Đào tạo nhân lực trong cách mạng công nghệ 4.0: Bệnh sính bằng cấp sẽ giảm?

Ngành truyền thống sẽ hết "nóng"?
Ngành truyền thống sẽ hết "nóng"?
(PLO) - Thói quen sính bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao mới dễ được tuyển dụng có thể sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là những nhận định của các chuyên gia giáo dục…

Cử nhân thất nghiệp… đầu bảng

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố qúy III/2017, cả nước có 1.074,8 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 6,8 nghìn người so với quý II/2017 và 42,9 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,21%.

Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%. Ở nhóm trình độ cao đẳng có 84,8 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,9 nghìn người so với quý II/2017, tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm nhẹ xuống còn 4,88% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Đối với nhóm trình độ trung cấp có 95,5 nghìn người thất nghiệp, tăng 3,1 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,77%.

Lí giải về việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, lí do căn bản nhất chính là quý III là thời điểm sinh viên các trường đại học vừa mới tốt nghiệp, cùng với đó sinh viên thường mất một khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng mới tìm được việc làm. Ngoài ra, tình hình thị trường lao động cũng thay đổi thường xuyên và phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Vinh, nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng thực tế khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, doanh nghiệp thường phải mất thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng. Các kỹ năng khác như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm vẫn là những khiếm khuyết trong đào tạo mà các cơ sở cần cải thiện trong thời gian tới để sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển nguồn nhân lực, khi áp dụng các công nghệ tự động thì những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, điện tử… có nguy cơ giảm việc làm rất lớn.

Ông Vinh cũng cho rằng, lao động đã qua đào tạo ở nước ta hiện vẫn còn thấp song ngay cả đã qua đào tạo nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là những kỹ năng mềm và sáng tạo chưa được đào tạo bài bản và đầy đủ. Do đó, nếu không thay đổi trong chiến lược đào tạo để giúp bổ khuyết cho sinh viên những kỹ năng mới này thì duy trì việc làm sẽ là thách thức rất lớn.

Đồng thời, theo một số chuyên gia, công nghệ đang tạo ra nhiều thay đổi về tiêu dùng, lao động và việc làm, qua đó trực tiếp tác động đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chẳng hạn, theo cách truyền thống, nhà tuyển dụng thường dựa vào bằng cấp, bảng điểm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới hiện lại dựa nhiều vào kỹ năng tại chỗ khi phỏng vấn tuyển dụng.

Sẽ đi quá xa đào tạo… lối mòn

Đứng trước cuộc CMCN lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo hay những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu lao động, các trường ĐH không thể dự đoán được kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ quá nhanh.

PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, tiến bộ công nghệ 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, thị trường chủ yếu chỉ cần những việc đòi hỏi lao động sáng tạo ở trình độ cao. Cuộc cách mạng đã làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và các trình độ... PGS Sơn nhận định, CMCN 4.0 này đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường ĐH và những gì xã hội thực sự cần. Trước thách thức đó, các trường ĐH cần định hướng lại những ngành đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón trước bám sát yêu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường trong khu vực và trên thế giới. Bách khoa Hà Nội đã xác định những lĩnh vực đào tạo cần ưu tiên hướng tới CMCN 4.0 như: CNTT, điều khiển tự và động hóa, điện tử- viễn thông, khoa học và kỹ thuật vật liệu, năng lượng sinh học... Đây là những ngành thế mạnh của trường và trường đang tập trung để phát triển cho tốt hơn...

Còn GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, để thay đổi kịp với cuộc CMCN 4.0 hiện nay, trường chú trọng đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cố gắng đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để sinh viên có điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Ông Kim cho rằng trường học cần đẩy mạnh kênh truyền thông để sinh viên, nghiên cứu sinh chủ động nắm bắt cơ hội, lựa chọn chương trình học phù hợp vị trí đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc theo công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường ĐH sẽ đối mặt yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới trong tương lai. Ví dụ, cạnh tranh nguồn lực diễn ra không chỉ trong nước mà cả toàn cầu dẫn đến “chảy máu” chất xám. Cụ thể, nhiều sinh viên giỏi của các trường nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài không trở về.

Thực tế đòi hỏi ngành Giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng với đặc thù của cuộc CMCN 4.0, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh. Hầu hết các thiết bị trong thời đại CMCN 4.0 đều là thiết bị đa ngành, đơn cử như chiếc điện thoại thông minh đã kết hợp rất nhiều chức năng chứ không chỉ là công cụ để nghe, nói. Để làm ra sản phẩm này cần phải có sự phối hợp rất nhiều ngành nghề.

Và theo PGS Hoàng Minh Sơn, để không bị tụt hậu thì bản thân các trường phải định hướng rõ để đào tạo, mỗi trường phải xác định sứ mệnh của mình, đào tạo các ngành lĩnh vực rao sao? Chúng ta phải xác định vai trò của trường ĐH sẽ thay đổi sao để phù hợp với xu thế? Nếu các trường trong nước không thay đổi kịp thì sinh viên sẽ đi học ở các nước khác, đó là thách thức đối với các trường...Vai trò trường ĐH là tạo môi trường để sinh viên có thể học qua trải nghiệm, qua nghiên cứu, sáng tạo và người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà quan trọng hơn là hướng dẫn hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực bản thân, hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo, định hướng dẫn dắt người học... Các trường ĐH phải khai thác được thế mạnh, ưu điểm của những công cụ lĩnh vực số, chuyển hóa số để làm sao quá trình dạy và học hiệu quả hơn và hiệu quả đó dẫn đến chất lượng giáo dục nâng cao.

Thầy Đỗ Văn Dũng cũng cho biết thêm, do đặc thù của thời đại, giảng viên lên lớp không còn chiếu bài giảng vì gần như tất cả kiến thức sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Với CMCN 4.0, sinh viên phải tự học là chính. Vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế. Việc này đòi hỏi giảng viên phải tăng cường ra thực tế để có dự án hướng dẫn sinh viên.  

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM  nhận định: Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các trường về chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng không gian học tập.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là các trường đại học nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình ĐH mới - ĐH doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”… 

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.