Học sinh quay lại trường học sau đợt dịch, phụ huynh vừa mừng, vừa lo

Học sinh Hà Nội trở lại trường học từ ngày 2/3. (Ảnh minh họa).
Học sinh Hà Nội trở lại trường học từ ngày 2/3. (Ảnh minh họa).
(PLVN) - Từ ngày 1/3, hầu hết học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước sẽ quay trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện chỉ còn hai địa phương là Hải Dương, Hải Phòng chưa có thông báo chính thức về việc cho học sinh trở lại trường học.

Phụ huynh “thở phào”

Sau thời gian cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã có thông báo cho học sinh trở lại trường học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên đã được thực hiện triệt để. Những địa phương, cơ sở giáo dục chưa cho học sinh, sinh viên trở lại trường học cũng tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa phù hợp và hiệu quả.

Tại Hà Nội, học sinh sẽ đi học trở lại từ ngày mùng 2/3, tâm lý chung của các bậc phụ huynh, đặc biệt phụ huynh Tiểu học đều vui mừng, phấn khởi. Chỉ có một số ít phụ huynh còn băn khoăn khi dịch bệnh còn tiềm ẩn.

Tuy nhiên, phải dừng đến trường là việc cực chẳng đã, khiến nhiều cha mẹ khá chật vật và bị động trong việc quản lý con. Khi con ở nhà tránh dịch, người lớn vẫn phải đi làm, phụ huynh phân công nhau kèm cặp và phối hợp với thầy cô để con học online. 

Thực tế, sự kèm cặp của phụ huynh ở nhà không thể bằng thầy cô dạy con ở trường. Và học online 30 phút/1 tiết với học sinh cấp 1, nhiều em vào được phòng học thì cũng đã hết giờ, không thể đảm bảo hiệu quả như học ở trường là chia sẻ của nhiều phụ huynh. Chưa kể, nhiều nơi lịch học giữ nguyên cả ngày như khi đến trường, từ 7h30 sáng đến 16h30 chiều, là cực hình với không ít phụ huynh và học sinh.

Ngay khi có thông tin chính thức Hà Nội đón học sinh đến trường trở lại, chị Hà Linh, quận Hoàn Kiếm phấn khởi chia sẻ hài hước trên trang cá nhân: “Đi học là hạnh phúc. Ngày hội phụ huynh Thủ đô đưa trẻ đến trường. Anh ơi mùa xuân đến rồi đó. Chúng ở trường luôn đến chiều về”… 

Một số phụ huynh khác thì cho rằng, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, phụ huynh nên chủ động “chung sống” với việc con học ở nhà, để dù có tình huống nào cũng không bị đảo lộn. Chị Ngọc Anh (Từ Liêm) bày tỏ sự lo ngại chưa sẵn sàng cho việc con đi học trở lại, bởi chị đã thu xếp được ổn thỏa giữa công việc và hỗ trợ con học ở nhà.

Theo chị, các con nhà chị (lớp 2 và lớp 6) học ở nhà, được chơi thoải mái hơn nên cũng khá vui vẻ, chưa muốn đến trường. Tuy nhiên, khi con đi học chị sẽ dặn con đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không la cà. Phụ huynh và thầy cô có sự phối hợp chặt chẽ trong việc phòng chống Covid 19. 

Sẵn sàng các kịch bản ứng phó Covid-19

Với tình hình đang trong tầm kiểm soát như hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi, tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, căn cứ tình hình dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại từ 1/3.

Trước đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai chương trình giáo dục kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh.

Có 28 cơ sở đào tạo (không tính các trường thuộc khối an ninh quốc phòng) đã cho sinh viên học tập trung từ ngày 22/2/2021; 31 cơ sở dự kiến cho sinh viên học tập trung ngày 1/3/2021; 59 cơ sở báo cáo tùy vào tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa phương sẽ tổ chức để sinh viên đi học tập trung sớm nhất có thể. 

Tại Hà Nội, các trường đã huy động giáo viên, nhân viên tổng vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, lau tất cả thiết bị học tập để đón học sinh. Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp cơ quan y tế địa phương và phụ huynh học sinh tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đảm bảo đầy đủ như: hệ thống nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt giáo viên, học sinh khi trở lại trường học.

Cùng với đó, tất cả học sinh đang trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế không được đến trường. Nếu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Gia đình kiểm tra thân nhiệt cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trước khi các em đến trường. Riêng học viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường phải tự đo thân nhiệt. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang từ nhà đến trường, từ trường về nhà và khi ở nơi công cộng. Hạn chế phụ huynh học sinh, người không có nhiệm vụ vào trong trường.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trước khi cho học sinh trở lại trường, các nhà trường phải thực hiện việc phun khử khuẩn trường học, sát khuẩn bàn ghế, dụng cụ dạy học, sát khuẩn ôtô đưa đón học sinh, bố trí chậu rửa, xà phòng, nước sát khuẩn.

Các trường phải phổ biến cho cha mẹ học sinh để hợp tác trong việc khai báo y tế, sàng lọc những trường hợp có liên quan tới vùng dịch hoặc người bị nhiễm bệnh, kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi đến trường, chuẩn bị bình uống nước cá nhân để học sinh không dùng chung. Khi tổ chức dạy học tại trường trở lại, các trường vẫn phải hạn chế tập trung đông người, tổ chức các hoạt động ngoài trời, khuyến cáo cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang khi đến trường.

Đối với hai nhiệm vụ quan trọng là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “từ khóa” là giữ ổn định và sẵn sàng các phương án tình huống khác nhau. Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của Bộ đang khẩn trương chuẩn bị bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT để dự kiến công bố trong tháng 3.

Bộ trưởng lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn trong bối cảnh dịch Covid-19, vì vậy, vẫn phải tính toán điều chỉnh hệ thống câu hỏi, bài thi sao cho hợp lý.

Về triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhấn mạnh tới các vấn đề cần tập trung thực hiện như: Hoàn thiện hành lang pháp lý; bổ sung các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số; ban hành cẩm nang hướng dẫn giáo viên các kỹ năng dạy học trực tuyến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với các nhà mạng, doanh nghiệp để hỗ trợ, định hướng về phần mềm, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dạy và học trực tuyến.

Đọc thêm

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025: Không gây quá tải, áp lực cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: MOET)
(PLVN) - GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT chuẩn bị trong một thời gian dài, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, ứng dụng những kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT…

Vì sao trường Cao đẳng Huế có tới 8 Hiệu phó?

Ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) trao quyết định và tặng hoa Hiệu trưởng cùng 8 Phó Hiệu trưởng
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lễ Công bố Quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế. Sau khi thành lập, trường này có tới 8 Phó Hiệu trưởng. Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế lý giải việc này ra sao?

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những điểm mới cần lưu ý

Thi chứng chỉ VSTEP tại Đại học Kinh tế - Tài chính. (Ảnh: UEF)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh một số điểm về mặt kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chọn ngành bán dẫn

Nhiều cơ hội cho việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHBK)
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự kiến năm 2024, các trường đại học sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này… Con số trên sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm. Năm 2030, số lượng nhân lực ngành bán dẫn cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuyển sinh đại học 2024: Cuộc đua đa sắc màu

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT được giữ ổn định từ năm 2022 tới nay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh. Do vậy nhiều trường công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2024…

Gia đình Việt với sinh viên nước ngoài xa nhà

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (phải) và con gái đỡ đầu là sinh viên Lào. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Học tập, sinh sống ở một đất nước xa lạ, nhưng các sinh viên Lào, Campuchia đã nhận được hơi ấm thân thương từ các gia đình cha - mẹ đỡ đầu Việt Nam. Trao đi tình yêu thương, các bậc cha mẹ người Việt cũng nhận lại nhiều tình cảm và kỉ niệm đẹp từ các con.

Tuyển sinh Đại học 2024: Nhiều ngành “khát” nhân lực

Thí sinh cần cân nhắc trước ngưỡng cửa chọn nghề tương lai. (Ảnh minh họa - Nguồn: huongnghiep.hocmai.vn)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin đầu tiên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Sắp tới, quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được chính thức ban hành để thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ tháng 4.