Cứu trường tư khỏi nguy cơ đóng cửa: Bộ GD-ĐT có giải pháp gì?

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang đối mặt với rất nhiều khó khăn (ảnh minh họa).
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang đối mặt với rất nhiều khó khăn (ảnh minh họa).
(PLVN) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống đội ngũ nhà giáo trường ngoài công lập. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sớm được ban hành, áp dụng, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Trao đổi với truyền thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, con số thiệt hại mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang phải gánh là 450- 500 tỷ đồng/ tháng.

Cụ thể, theo ước tính của ngành Giáo dục, riêng chi phí lương cho 103.863 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng sư phạm, đại học cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, còn các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thực tế, có không ít cơ sở giáo dục tư thục đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để cùng các cơ sở giáo dục khắc phục một phần khó khăn này?

- Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, ngày 18/3/2020, Bộ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân.

Cụ thể, miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán, nộp các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và II năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; Xem xét trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II năm 2020; Đề xuất gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và lương để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Đồng thời xem xét hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19 và bổ sung nguồn hỗ trợ các Sở GD-ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung.

Đến thời điểm này đã có những hỗ trợ nào trong kiến nghị của Bộ GD-ĐT được xem xét giải quyết, thưa Thứ trưởng?

- Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 có một số nội dung dự kiến hỗ trợ đáng chú ý như:  Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.

Người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc).

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế…

Trước mắt, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó, bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.

Các chính sách trên đang được Chính phủ xem xét phê duyệt để sớm ban hành làm căn cứ pháp lý để thực hiện. Như vậy, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ cơ sở giáo dục quốc dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để các chính sách trên sớm được ban hành, áp dụng được ngay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Ngành Giáo dục cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông. Hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học…

Gói hỗ trợ này lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng và giúp ngành Giáo dục triển khai tốt việc dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình trong thời gian chống dịch Covid-19, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Khó khăn là tình hình chung của cả nước và mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải chiến thắng dịch bệnh. Vì vậy, tôi mong rằng, các cơ sở giáo dục bình tĩnh trước khó khăn, chủ động có những giải pháp nhằm hỗ trợ, động viên đội ngũ giáo viên, chung tay đoàn kết, phát huy nội lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bộ GD-ĐT với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành Giáo dục để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành và đề xuất những giải pháp căn cơ trong phạm vi có thể để khắc phục. (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng).

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.