm nay thì mức điểm 24,5 của khối D thì cơ hội vào được ĐH Ngoại thương gần như là chắc chắn.

Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển theo nhóm ngành, sau khi trúng tuyển vào nhóm ngành thí sinh sẽ được đăng ký các chuyên ngành thuộc nhóm ngành đó và trường sẽ xét theo thứ tự điểm và nguyện vọng của thí sinh để xét trúng tuyển vào các chuyên ngành. 

Với các trường, khoa thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Lê Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo cho biết: “So sánh với bức tranh điểm thi năm ngoái, năm nay những ngành top cao điểm trúng tuyển sẽ giảm từ 1 - 3 điểm.

Tuy nhiên, thực tế có thể thay đổi rộng hơn hoặc hẹp hơn tùy theo số thí sinh đăng ký vào từng ngành nhiều hay ít. Những ngành không hot, điểm trúng tuyển giảm không nhiều, chỉ 0,5 điểm, tiệm cận sàn công bố. Những trường top dưới điểm trúng tuyển sẽ không giảm nhiều so với năm trước”.

Ở tốp đầu khối trường Y, Dược, TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết dự kiến, điểm khối B sẽ thấp hơn so với các tổ hợp khác do đề thi phân loại cao hơn. Do đó, ngành bác sĩ đa khoa, điểm nhận hồ sơ cỡ 20 điểm, các ngành cử nhân là 18 điểm.

Từ căn cứ số liệu điểm thi quốc gia khối B và thay đổi chính sách điểm ưu tiên khu vực từ 0,5 điểm xuống 0,25 điểm, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Y Hà Nội dự đoán điểm trúng tuyển của một ngành thấp hơn năm ngoái từ 3 - 4 điểm. 

Ở khối quân sự, Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư kí, Ban tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng nhận định đề thi năm nay có sự phân hoá cao giữa các nhóm thí sinh, phổ điểm thấp hơn năm 2017, điểm ưu tiên có giảm 1 nửa so với năm 2017. Do đó, điểm chuẩn xét tuyển các trường quân đội năm nay sẽ giảm từ 1 đến vài điểm.

Các trường quân đội cũng sẽ công bố điểm chuẩn cùng thời điểm với các trường khác trên cả nước. Đại tá Vũ Xuân Tiến cũng đưa ra lưu ý đối với các thí sinh muốn đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển thì mới đủ điều kiện xét tuyển.

Hiện nay, có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường quân đội nhưng lại không qua sơ tuyển. Những thí sinh này sẽ không đủ điều kiện để tuyển sinh vào khối trường quân đội. Do đó, các thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng sang các khối ngành khác phù hợp.

Tuy nhiên, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng với việc công bố điểm nhận hồ sơ thì đã dự báo luôn điểm trúng tuyển của các ngành. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Công nghệ thông tin từ 25 - 26 điểm.

Nhóm ngành Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, Công nghệ thông tin có điểm chuẩn dự kiến 23 - 24. Những ngành còn lại có điểm trúng tuyển dự kiến từ 18 đến 22. Cùng với đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định cam kết giữ chuẩn đầu vào ở ngưỡng 21,5 với ngành chất lượng cao và 20 điểm với ngành đào tạo chính quy.

Ở khối kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Để đảm bảo chất lượng đầu vào, năm nay Nhà trường vẫn giữ ngưỡng xét tuyển là 18 điểm, và tăng thêm 700 chỉ tiêu, như vậy cơ hội được vào trường đã tăng lên đáng kể. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, Trường dự kiến sẽ giảm trung bình từ 1 - 3 điểm tùy vào từng ngành riêng. 

Tin cùng chuyên mục

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?