Căng thẳng chuyện cho trẻ Hà Nội đi học dưới giá rét 9 độ C

(PLVN) - Hôm nay, 8/1, có lẽ là ngày nhiệt độ xuống thấp nhất trong đợt rét hại này. Nhiều chuyện bi hài xảy ra khi học sinh tiểu học Hà Nội vẫn đến trường...

Giữ ấm cho con khi đến trường ngày rét đậm

Nhiều phụ huynh tiểu học ở Hà Nội đã trải qua một buổi tối và buổi sáng bất an. Có những group ảo hoạt động đến 22-23h hôm qua, các ý kiến cho biết từ chiều cùng ngày đã "ngóng" tin nhắn với hy vọng nhà trường cho học sinh nghỉ học.

Không ít người bày tỏ căng thẳng, lo con đến trường nhiễm lạnh dễ bị ốm, nhưng nếu được nghỉ học thì chưa biết sẽ thu xếp trông giữ thế nào, vì cuối năm công việc bận rộn...

Không thể cứ than thở mà hồi hộp với nhau, một số bố mẹ "mạnh dạn" hỏi giáo viên và thông tin được lan đi, Hà Nội vẫn cho học sinh đến trường khi nhiệt độ dưới 10 độ C. vì ở lớp đã có điều hòa nóng... Một cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra, chủ của các bé "gà công nghiệp" không giấu được hoang mang, chưa dám quyết nên hay không nên cho con đi học...

Từ khoảng 6h hôm nay, các group lại "nóng" chuyện cho con nghỉ học hay không nghỉ. Hình ảnh chụp màn hình điện thoại nhiệt độ trên địa bàn Hà Nội liên tục được chia sẻ, theo đó, một số điểm tại quận Cầu Giấy 8 độ C; Hoàn Kiếm, Long Biên là 9 độ C; Thanh Xuân, Hà Đông 9-11 độ C...

Bố mẹ "thi nhau" than vãn vì xót con... "Chán quá, rét thế này mà vẫn phải cho con đi học"; "Cho đi học thì lo, không cho đi thì ai trông?", "Người lớn còn co ro, trẻ con đến lớp cởi hết áo xống ra chạy nhảy hành lang, sân trường lại ốm thôi...".

Có những ý kiến quyết tâm: "Em cho con nghỉ rồi, xác định tự dạy bù cho con", "Nhà này con nghỉ mẹ nghỉ thôi, đi học một ngày về ho sốt mấy ngày nghỉ còn nhiều hơn", "Con em lát sang ông bà luôn".

Có cả những xung đột tức thời và chuyện dở cười dở mếu: "Em và ông xã sáng sớm đã cãi nhau. Em muốn con nghỉ nhưng lão ấy bắt đi học, bảo ai cho nghỉ thì ở nhà mà trông. Cuối cùng em thua lão ấy, rồi bận quần quần áo áo cởi ra cởi vào, quên cả vở với bút của con ở nhà". "Bà nội em dỗi rồi, bà bảo đưa cháu sang bà trông không đưa, sợ con mất buổi học. Bà bảo nó ốm nghỉ làm mà chăm, bà kệ..."...

Tuy nhiên, phần nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học, nhắn nhủ động viên các phụ huynh khác, cũng để tự động viên mình: "Cho đi lớp thôi, cứ rét lại nghỉ thì sao kịp chương trình?", "Bố mẹ thấy lạnh nhưng các con không cảm giác lạnh lắm đâu, vẫn chạy nhảy đổ mồ hôi. Bố mẹ chỉ cần mặc quần áo phù hợp, nhắc con giữ ấm thôi"; "Đi đường thì lạnh đấy nhưng vào lớp có điều hòa là ổn. Em đưa con đến trường thấy có những bạn vẫn tha thẩn ở sân, cô giáo phải nhắc lên lớp đấy"; "Rét nhưng may không mưa nên chịu được, ngoài 10h là nhiệt độ lên 10-11 độ C rồi, chúng mình yên tâm đi"; "Thả cho chúng dạn gió, thời mình đi học phố phường trống vắng, áo quần ít còn giá rét hơn, vẫn đi học có sao đâu"....

Khi trẻ đến lớp ngày rét đậm, rét hại, các bậc phụ huynh có thể tham khảo cách sau để giữ ấm cho con:

Không nên mặc cho con quá 4 lớp quần áo, vì nếu mặc nhiều hơn, bé khó cử động, ra mồ hôi dễ bị cảm lạnh. Lớp áo trong cùng nên là quần áo cotton mỏng. Cha mẹ nên để con mặc quần áo ấm dần dần, tăng dần số lượng áo.

Cha mẹ cũng tùy đặc điểm tính cách con để chọn những loại quần áo cho phù hợp. Trẻ, nhất là các bé trai, thường chạy nhảy nên hay đổ mồ hôi. Vì thế, cha mẹ nên chọn quần áo phải dễ mặc, dễ cởi. Dựa vào nhiệt độ cơ thể của con, các mẹ có thể tăng hoặc giảm số áo cho hợp lý, để con không bị quá lạnh hoặc quá nóng.

Khi mặc đủ quần áo cho con, cha mẹ nên kiểm tra lại, đảm bảo bàn tay, lưng, bụng và đầu bé ấm nhưng không đổ mồ hôi. Nếu lưng bé đổ mồ hôi dễ thấm ngược vào cơ thể và có thể gây cảm lạnh, viêm phổi...; bụng lạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá và hấp thụ thức ăn của con.

Trước khi ra khỏi nhà, hãy đeo khẩu trang cho con, để bảo vệ vùng mũi của bé, giúp bé không hít phải khí lạnh, bụi... khi lưu thông trên đường.

Luôn giữ bàn chân bé ấm, vì bàn chân chân có chứa rất nhiều mạch và huyệt, cũng là bộ phận nhạy cảm nhất. Nếu để bàn chân bé lạnh, bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp...

Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lúc 9h30 hôm nay, 8/1, không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng đến hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Dự báo ngày và đêm nay, không khí lạnh mạnh này tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên ở các tỉnh Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá; các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trời rét, phía Bắc có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-18 độ; các tỉnh Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét; từ đêm nay, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.  

Khu vực Hà Nội không mưa; trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-10 độ C.

Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-3,0m; vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Gió đông bắc trong đất liền ở Bắc Bộ và Trung Bộ cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?