Hà Nội không bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10

Hình minh họa.
Hình minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù nhiều phụ huynh kiến nghị trước tình hình dịch phức tạp, học online không mấy hiệu quả nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vẫn giữ nguyên kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10.

Phụ huynh đề xuất bỏ môn thi thứ 4

Từ khi con trai lớp 9 chuyển sang học trực tuyến, chị Nguyễn Phương Nga (quận Ba Đình) luôn trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm. Chị cho biết: “Kỳ thi chuyển cấp cận kề, trong khi một ngày các con chỉ học online được 3 tiết theo chương trình của nhà trường. Học trực tuyến, giáo viên không thể sát sườn huớng dẫn từng học sinh, chất lượng buổi học so với trực tiếp trên lớp bị giảm đi rất nhiều. Những kiến thức như vậy không thể đủ để các con thi vào lớp 10, đặc biệt là môn Lịch sử".

Bỏ môn thi thứ 4 cũng là mong muốn của chị Nguyễn Thị Thuỷ (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo chị Thủy, năm học trước Hà Nội từng bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10, chất lượng thi cử và điểm chuẩn các trường vẫn không thay đổi quá nhiều. "Vậy tại sao năm nay, cũng trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, Sở GD&ĐT lại không bỏ bớt áp lực thi cử cho các con", chị Thủy băn khoăn.

Không chỉ phụ huynh, ông Nguyễn Mạnh Tùng - một giáo viên có kinh nghiệm dạy học trực tuyến - cũng nói: "Học trực tuyến không thể bằng trực tiếp được giáo viên hướng dẫn, giảng giải. Trong khi đó, chất lượng dạy học online lại không đồng đều. Việc học tập của học sinh bị ngắt quãng do dịch chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia cũng đã gây xáo trộn đến kế hoạch ôn tập. Vì thế, nếu Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 trong tình thế này là hợp lý, giảm áp lực cho học sinh".

"Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nhưng chưa tới mức phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế nếu đẩy sớm lịch thi so với lịch đã định, đồng thời bỏ môn thi thứ 4 sẽ khả thi hơn là kéo dài. Cùng với đó, có phương án cụ thể tổ chức phòng thi riêng cho các thí sinh trong diện F1, F2, F3" - một hiệu trưởng ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) trả lời Tuổi trẻ.

Chưa điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10

Trong khi đó, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, địa phương vẫn sẽ tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp 10 với 4 bài thi và đến thời điểm này chưa điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi.

Theo ông Đại, đến thời điểm này, kế hoạch tổ chức thi tuyển vào lớp 10 vẫn được giữ nguyên. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vào các trường THPT công lập không chuyên vẫn sẽ tổ chức vào ngày 10 đến 11/6 như quyết định trước đó của UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, kỳ thi sẽ gồm 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 là môn Lịch sử. Không có việc địa phương sẽ huỷ bỏ môn thi thứ 4. “Nếu những ngày tới, tình hình dịch bệnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thêm Sở GD&ĐT mới có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế”, ông Đại nói.

Theo kế hoạch, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 từ ngày 10 đến 12/6 bao gồm cả tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên và các trường chuyên.

Trong đó, ngày 10/6, buổi sáng, các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút; buổi chiều, làm bài thi môn Toán trong 120 phút.

Ngày 11/6, buổi sáng, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử (mỗi môn 60 phút). Các thí sinh chỉ dự thi vào các trường THPT công lập không chuyên kết thúc kỳ thi vào lớp 10 tại thời điểm này.

Chiều ngày 11/6, những thí sinh có nguyện vọng thi vào hệ chuyên sẽ thi các môn chuyên: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.

Sáng 12/6, các thí sinh thi các môn chuyên: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Tiếng Anh.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.