Có một trường làng… thủ khoa

Thầy và trò THPT  Quảng Xương 1.
Thầy và trò THPT Quảng Xương 1.
(PLVN) - Là trường Trung học phổ thông (THPT) cấp huyện, có điểm đầu vào bậc trung, nhưng trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương- Thanh Hóa) luôn có số thí sinh đỗ đại học ở tốp đầu, năm nào cũng có học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học hàng đầu. Năm nay, thủ khoa khối A toàn quốc thuộc về ngôi trường này…

Truyền thống vẻ vang

Sáng 14/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2019. Cả nước không có thí sinh đạt 30 điểm ở các khối xét tuyển đại học. Người đạt điểm cao nhất theo khối xét tuyển tiếp tục thuộc về vùng đất học “Thanh -Nghệ -Tĩnh”.

Cụ thể, Vũ Đức Anh, học sinh Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa), trở thành thủ khoa khối A của nước với 29,05 điểm. Điểm ba môn Toán, Lý, Hóa của em lần lượt là 9,8; 9,25; 10.

Khi biết tin vui này, Đức Anh đang làm thêm ở Sài Gòn. Chàng trai theo chú ruột phụ việc kiếm tiền chuẩn bị cho đợt nhập học sắp tới. Đức Anh cho biết, em đã tra cứu được điểm thi từ sáng sớm nhưng đến tận chiều 14/7 mới biết tin mình đỗ thủ khoa khối A cả nước.

Em chia sẻ, vì đã được thầy cô cho luyện nhiều đề nên bước vào phòng thi, tâm lý rất tự tin và phát huy tốt năng lực vốn có. Hóa học là môn Đức Anh thích nhất nhưng em lại được các thầy đánh giá có năng khiếu và giỏi nhất ở môn Toán. 

Nói về bí quyết ôn thi, theo Đức Anh đó là cả một quá trình bền bỉ học tập. Bản thân nam sinh này luôn tập trung nắm bắt kiến thức các thầy cô truyền tải trên lớp. Về nhà, ngoài các bài tập được giao, việc làm nhiều đề thi cũng mang lại hiệu quả nhất định.

Chỉ riêng năm 12, tân thủ khoa cho biết đã luyện gần 200 đề thi Toán, Lý, Hóa. Đức Anh chia sẻ với kết quả này, em đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin -Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Dù sở hữu điểm thi các môn Toán, Lý, Hóa cao, Đức Anh chỉ thiếu chút nữa là bị điểm liệt môn Tiếng Anh. Môn này, Đức Anh chỉ đạt 1,4 điểm. Bởi khi lên cấp 3, em tập trung toàn bộ thời gian vào khối A mà em theo đuổi cho kì thi ĐH.

Nhận xét về cậu học sinh này, thầy Lê Văn Dỵ - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho biết: “Đức Anh chưa bao giờ dẫn đầu top học sinh xuất sắc nhưng lại có phong độ học tập ổn định. Thầy cô cũng kỳ vọng vào em rất nhiều”. Ngoài Đức Anh, Trường THPT Quảng Xương 1 có 9 học sinh đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên. Trong đó, khối A có 5 em, khối B có 3 em và khối C có 1 em.

Trước đó, năm 2018, Thanh Hóa có 105 trường THPT với trên 35.300 thí sinh nhưng chỉ có 12 em được 27 điểm trở lên (theo tổ hợp môn xét tuyển đại học). Trong đó, Trường THPT Quảng Xương 1 là trường duy nhất có 2 em đạt kết quả cao này:  đó là em Lê Hoàng Thái đạt 27,65 điểm khối A (môn Toán 9,4 điểm; môn Vật lý 8,5 điểm và môn Hóa học 9,75 điểm).

Với điểm số này, Lê Hoàng Thái là thủ khoa của xứ Thanh năm 2018, tính theo điểm khối thi đại học, đồng thời cũng là thí sinh có điểm cao nhất tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ năm 2018, kỳ thi năm 2017, Trường THPT Quảng Xương 1 cũng vang danh cả nước khi có em Nguyễn Hải Đăng đạt 30 điểm tuyệt đối ở khối B với ba điểm 10 ở cả ba môn Toán, Hóa học và Sinh học. Ngoài em Nguyễn Hải Đăng, năm 2017, Trường Quảng Xương 1 còn có tới 32 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên.

Vũ Đức Anh (bên trái), học sinh Trường THPT Quảng Xương 1, là thủ khoa khối A năm 2019.
Vũ Đức Anh (bên trái), học sinh Trường THPT Quảng Xương 1, là thủ khoa khối A năm 2019.

Trường có đến 8 em đỗ vào ngành Y Đa khoa của Đại học Y Hà Nội, ngành học có điểm chuẩn lên đến 29,25 điểm, mức điểm chuẩn cao nhất của một trong những trường đại học danh giá nhất trong số hàng trăm ngành học của hàng trăm trường đại học trên khắp cả nước. Và có lẽ đó cũng là mức điểm chuẩn cao kỷ lục trong suốt cả trăm năm đào tạo của Đại học Y Hà Nội.

Lớp học cho các em muốn đạt 27 điểm trở lên

Chia sẻ về bí quyết có được nhiều thủ khoa, thầy Dỵ cho biết, ngay từ năm lớp 11, trường mở lớp ôn tập cho các em muốn đạt từ 27 điểm trở lên. Đây là lớp học tập trung được các học sinh có năng lực vượt trội dựa trên nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Sau một thời gian ôn tập, lớp 27 điểm này sẽ tiếp tục tách thành các nhóm nhỏ hơn như nhóm 26,5 điểm, nhóm 27 điểm và nhóm 27 điểm trở lên.

Từ đó, giáo viên được phân công phụ trách từng bộ môn sẽ kèm riêng từng em một dựa trên năng lực cũng như theo phương pháp riêng của các thầy, cô. Và do đây là lớp tập trung học sinh giỏi nên giáo viên tham gia giảng dạy, ôn tập tại các lớp này cũng là thành phần xuất sắc của trường. Đầu năm, trường cho giáo viên đăng ký chỉ tiêu cần đạt.

Chẳng hạn, giáo viên được dạy ở lớp 27 điểm phải đăng ký học sinh đạt được điểm bình quân các môn bao nhiêu điểm. Qua đó, đối chiếu với kết quả thật để kết luận đạt hay chưa đạt, hay vượt kế hoạch. Điều đó giúp giáo viên không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời coi việc hết mình vì học trò là nhiệm vụ hàng đầu.

Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên phụ trách môn Vật lý của lớp 27 điểm cho biết: Do lớp học tập trung nhiều học sinh xuất sắc nên trong quá trình dạy, có những thời điểm giáo viên không tránh khỏi việc rơi vào bị động khi có những bài tập khó, học sinh có thể giải nhanh và hay hơn cả mình. Đây thực sự cũng là áp lực đối với giáo viên, buộc giáo viên phải không ngừng bổ sung kiến thức và kỹ năng.

Thế nhưng, điều này không làm giáo viên cảm thấy tự ti, thay vào đó, các thầy cô luôn cảm thấy có thêm động lực để phấn đấu. Với ý nghĩa đó, “lớp 27 điểm” không chỉ là môi trường tốt cho học sinh xuất sắc thực hiện được mục tiêu mà còn là cơ hội để thầy cô của nhà trường luôn phải phấn đấu để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn. 

Về phía học sinh, thầy Dỵ cho biết: “Ngay từ lúc học sinh bước vào lớp 11, chúng tôi đã có những đánh giá, phân loại học sinh theo năng lực nhận thức của các em. Thầy cô không ép học sinh phải thi trường này, trường kia, nhưng sẽ có lời khuyên, định hướng và phương pháp riêng với từng đối tượng”.

Thế nên, sau khi đánh giá, nhà trường sẽ phân loại học sinh theo 4 nhóm: Học sinh có nguyện vọng phấn đấu đạt từ 27 điểm trở lên, nhóm có nguyện vọng vào đại học top trên, nguyện vọng đỗ đại học và cuối cùng là nhóm học sinh chỉ có nguyện vọng ôn thi tốt nghiệp.

Sau đó, khi các em kết thúc chương trình lớp 12, các thầy cô trong trường sẽ thực hiện ôn luyện cho từng nhóm, mỗi nhóm có một chương trình, phương pháp khác nhau, phù hợp với khả năng nhận thức của từng em.

Điều đáng nói, việc đăng ký ôn tập này hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện. Các em được lựa chọn thầy cô, người được chọn sẽ phấn đấu để giúp học sinh đạt được mục tiêu mà không phải đi học thêm ở ngoài. Nhiều năm nay, trường đã áp dụng phương pháp này và thu được kết quả rõ rệt, khi liên tiếp đón tin vui có học sinh đỗ thủ khoa trong mỗi mùa tuyển sinh.

Thế nhưng, đầu vào lớp 10 của trường này thì không cao. Theo ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 105 trường cấp ba, gồm có 102 trường ở các huyện, hai chuyên nội trú và Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn. Trong đó, Quảng Xương 1 chỉ là một trường làng của một huyện.

Vì thế, điểm tuyển sinh đầu vào năm lớp 10 không cao so với nhiều trường khác của xứ Thanh. Nếu không muốn nói là thấp, nhất là so với các trường ở thành phố Thanh Hóa như trường Hàm Rồng, Đào Duy Từ, Nguyễn Trãi, và so với trường Chuyên Lam Sơn thì đương nhiên càng xa vời. 

Cụ thể, điểm đầu vào lớp 10 của Trường Quảng Xương 1 hàng năm chỉ khoảng 25 điểm. Năm 2018 là năm trường có điểm cao nhất trong lịch sử khi lấy 30,4 điểm. Trong khi đó, các trường ở thành phố Thanh Hóa như Nguyễn Trãi có điểm đầu vào là 34 điểm, Đào Duy Từ 35,5 điểm, Hàm Rồng 36 điểm.

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Dỵ vui vẻ chia sẻ về những kế hoạch, chiến lược được nhà trường đặt ra ngay từ khi học sinh bắt đầu bước chân vào học lớp 10, trong đó nhấn mạnh việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tố đặc biệt. Bởi thế, năm nào, khi trường tổ chức thi thử, học sinh khắp Thanh Hóa về trường thi thử khá đông. Và ngôi trường ấy, khi thầy trò cùng nỗ lực hết mình với những chiến lược chinh phục đỉnh cao thì cá chép đã hóa rồng… 

Tin cùng chuyên mục

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?