Đề án ngoại ngữ của Nghệ An: Khát vọng xây dựng nguồn nhân lực cạnh tranh quốc tế

Một trong những nhiệm vụ của Đề án là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ. (Ảnh minh họa)
Một trong những nhiệm vụ của Đề án là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An vừa họp Tổ triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của ngành giáo dục Nghệ An sau khi Đề án trên được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 7/2020.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Nghệ An vốn được xem là vùng đất học với nhiều học sinh “văn hay, chữ tốt”, nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh Nghệ An thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên xứ Nghệ sau khi tốt nghiệp chưa đáp yêu cầu của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Nhìn lại 10 năm qua, Nghệ An đã thực hiện Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020”, đến nay điều kiện và chất lượng dạy - học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế: Việc triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm ở phổ thông còn thấp cả về số trường lẫn số học sinh; chất lượng dạy và học ngoại ngữ đại trà thấp. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách, môi trường thúc đẩy dạy học ngoại ngữ còn thiếu....

Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã giao Sở GD&ĐT xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” và được phê duyệt vào tháng 7/2020.

Mục tiêu của Đề án là tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Đề án đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn Nghệ An gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông; tạo môi trường thuận lợi; ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ; Triển khai việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục theo chuẩn đầu ra của cấp, bậc học, ngành, nghề đào tạo; từng bước nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ; Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý về việc triển khai dạy và học ngoại ngữ. 

Giai đoạn 1 (2020 – 2021), Đề án tập trung củng cố, mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục. Đáng chú ý là việc ban hành các cơ chế, chính sách về xã hội hóa, hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển đổi ngũ giáo viên, chế độ ưu tiên, khuyến khích đối với học sinh, sinh viên, giáo viên; Khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên đạt chuẩn... Giai đoạn 2 (2022–2025) sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án, hằng năm có đánh giá và điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành cho biết: “Việc UBND tỉnh Nghệ An thông qua Đề án giống như làn gió mới thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ trong địa bàn, không chỉ trong môi trường giáo dục mà còn ngoài cộng đồng. Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục là giúp học sinh, người lao động Nghệ An nâng cao năng lực ngoại ngữ, có cơ hội đi du học, tìm học bổng, tìm việc làm trong môi trường quốc tế. Nhưng quá trình triển khai có thể hình dung sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân”.

Theo mục tiêu Đề án, đến năm 2025, Nghệ An sẽ có 70% cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mẫu giáo; 100% trường tiểu học có đủ điều kiện triển khai chương trình ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1 và lớp 2; 100% các trường phổ thông đủ điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm theo lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; 50% trường phổ thông đủ điều kiện để triển khai thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Đặc biệt, sẽ có ít nhất 20% học sinh cuối các cấp học đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế (A1 đối với lớp 5, A2 đối với lớp 9, B1 đối với lớp 12)...

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.