Làm sao để không đi chệch “đường ray” đạo đức?

Giáo dục đạo đức là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Giáo dục đạo đức là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
(PLVN) - Tại hội thảo “Thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo quan niệm đạo đức của học sinh, sinh viên hiện nay ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ trước đây...

Bị cuốn theo dòng thi cử

TS Phan Tùng Mậu cho biết, vấn đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh (HS) trường phổ thông nói riêng và vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HS phổ thông, cho sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ và HS các trường dạy nghề nói chung, là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành giáo dục nước ta.

Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, đột xuất và lâu dài trong nhiều năm của Đảng và Nhà nước, trong đó ngành giáo dục giữ vai trò chủ công. Nếu làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Liên hiệp hội đề nghị BCH TƯ Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV.

Từ thực tế, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ khi thành lập năm 1991 đến nay, Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho HS như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường.

Chương trình dạy học mỗi tuần 2 tiết, cả năm học 72 tiết, cả lý thuyết và thực hành với rất nhiều nội dung phong phú về đạo đức, lối sống cho HS. Thông qua chương trình giáo dục kỹ năng sống nhà trường đã giáo dục cho các em biết cách rèn các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ giáo viên và HS. Với quan điểm “gieo suy nghĩ gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Nhà trường đã chọn mô hình mới “xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chuyên trách”.

Đây là những thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục HS, được đào tạo chính thức trong các trường sư phạm, có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Giáo viên chủ nhiệm chuyên trách đóng vai trò là nhà tâm lý, nhà giáo dục, nhà quản lý, người mẹ thứ 2 của các em HS.

Nói về thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay của HS, SV, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, chuyện giáo dục đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn. 

Nguyên nhân đầu tiên đó là việc giáo dục đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích-thi cử. Mà đã tập trung vào giáo dục chạy theo thành tích - thi cử - điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, giáo dục đạo đức cho HS hiện đang diễn ra nhỏ lẻ, không được chú tâm, thậm chí còn xem nhẹ. Cũng vì chưa được chú trọng đúng mức, nên giáo dục đạo đức cho HS có hiện tượng “làm chỉ để lấy lệ”, dạy “hình thức”, không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.

Bạo lực học đường đến từ nhiều phía

Bạo lực đến từ HS, cả nam lẫn nữ. Có thể xảy ra trong trường và ngoài trường. Các em được giáo dục thường xuyên về lòng nhân ái, về nội quy trường lớp, về pháp luật..., nhưng không phải HS nào cũng tiếp thu và có nhận thức đúng đắn.

HS còn nhiễm những thói hư, tật xấu ngoài xã hội, thậm chí trong một số ít gia đình, bạo lực đến từ người thân của HS (cha, mẹ, anh, chị...). Khi con em mình “có chuyện” ở trường, gia đình đưa người đến gây áp lực, thậm chí bạo lực với HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhằm “bảo vệ” con em mình.

Về phía nhà trường, trước tiên phải xác định trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục. Thầy cô phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, về nghiệp vụ sư phạm, phải trau dồi đạo đức, phải có lòng nhân ái, có kỹ năng ứng xử thích hợp, biết kiềm chế cảm xúc...

Giáo dục HS rất quan trọng bao gồm giáo dục tôn trọng luật pháp, nội quy nhà trường; lòng nhân ái, nhường nhịn, vị tha; kiềm chế cảm xúc; tôn trọng nhân phẩm, danh dự người khác; sống có trách nhiệm với bản thân mình... làm những việc tử tế để thành người tử tế…

Ngoài ra, thầy cô cần đặt mình vào vị thế của HS, phải hiểu được tâm sinh lý của các em để có những phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp cho từng đối tượng. Phải cố gắng hòa nhập và hợp tác với HS, sao cho ngoài là thầy cô, giáo viên còn là những người bạn, để các em có thể sẻ chia những buồn vui, những vướng mắc trong cuộc sống và học tập, trong quan hệ bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội nói chung và đạo đức học đường nói riêng, ngày càng bức xúc. Chất lượng đào tạo không thực, nền giáo dục dựa vào chất lượng điểm số đã không còn thật, dẫn đến đổ vỡ niềm tin về chất lượng giáo dục…

Gian lận trong thi cử cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm niềm tin, đạo đức học đường xuống cấp. Thậm chí, nhiều Giáo sư, Tiến sỹ cũng gian lận, đạo văn khi làm luận án dẫn đến kiện tụng, tranh chấp nhưng lại đứng trên bục giảng để giảng dạy, vô tình nuôi dưỡng sự giả dối đối với thế hệ trẻ.
“Xuống cấp trong đạo đức xã hội nói chung và trong môi trường học đường nói riêng đã trở nên bức xúc, làm đổ vỡ niềm tin. Điều đó phản ánh thực trạng, gian lận thi cử đến mức báo động đỏ, nếu không chúng ta sẽ có một thế hệ mới giả dối.
Bản chất con người là hướng thiện, phải hướng cái thiện càng ngày càng nhiều hơn. Mục đích của giáo dục là đào tạo con người có tự trọng, hướng thiện, phát triển tối đa trí thông minh, nhân cách, phẩm hạnh, có tư duy độc lập và dám tin vào chân lý...”, theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đức Viên.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.