Dấu hỏi sau vụ nổ bình ga tại lớp khiến 5 học sinh bị thương

Lớp 5A2 sau khi xảy ra vụ nổ
Lớp 5A2 sau khi xảy ra vụ nổ
(PLO) - Chiều 17/5/2016, trong lúc chuẩn bị cho giờ học thực hành nấu ăn tại phòng học, 5 em học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị bỏng do bình ga mini phát nổ bất ngờ. Vụ tai nạn xảy ra khiến dư luận hoang mang, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Tiếng nổ bất ngờ

Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, kế hoạch phân phối chương trình giảng dạy phần thực hành kỹ thuật nấu ăn cho học sinh lớp 5 gồm 3 tiết, các tiết học này được giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thống nhất linh động gộp lại thành một buổi thực hành. Lớp 5A2 có lịch thực hành vào chiều 17/05/2016.

Theo kế hoạch giảng dạy, tiết đầu tiên của buổi học là kiểm tra và chuẩn bị dụng cụ nấu ăn. Khoảng 13h30 phút cùng ngày, khi chưa đến giờ học, các em học sinh cũng như đại diện hội phụ huynh lớp 5A2 đã có mặt đầy đủ tại lớp học để chuẩn bị cho buổi thực hành.

Khi đó, thầy giáo phụ trách bộ môn nhắc nhở các học sinh trong lớp giữ trật tự, ổn định vị trí để bắt đầu buổi học thì một số em trong lớp vì “quá thích thú” và “hiếu động” với tiết học thực hành đầy mới mẻ đã tự ý bật ga lên để nấu ăn.

Bất ngờ, bình ga mini trong bếp phát nổ làm cả lớp hoảng loạn. Đặc biệt, 5 em học sinh là: Doãn Sơn Tùng, Lê Nguyễn Lâm Triều, Lê Uyên Như, Trần Đức Thiện và Hồ Nguyễn Thanh Mỹ đứng gần đó bị tác động trực tiếp dẫn đến bị bỏng ở mặt, tay, bụng và chân phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Sức nổ của bình ga còn làm nắp quạt và bóng đèn trên trần nhà rơi xuống, rất may không trúng người nào. Em Tùng là người đứng gần nhất và trực tiếp bật bếp ga nên bị bỏng khá nặng. Các em còn lại bị bỏng nhẹ hơn. Tiếng nổ khá to, gây chấn động các phòng học bên cạnh.

Nhớ lại sự việc, một em học sinh lớp 5A5 trường Trần Quốc Tuấn cho biết: “Khi em đang ngồi học thì nghe tiếng nổ rất to, giật mình em cùng các bạn chạy ùa ra phía phát ra tiếng nổ xem thì thấy lớp 5A2 khói bay mù mịt, các bạn chạy trong lớp tán loạn, nhiều bạn bị bỏng”.

Cũng theo báo cáo, trước khi môn thực hành diễn ra, giáo viên đã quán triệt đến các em học sinh về phòng cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cô Lê Thị Minh Hồng (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2) chia sẻ: “Đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn”. Theo cô Hồng, chương trình giảng dạy phần thực hành kỹ thuật nấu ăn cho học sinh lớp 5 của trường đã có lịch từ trước và chưa hề gặp sự cố nào. Yêu cầu của tiết học về phần chuẩn bị đồ dùng của học sinh bao gồm: Gạo, nước, nồi cơm điện, bếp ga, rau và chén, đũa.

Tuy nhiên, theo sự nhất trí bàn bạc của giáo viên cùng hội phụ huynh, trong buổi học thực hành này lớp có chuẩn bị thêm một số thực phẩm khác như tôm, gà, dầu ăn. Trong kế hoạch giảng dạy, giáo viên cũng cẩn thận mời thêm 4 phụ huynh tới lớp để trực tiếp hỗ trợ các em thực hành.

“Đầu giờ chiều, tức tiết 1 là giờ chuẩn bị, trong lớp chỉ có giáo viên phụ trách và 2 vị phụ huynh giám sát, còn 2 vị phụ huynh khác đang đi mua thêm đồ thì xảy ra sự cố. Từ lúc xảy ra sự việc, tôi rất bối rối và lo lắng, chỉ biết cùng với giáo viên, phụ huynh học sinh đưa các em đi bệnh viện cấp cứu nên đã từ chối trả lời báo chí”, cô Hồng cho biết.

Bác sĩ Ngô Văn Tiến, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sau khi tiếp nhận 5 ca bỏng nói trên, chúng tôi đã tiến hành sơ cứu và xác định: 1 em bị bỏng nặng (tỉ lệ bỏng là 11 %) hiện nay đã được chuyển xuống bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị; 2 em có tỉ lệ bỏng từ 7% đến 10% đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk; 2 em còn lại do vết bỏng nhẹ nên sau khi sơ cứu đã được cho về nhà.

Ngôi trường xảy ra sự việc
Ngôi trường xảy ra sự việc

Nhà trường chịu trách nhiệm ra sao?

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Sau khi nhận được thông báo, chúng tôi đã cử đại diện đến thăm hỏi gia đình cũng như các em bị bỏng, đồng thời trực tiếp xuống trường làm việc, chỉ đạo nhà trường có báo cáo cụ thể giải trình sự việc, đôn đốc nhà trường thực hiện các biện pháp ổn định tâm lý học sinh và phụ huynh”.

Cũng theo bà Nguyệt, sự việc xảy ra hết sức bất ngờ, rất may không gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù vậy, ngành giáo dục địa phương cũng xác định đây cũng là một “bài học xương máu” trong công tác giảng dạy.

“Về phía quản lý, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và hướng dẫn lại công tác thực hành cho nhà trường, ví dụ cần phải có phòng thực hành riêng. Về công tác xử lý: Sau khi có bản báo cáo giải trình và kết quả sự việc phòng GD-ĐT sẽ xem xét để có biện pháp xử lý phù hợp. Nhưng về thi đua của trường cũng như hiệu trưởng trường và giáo viên chủ nhiệm sẽ không được xét”, bà Nguyệt cho hay.

Về phía các cháu đang điều trị tại bệnh viện bà Nguyệt thông tin thêm: “Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hoàn cảnh gia đình của 2 em đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh hết sức khó khăn. Sau khi xem xét, chúng tôi sẽ có chỉ đạo cùng phía nhà trường hỗ trợ tiền viện phí và các tri phí điều trị. Tùy vào mức độ khó khăn chúng tôi sẽ cân nhắc đưa ra mức hỗ trợ các em”.

Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn mặc dù là trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, ngôi trường nằm trong phường có điều kiện khó khăn nhất trong số các phường thuộc TP Buôn Ma thuột nên còn thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Thầy Trương Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn sau khi xảy ra sự việc đã rất hoang mang. Vì quá lo lắng và tập trung vào việc đưa học sinh nhập viện nên ông đã từ chối làm việc với báo chí gây nhiều thắc mắc, cũng như dẫn đến nhiều thông tin sai lệch với bản chất sự việc.

Sáng 18/05/2016, ông Chiến đã đồng ý trao đổi với phóng viên Câu chuyện Pháp luật và đính chính lại thông tin xoay quanh sự việc.

Ông Chiến cho biết: “Sau khi nhận được tin, tôi đã cùng đại diện ban giám hiệu nhà trường xuống thăm hỏi động viên gia đình. Trường hợp em Doãn Sơn Tùng bỏng nặng, phải chuyển xuống bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Khi xảy ra sự việc, có sự chứng kiến của đại diện hội phụ huynh lớp, trong đó có phụ huynh em Tùng. Kế hoạch trong giờ thực hành nấu ăn đã được bên đại diện phụ huynh và giáo viên nhất trí và tham gia, vì vậy khi xảy ra sự cố gia đình không có thắc mắc hay trách móc phía nhà trường”.

Ông Chiến nhấn mạnh đây là một giờ học theo chương trình bộ GD&ĐT chứ không phải là buổi liên hoan. “Thực sự đây là một việc ngoài ý muốn của tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh”, ông Chiến nói.

Theo một số thông tin, chúng tôi được biết, nhà trường đã tiến hành thu thêm các khoản tiền quỹ phát sinh với số tiền 120.000 đồng/1 học sinh mà không rõ mục đích vì vậy nhiều phụ huynh học sinh đã không đồng tình.

Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Giang (phó hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: “Nhà trường chỉ thu một khoản quỹ duy nhất là 50.000/1 học sinh làm quỹ lớp đầu năm. Ngoài ra chúng tôi chưa thu thêm một khoản tiền quỹ nào khác. Việc thu tiền quỹ, bao giờ nhà trường cũng thông qua tập thể phụ huynh rồi mới đi đến thống nhất”

Cháu Tùng vốn rất thích ăn gà rán. Trong giờ thực hành, cháu được sự đồng ý và hỗ trợ từ phía mẹ cho em được thực hiện món ăn này để các bạn trong lớp thưởng thức. Bản thân cháu đã từng thực hiện ở nhà nên đã biết cách làm. Nhưng vì không may và quá hiếu động nên sự cố nổ bình ga mini tại lớp 5A2 đã xảy ra, gây hoang mang dư luận.

Các em học sinh còn nhỏ tuổi, chưa xác định được mức độ nguy hiểm khi dùng các vật dụng trong gia đình. Hơn nữa với bản tính hiếu động nghịch ngợm sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sự việc vẫn đang được phía công an điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ để đi đến kết luận cuối cùng.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?